MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Chứng khoán HSC: Quý đầu năm đã chốt được một số “deal” lớn về tư vấn, dự kiến ghi nhận lợi nhuận vào quý 3/2020

Với trái phiếu doanh nghiệp mua về Chứng khoán HSC không dừng lại ở đầu tư, mà sẽ bán lại cho các nhà đầu tư nhằm đa dạng danh mục của mình. "Chúng tôi đầu tư vào trái phiếu, và bán lại cho quý vị để có thể có một lãi suất tốt hơn ngân hàng, muốn mua muốn bán khi nào cũng được. Đó cũng là một sản phẩm, và tương lai chúng tôi sẽ phát triển thêm", Tổng Giám đốc nói thêm.

Ngày 23/6/2020, Chứng khoán Tp.HCM (Chứng khoán HSC, HCM) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020, thông qua kế hoạch 1.298 tỷ đồng doanh thu, tăng 3% so với năm 2019; lợi nhuận trước thuế gần 567 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 453,5 tỷ đồng, tăng 5%. Trong đó, hoạt động môi giới, cho vay margin và tự doanh vẫn là các mảng đem lại doanh thu chính cho HSC.

Với chỉ tiêu trên, Công ty trình chia cổ tức 2020 tỷ lệ 12% bằng tiền mặt.

Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Trịnh Hoài Giang, nửa đầu năm thị trường biến động khá mạnh, đặc biệt trước ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ước tính, 6 tháng qua Công ty ghi nhận được 310 tỷ LNTT, tương đương thực hiện được hơn 50% chỉ tiêu cả năm. Dự báo cho 2 quý còn lại, đại diện HSC khẳng định sẽ còn nhiều khó khăn, trong đó phụ thuộc vào sự biến động của thị trường quốc tế cũng như thị trường trong nước.

Về phía HSC, để cải thiện và nâng cao vị thế cạnh tranh, năm 2020 chắc chắn Công ty sẽ giảm chi phí; trong đó chi phí cho khách hàng tổ chức dự giảm 16%. Song song, Công ty sẽ đẩy mạnh mảng phái sinh theo hướng tập trung khách hàng có lời. Riêng với mảng cho vay ký quỹ, dư nợ mục tiêu đi ngang ở mức 4.200 tỷ đồng, ngược lại doanh thu dự giảm mạnh từ mức 495 tỷ (năm 2019) về còn 440 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do lãi cho vay sẽ điều chỉnh giảm.

Cụ thể từng mảng, bao gồm:

+ Hoạt động môi giới: Duy trì mức 25% thị phần nước ngoài; tổng đóng góp doanh thu năm 2020 tiếp tục ở mức 37% với khoảng 480 tỷ đồng;

+ Cho vay margin: Đã triển khai mô hình cho vay ký quỹ mới, dư nợ 2020 không biến động nhiều với quy mô 4.200 tỷ đồng;

+ Hoạt động tự doanh: Doanh thu kế hoạch 309 tỷ, tăng 39% so với năm 2019. Mức tăng chủ yếu đến từ việc tăng đầu tư trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp.

+ Tư vấn tài chính: Dự đạt 66 tỷ doanh thu, Công ty đang xúc tiến thêm các giao dịch mới trên thị trường nợ và vốn để có thể doanh thu.

ĐHĐCĐ Chứng khoán HSC: Quý đầu năm đã chốt được một số “deal” lớn về tư vấn, dự kiến ghi nhận lợi nhuận vào quý 3/2020 - Ảnh 1.

Kết thúc năm 2019, Chứng khoán HSC đạt 1.560 tỷ đồng tổng doanh thu hoạt động, giảm 33,6% so với năm trước đó. Trong đó doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán giảm 37% so với cùng kỳ, đạt 478 tỷ đồng và doanh thu nghiệp vụ tư vấn tài chính giảm hơn nửa xuống còn gần 54 tỷ đồng. Ngoài ra lãi từ các tài sản tài chính cũng giảm gần 44% xuống còn 522 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 36% so với năm 2018, còn 433 tỷ đồng.

Theo báo cáo, thị phần môi giới chứng khoán cơ sở năm 2019 của HSC đạt 10,8%, thấp hơn năm 2018 (11,4%) và thấp hơn kỳ vọng trong kế hoạch năm 2019 (12,3%). Thị phần môi giới phái sinh của Công ty năm 2019 đạt 9,8%, giảm đáng kế so với mức 22,6% đạt được năm 2018. Doanh thu tự doanh giảm 20% xuống còn hơn 222 tỷ đồng.

Với kết quả đạt được, HĐQT công ty dự kiến trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, trong đó chia cổ tức tỷ lệ 12%. Trước đó Công ty đã tạm ứng 5% cổ tức bằng tiền vào đầu năm 2020. Số còn lại 7% dự kiến trả bằng tiền mặt, sẽ trả vào cuối tháng 7/2020.

Thảo luận

Nhận định về thị trường 6 tháng cuối năm như thế nào?

6 tháng cuối năm HSC vẫn duy trì quan điểm thận trọng. Trong đó, thị trường 6 tháng đầu năm giảm sút mạnh, tuy nhiên rủi ro hiện nay không mất đi mà vẫn hiện hữu, đặc biệt là rủi ro về lãi suất tỷ giá. Mặt khác, việc cấp vốn tín dụng cũng có nhiều rào cản.

Hiện, HSC sẽ siết chặt cho vay ký quỹ, trong đó ưu tiên các công ty đại chúng có nền tảng tốt để có thể lấy cổ phiếu làm thế chấp. Ngược lại, Công ty sẽ giảm cho vay tại các cổ phiếu nhỏ.

Với tự doanh, HSC quan điểm dùng tự doanh phục vụ khách hàng, thông qua việc tạo lập thị trường, thiết kế được các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàng, cũng như có thể tham gia mua lại nếu khách hàng muốn bán ra. "Định hướng HSC không tạo ra một vị thế lớn, vấn đề cốt lõi là Công ty tạo ra một core để phục vụ khách hàng, tạo thế thuận mua vừa bán", ông Giang nhấn mạnh.

Tựu chung, quý đầu năm có thể coi là quý khó khăn nhất và HSC ước thu về 310 tỷ LNTT tính tổng quý 1-2/2020, vậy HSC dự kiến 2 quý còn lại sẽ đạt được một khoản tương tự, từ đó hoàn thành được mục tiêu khoảng 566 tỷ LNTT cả năm.

Quý 1 HSC cũng đã chốt được một số deal lớn về tư vấn và sẽ book lợi nhuận vào quý 3.

Chiến lược 5 năm sẽ đánh mạnh vào Investment Banking, lợi thế của HSC là như thế nào khi nhiều đơn vị kinh doanh mảng này đang được hậu thuẫn vốn bởi các NHTM?

Ông Johan Nyvene: Dù không được bù đắp bởi nguồn vốn từ hậu thuẫn bởi NHTM, nhưng HSC có thể dùng vốn huy động. Chưa kể, những doanh nghiệp có NHTM phía sau hỗ trợ chưa chắc sẽ sử dụng dòng vốn hiệu quả.

Riêng HSC, thời gian gần đây Công ty ghi nhận nhiều tín hiệu tốt từ mảng Investment Banking (ngân hàng đầu tư), vì HSC có một lợi thế là tiếp cận được các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Chiều ngược lại, HSC tiếp cận được những khách hàng có nhu cầu về vốn, phân phối từ nhà đầu tư cá nhân đến nhà đầu tư tổ chức (hiện các tổ chức có quan hệ với HSC có năng lực tài chính rất mạnh). Trong đó, bản chất hoạt động tự doanh hiện nay của Công ty không chỉ là mua mua bán bán, mà còn là những hoạt động ngân hàng đầu tư hiệu quả.

Ngoài ra, một trong những mũi nhọn thứ 2 của HSC cho giai đoạn 5 năm là quản lý tài sản, đây không phải quản lý quỹ mà là sự tiến hóa của hoạt động tư vấn, trong đó bao gồm tư vấn để quản lý và hỗ trợ nhân tài khoản cho nhà đầu tư cá nhân. Năm 2019, HSC đã hình thành được mô hình kinh doanh mới, dùng vốn HSC vừa tư vấn phát hành trái phiếu, bảo lãnh cũng như phân phối lại cho các nhà đầu tư cá nhân. HSC đã có cách nhìn mới về nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân, thời gian tới Công ty sẽ tiếp tục xây dựng nhiều sản phẩm hơn cho nhóm khách hàng này.

Tăng đòn bẩy để mở rộng hoạt động kinh doanh, kế hoạch chi tiết như thế nào?

Đòn bẩy năm 2020 HSC dự kiến ở mức năm ngoái. Kế hoạch dài hạn, Công ty dự tăng vay nợ và tăng đầu tư. Nhưng, việc này cũng cần thời gian đánh giá, lựa chọn, ông Giang nói. Trong đó, HSC trước mắt chọn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt tại những đơn vị có mức độ an toàn cao.

Ngoài ra, với trái phiếu doanh nghiệp mua về HSC không dừng lại ở đầu tư, mà sẽ bán lại cho các nhà đầu tư nhằm đa dạng danh mục của mình. "Chúng tôi đầu tư vào trái phiếu, và bán lại cho quý vị để có thể có một lãi suất tốt hơn ngân hàng, muốn mua muốn bán khi nào cũng được. Đó cũng là một sản phẩm, và tương lai chúng tôi sẽ phát triển thêm", Tổng Giám đốc nói thêm.

Vị này cũng nói thêm, HSC cũng như nhiều CTCK khác trên thế giới không có ngân hàng đứng đằng sau. Thực tế, nhiều CTCK có được NHTM phía sau sẽ dồi dào vốn, không hẳn là vậy do có nhiều quy định hạn mức, ông Giang nói.

Quy tắc đòn bẩy hiện nay của HSC là 1 vốn 2 nợ, trong đó khẩu vị rủi ro hiện nay Công ty ưu tiến không tập trung vào 1-2 khách hàng, cố gắng phát triển sản phẩm cho khách hàng có tín nhiệm cao.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên