MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đạp xe tốt nhưng mắc 2 lỗi sai này có thể để lại tật, "hao mòn" sức khỏe

11-04-2024 - 18:10 PM | Sống

Đạp xe là bộ môn thể thao giúp rèn luyện sức khỏe không gây sức ép quá lớn tới xương khớp. Tuy nhiên, đạp xe sai cách lại có thể gây hại cho cơ thể.

2 lỗi sai hay gặp khi đạp xe

Theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ) nếu đạp xe ở vận tốc 20-22 km/giờ trong khoảng 30 phút thì lượng calo tiêu hao sẽ là 285 calo.

Không chỉ đốt cháy năng lượng dư thừa, đạp xe còn mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể như xây dựng cơ bắp, gia tăng trao đổi chất, phòng bệnh mạn tính, đặc biệt là thoái hóa khớp gối. Do đó nhiều người trung niên, cao tuổi thậm chí là thanh niên lựa chọn đạp xe như một bài tập để luyện tập sức khỏe.

Theo bác sĩ Đỗ Nam Khánh - Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt, đạp xe là bộ môn thể thao rèn luyện sức khỏe hiệu quả. Tuy nhiên, đạp xe sai cách lại có thể gây ra tác hại không nhỏ tới cơ thể. Theo đó, bác sĩ Khánh nhận thấy 2 lỗi sai thường gặp ở người đạp xe là: Đạp xe quá sớm; Chỉ đạp xe không tập thêm các bài tập bổ trợ khác.

Đạp xe tốt nhưng nếu mắc 2 lỗi sai này có thể để lại tật,

Đạp xe (ảnh minh họa).

Phân tích sâu hơn, bác sĩ Khánh cho hay, đạp xe quá sớm sẽ không tốt cho sức khỏe và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn. Do thời tiết vào buổi sáng sớm khi chưa có ánh nắng mặt trời, lượng CO2 còn nhiều, khi đó nếu chúng ta vận động, hít thở thì sẽ không tốt cho hệ hô hấp.

Thời điểm đạp xe tốt nhất là lúc đã có ánh nắng ban mai hoặc buổi chiều tối khi còn ánh nắng mặt trời. Khoảng thời gian này không chỉ tốt cho vận động, trao đổi chất mà nó còn giúp phòng tránh được nguy cơ đột quỵ và tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn giao thông.

Ngoài việc chọn sai thời gian đạp xe, bác sĩ Khánh cho biết một lỗi sai khác thường gặp là đạp xe nhưng không tập thêm các bài tập bổ trợ. Bác sĩ cho biết nếu chỉ đạp xe mà không tập thêm các bài tập bổ trợ khác có thể gây hại cho xương, dị tật gù.

Khi đạp xe chúng ta chủ yếu chỉ vận động cơ chân, không vận động cơ bụng. Vì thế, nhiều người đạp xe để giảm mỡ bụng là không có hiệu quả. Hơn nữa, khi đạp xe cơ tay và cơ lưng dường như cũng không hoạt động, vì thế sẽ khiến các cơ phát triển không đồng đều và có thể gây ra tật ảnh hưởng đến cơ và xương. Bác sĩ Khánh đã từng gặp trường hợp bị gù lưng sau hơn 10 năm đạp xe.

Đạp xe hiệu quả và an toàn

Để việc đạp xe trở nên hiệu quả, bác sĩ Khánh lưu ý mọi người cần kết hợp đạp xe với những môn thể thao khác, nhất là các bộ môn giúp phát triển cơ tay và cơ lưng như bơi, cầu lông để cơ thể phát triển cân bằng và được hoạt động toàn diện.

Bác sĩ Khánh cũng lưu ý thêm để đảm bảo an toàn và tốt cho sức khỏe, khi đạp xe mọi người không nên luyện tập quá sức. Mọi người nên xây dựng chế độ tập luyện từ cơ bản đến nâng cao để cơ thể có thể thích nghi.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, đạp xe trong 30 phút với tốc độ 20km/h sẽ giúp cơ thể tiêu hao khoảng 300 calo, ngang với lượng calo của một bữa ăn nhẹ. Do vậy, với người trưởng thành có sức khỏe bình thường, không có bệnh nền, thời gian đạp xe tốt nhất là từ 30-60 phút, đặc biệt mọi người không nên đạp xe liên tục quá một tiếng.

Đạp xe tốt nhưng nếu mắc 2 lỗi sai này có thể để lại tật,

Bác sĩ Đỗ Nam Khánh.

Ngoài các lưu ý kể trên, bác sĩ Khánh cũng cho biết một số người khi đi xe đạp sẽ để yên xe thấp. Tuy nhiên, việc để yên xe không phù hợp có thể gây ra chấn thương về đầu gối. Ngoài ra, yên xe quá thấp cũng ảnh hưởng đến cánh tay và thân người khi đạp xe. Do đó, bác sĩ Khánh khuyên mọi người nên căn chỉnh yên xe sao cho khi ngồi thẳng chân không chạm đất (khi dừng xe người đạp sẽ phải nghiêng xe để chống chân hoặc nhảy xuống khỏi yên), đồng thời cánh tay và thân của người tập cần tạo thành một góc 45 độ so với xe đạp.

Một lưu ý khác khi đạp xe mọi người cần ghi nhớ là chú ý bổ sung năng lượng để tránh bị hạ đường huyết, mệt mỏi, khó chịu, buồn nôn...

Cuối cùng, để đảm bảo an toàn khi đạp xe mọi người cũng có thể tham gia vào các nhóm đạp xe để cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ nhau khi tập luyện, nhất là khi gặp các sự cố về xe hay tai nạn.

PV

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên