MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư thêm tuyến cáp quang biển: Một mũi tên, hai đích đến

18-02-2023 - 15:30 PM | Kinh tế số

Thi công phân đoạn tuyến cáp quang biển ADC cập bờ tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định)

Thi công phân đoạn tuyến cáp quang biển ADC cập bờ tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định)

Giải pháp lâu dài không để sự cố cáp quang biển ảnh hưởng đến kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế là đầu tư thêm tuyến cáp quang biển. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt mục tiêu đến năm 2025 đầu tư, xây dựng mới thêm 2-4 tuyến cáp quang; doanh nghiệp trong nước thành lập liên minh và làm chủ đầu tư, xây dựng tuyến. Đây là "một mũi tên, hai đích đến", vì không chỉ là giải pháp bảo đảm an toàn thông tin trong mọi tình huống mà còn là nỗ lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Hạ tầng còn hạn chế

Theo ông Hoàng Đức Dũng, Trung tâm Khai thác toàn cầu, Tổng công ty Mạng lưới Viettel, thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), hạ tầng cáp quang biển Việt Nam hiện có 5 tuyến đang hoạt động là AAG (Asia-America Gateway), SMW3 (Sea-Me-We 3), IA (Intra Asia, còn gọi là Liên Á), APG (Asia Pacific Gateway) và AAE-1 (Asia Africa Europe -1). Trong đó, SMW3 đã cũ (từ năm 1999), dung lượng ít và chuẩn bị thanh lý. AAG và IA đã khai thác hơn 13 năm (từ năm 2009) lại hay xảy ra sự cố. 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm các tuyến cáp quang biển mà doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư bị đứt 10 lần, thời gian khắc phục mất 1 tháng.

Nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đều có số lượng tuyến cáp quang biển cao hơn Việt Nam, như Singapore có đến 30 tuyến; Malaysia có 22 tuyến; Thái Lan có 10 tuyến; Mỹ có 93 tuyến; Anh 56 tuyến; Pháp 23 tuyến; Nhật Bản 27 tuyến. So với các nước trong khu vực, mức độ bảo đảm về hạ tầng kết nối internet quốc tế của Việt Nam ở mức thấp.

Ngoài 5 tuyến cáp quang biển, Viettel đang tham gia đầu tư tuyến ADC, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đầu tư tuyến SJC2, dự kiến cuối năm 2023, đầu năm 2024 đưa vào khai thác thương mại. Cho nên, sự cố xảy ra trên 4/5 tuyến cáp quang biển là vấn đề đặt ra trong việc bảo đảm an toàn thông tin cũng như quá trình chuyển đổi số của quốc gia.

Đại diện các doanh nghiệp VNPT, Viettel cũng cho biết, mặc dù cáp quang biển hay gặp sự cố, nhưng đến nay vẫn được coi là hạ tầng quan trọng và thiết yếu kết nối internet đi quốc tế. Cáp quang biển chiếm tới 95-97% hạ tầng kết nối viễn thông; có chất lượng cao và chi phí bảo dưỡng thấp hơn so với cáp đất liền. Ngoài ra, cáp quang biển vượt trội về chất lượng so với cáp vệ tinh vốn hay bị ảnh hưởng, suy hao do mưa bão.

Đầu tư, mở rộng cáp quang biển

Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm cho biết, hiện tuyến SJC2 đã thực hiện 60% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Bên cạnh đó, VNPT cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư thêm 1-2 tuyến cáp biển để đáp ứng nhu cầu băng thông quốc tế cũng như đa dạng hóa các tuyến cáp kết nối. Mục tiêu đến năm 2025 có thêm 3 tuyến cáp, bao gồm SJC2, ADC và 1 tuyến cáp có quy mô nhỏ hoặc vừa do các doanh nghiệp Việt Nam cùng hợp lực xây dựng, là khả thi.

Lãnh đạo VNPT cho rằng, việc thành lập liên minh các doanh nghiệp Việt Nam để đầu tư thêm tuyến cáp biển sẽ tăng tính chủ động cho các nhà mạng trong nước. Tuy nhiên, có thể phải xem xét mời đối tác tại các quốc gia mà tuyến cáp dự kiến cập bờ cùng tham gia đầu tư.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng cho rằng, dung lượng internet kết nối quốc tế rất quan trọng. Tuyến cáp ADC có dung lượng 18Tbps, lớn gấp 3 lần dung lượng tuyến APG. Đồng thời, Việt Nam có thêm trạm cập bờ mới tại Quy Nhơn, bên cạnh Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay. Tuyến cáp mới thứ ba mà Viettel đầu tư đang trong lộ trình đàm phán và xin phê duyệt chủ trương, theo kế hoạch cuối năm 2025 cũng sẽ đưa vào khai thác. Cũng theo lãnh đạo Viettel, đặc thù của cáp biển không chỉ thuộc lãnh thổ, lãnh hải riêng một quốc gia mà liên quan đến nhiều quốc gia nên cũng có nhiều khó khăn liên quan thủ tục, cơ chế, hành lang pháp lý.

Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Hồng Thắng khẳng định, việc có thêm các tuyến cáp biển là cần thiết, góp phần bảo đảm tính sẵn sàng, nhiều hướng, không phụ thuộc vào 1 hoặc 2 tuyến đang có. "Thời gian qua, Viettel, VNPT đã tham gia đầu tư tuyến cáp biển mới SJC, ADC. Nếu triển khai đúng tiến độ, năm 2023 này sẽ có thêm 2 tuyến cáp biển, băng thông lớn hơn rất nhiều", Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Hồng Thắng nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy các nước có nền kinh tế số phát triển đều dựa trên 3 trụ cột chính là cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách và chất lượng nguồn nhân lực. Như vậy, đến năm 2025, việc có thêm các tuyến cáp biển cùng với việc đưa vào khai thác các trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng cho quốc gia, một trong ba trụ cột chính để phát triển kinh tế số.

Theo Việt Nga

Hà Nội Mới

Trở lên trên