MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Phạm Trọng Nhân: Không quá khi nói chúng ta đang đầu độc chính mình

Báo cáo giám sát cho biết, mỗi năm có 70.000 người chết vì ung thư và hơn 200.000 ca phát hiện mới, một phần nguyên nhân trong đó đến từ thực phẩm bẩn.

Thực phẩm bẩn từ lâu đã là vấn đề nhức nhối của xã hội. Dành nguyên một ngày họp hôm nay, Quốc Hội đã thảo luận về vấn đề này.

Rất bức xúc, đại biểu Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương nói: “Hoá chất độc hại, chất cấm, thực phẩm bẩn đội lốt, xuất hiện không chừa một chỗ nào. Câu hỏi đặt ra là những hoá chất đó đến từ đâu?”.

Đại biểu Nhân dẫn ra, hàng năm Việt Nam bỏ ra khoảng 770 triệu USD để nhập khẩu 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật với 4.100 chủng loại khác nhau, 90% trong đó nhập từ Trung Quốc. Điều đáng nói là Trung Quốc chỉ có 630 loại thuốc được lưu hành.

Bên cạnh đó, tính trong 2 tháng đầu năm, tổng giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu đạt 129 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. “Đó là con số được phép, còn những loại trôi nổi về qua đường tiểu ngạch, nhập lậu không kiểm soát được. Đây là cái gốc của nguyên nhân”, đại biểu nói.

Ông đặt câu hỏi: “Số lượng hoá chất đó đi đâu, được làm gì? Câu hỏi đó dành cho các ngành chức năng”.

Vị này cũng bức xúc khi dẫn ra con số mỗi năm có khoảng 70.000 chết vì ung thư, 200.000 ca phát hiện mới mà một phần nguyên nhân đến từ thực phẩm bẩn. Hiệp hội Ung thư Thế giới cũng thống kê, 35% ca mắc ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn.

“Không nói quá khi chúng ta đầu độc chính mình”, ông nói.

Về sau, trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng NNPT&NT cũng nhắc đến vấn đề thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất đưa vào trong chuỗi sản xuất và gọi đó là “vấn đề nhức nhối”.

Bộ trưởng cho biết, riêng về thuốc bảo vệ thực vật, hiện Việt Nam đang có 4.000 tên thuốc “là quá nhiều”. Do vậy, trong 8 tháng vừa qua, Bộ đã rà soát loại 600 sản phẩm không cần thiết đưa vào có gốc độc rất cao, dù trên thế giới còn nhiều nước dùng nhưng chúng ta vẫn kiên quyết loại ra. Bên cạnh đó, Bộ đã rà soát, kiểm tra hệ thống phân phối, tuyên truyền để người dân hạn chế sử dụng các loại thuốc này.

Đối với phân bón, Bộ trưởng Cường cho biết mỗi năm Việt Nam dùng từ 8-10 triệu tấn phân bón vô cơ, trong khi tỷ lệ phân hữu cơ rất ít. Chính phủ đã quyết định chuyển phân bón sang Bộ NN&PTNT quản lý toàn bộ.

“Trong quý III năm nay, Bộ sẽ trình Nghị định quản lý phân bón, chế tài xử phạt nghiêm minh đối với hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng”, Bộ trưởng nói.

“Quản lý ATTP là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị nhưng những Bộ có trách nhiệm quản lý trực tiếp phải cố gắng không ngừng. Thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm hoàn thiện tiếp các thể chế, nghị định, thông tư, rà soát cơ quan quản lý thực thi pháp luật, tăng cường phối hợp với liên ngành, địa phương để thực hiện tốt nhất trách nhiệm phục vụ sản xuất, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói thêm.

Một cân bún, 3 bộ cùng quản

Đại biểu Nhân cũng cho rằng việc quản lý của các Bộ ngành còn nhiều bất cập. Ông kể: một nguồn tin từ Văn phòng Quốc hội cho biết khi hỏi về trách nhiệm phân công của nhà nước trong lĩnh vực này, 53,4% trả lời không hợp lý.

Kết quả này có nhiều điểm tương tự với khảo sát của Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp khi 73% cán bộ Y tế, 60% cán bộ Công thương và 57% cán bộ Nông nghiệp cho rằng việc phân công trách nhiệm an toàn thực phẩm hiện nay không hợp lý.

Một ví dụ cụ thể là chất lượng 1 cân bún đang do 3 bộ chịu trách nhiệm: nguyên liệu bột gạo do Bộ NNPT&NT; sản phẩm tinh bột do Bộ Công thương quản; bún bán trên thị trường nếu có chứa chất tinopal gây ngộ độc lại thuộc phần việc của Bộ Y tế.

Đại biểu kiến nghị cần có giải pháp tránh sự chồng chéo nêu trên. Bên cạnh đó, đại biểu Nhân cũng kêu gọi cộng đồng cần tuyên chiến với thực phẩm bẩn một cách triệt để. Bởi lẽ, “chúng ta đã nhiều lần kêu gọi sự tử tế của người sản xuất nhưng những gì nhận được chỉ là sự phản hồi yếu ớt vì cái bóng lợi nhuận bao trùm lên tất cả”, cũng bởi “đợi đủ lâu mà bài toán quản lý nhà nước vẫn chưa đưa ra được đáp số”, do đó, “lời giải cần thiết là sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật”.

Đại biểu cho rằng nếu không làm triệt để ngày hôm nay, sẽ để lại một hậu quả dài lâu cho các thế hệ sau cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên