MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đã có bao nhiêu doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu, giá trị lớn thế nào?

06-02-2024 - 10:13 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo ước tính của Chứng khoán MBS, lượng trái phiếu chậm thanh toán hiện chiếm gần 19% dư nợ TPDN toàn thị trường, phần lớn thuộc nhóm bất động sản.

Đã có bao nhiêu doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu, giá trị lớn thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tại báo cáo về thị trường trái phiếu mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) ước tính giá trị TPDN sẽ đáo hạn trong năm 2024 rơi vào khoảng 200 nghìn tỷ đồng (đã trừ đi các khoản trái phiếu mua lại), đặc biệt giá trị trái phiếu đáo hạn lớn nhất sẽ rơi vào khoảng thời gian quý 2 và quý 3 năm nay.

Trong đó, nhóm ngành bất động sản chiếm tỷ trọng chính với tổng giá trị dự kiến đáo hạn lên tới 37 nghìn tỷ đồng, chiếm 18% tổng giá trị đáo hạn. Tiếp theo là nhóm ngành ngân hàng với giá trị đáo hạn dự kiến là 17 nghìn tỷ đồng và chiếm 9%.

Tính đến ngày 26/1, đã có khoảng 105 doanh nghiệp thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu. MBS uớc tính tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 193 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 71% giá trị chậm trả.

Đã có bao nhiêu doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu, giá trị lớn thế nào?- Ảnh 2.

Theo MBS, thị trường TPDN vận hành ảm đạm trong nửa đầu năm 2023 và dần khởi sắc hơn trong nửa cuối năm. Lũy kế cả năm, tổng giá trị TPDN phát hành đạt hơn 317 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với năm ngoái. Ước tính của MBS cho thấy, lãi suất trái phiếu bình quân gia quyền năm 2023 đạt khoảng 8%, tương đương năm 2022, bất chấp lãi suất huy động đã giảm đáng kể khoảng 3,4 điểm % vào cuối năm 2023.

Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành tăng mạnh mẽ 31% so với năm 2022 chiếm tỷ trọng 56% so với tổng giá trị trong năm 2023, lãi suất bình quân gia quyền của ước tính 6,5%/năm, kỳ hạn bình quân 4,7 năm. Giá trị phát hành của nhóm ngành Bất động sản tăng 18% và chiếm tỷ trọng 25%, lãi suất bình quân gia quyền ước tính 9,9%/năm, kỳ hạn bình quân 3,5 năm.

Các nhóm ngành có hoạt động phát hành giảm trong năm 2023 bao gồm: xây dựng và vật liệu xây dựng (-91%), chứng khoán (-27%), năng lượng (-59%). Trong cả năm 2023, khoảng 244 nghìn tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, tăng 9% so với năm 2022, trong đó nhóm ngành NH vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 50% tổng giá trị mua lại, nhóm ngành BĐS và xây dựng lần lượt chiếm tỷ trọng 14% và 13%.

Theo MBS, trong năm 2023, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc mua lại trái phiếu (lượng giá trị trái phiếu mua lại ước tính lên đến 244 nghìn tỷ đồng), đặc biệt hoạt động chủ yếu đến từ nhóm ngành ngân hàng do dư thừa thanh khoản (chiếm 50% tổng giá trị mua lại). Việc mua lại trái phiếu trước hạn sẽ giúp ngân hàng giảm dư thừa vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) và đồng thời làm giảm áp lực đáng kể lên lượng giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn của nhóm ngành này trong năm 2024.

Đã có bao nhiêu doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu, giá trị lớn thế nào?- Ảnh 3.

Tính đến ngày 31/1, tổng giá trị trái phiếu phát hành thành công trong tháng 1 ước đạt hơn 4,5 nghìn tỷ đồng, hoạt động phát hành sụt giảm đáng kể giảm 73% so với tháng trước. Trong đó nhóm xây dựng chiếm tỷ trọng lớn với với khoảng 4,1 nghìn tỷ đồng giá trị trái phiếu phát hành. Đáng chú ý, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM phát hành trái phiếu ra công chúng với giá trị là 2.813 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm, kỳ hạn là 10 năm.

Nhóm phân tích kỳ vọng thị trường TPDN sẽ khởi sắc hơn trong năm 2024 nhờ các yếu tố như: Vĩ mô lấy lại đà tăng trưởng sẽ là nền tảng hỗ trợ cho các DN mở rộng sản xuất kinh doanh; Môi trường lãi suất thấp cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu vốn cũng như thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư; Triển vọng ngành BĐS sẽ tích cực hơn; Các quy định pháp lý thúc đẩy niềm tin của DN phát hành cũng như nhà đầu tư.

Quốc Thụy

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên