MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Petroland (PTL): Cổ đông bức xúc trước việc "chuyển nhượng đất giá rẻ" cho Đất Xanh, chưa có chỉ tiêu lợi nhuận

Đại diện cho PVX (đang nắm giữ trên 36% vốn PTL) không phản đối ý kiến hủy hợp đồng chuyển nhượng Thăng Long nhưng cho rằng phải xem xét quy trình mới có thể thực hiện được, hơn nữa, việc hủy hợp đồng không thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

Ngày 28/6/2019, Petroland (PTL) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019 với nhiều vấn đề lớn còn tồn đọng như tình hình kinh doanh giảm sút, đặc biệt là sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông liên quan đến việc chuyển nhượng Dầu khí Thăng Long cho Tập đoàn Đất Xanh (DXG).

Liên quan đến thương vụ chuyển nhượng Dầu khí Thăng Long, theo tài liệu Đại hội, trong quá trình thực hiện hợp tác đầu tư dự án Chung cư Thăng Long, do gặp khó khăn về tài chính cũng như tình hình thị trường bất động sản đóng băng nên PTL đã không thể tiếp tục triển khai thực hiện dự án như tiến độ đề ra.

Song song, PTL cũng phải chịu áp lực thanh toán khoản nợ 300 tỷ với Vietinbank - CN Tp.HCM, khoản vay 100 tỷ đồng của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) và khoản nợ vay ủy thác Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) 60 tỷ thông qua PVX.

Do vậy, PTL phải thực hiện công tác tái cơ cấu và thoái vốn tại các dự án, trong đó có dự án Chung cư Thăng Long. Đến năm 2016, HĐQT PTL có Nghị quyết chấp thuận và ủy quyền cho Giám đốc ký hợp đồng thoái toàn bộ phần vốn góp của PTL tại Dầu khí Thăng Long cho DXG.

Tuy nhiên, trong thời gian hoàn thiện các điều kiện thanh toán đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến các khoản đền bù giải phóng mặt bằng và đối tác không có sự phối hợp giải quyết dứt điểm dẫn đến việc nguy cơ PTL bị khấu trừ phần giá trị thanh toán còn lại của hợp đồng và khả năng phải bỏ thêm chi phí để xử lý.

ĐHĐCĐ Petroland (PTL): Cổ đông bức xúc trước việc chuyển nhượng đất giá rẻ cho Đất Xanh, chưa có chỉ tiêu lợi nhuận - Ảnh 1.

Chuyển nhượng dự án vẫn bao luôn tiền sử dụng đất!

Đây cũng là nguyên cơ khiến đại hội nóng ngay khi bước vào phần thảo luận. Một cổ đông lớn đồng thời là Thành viên HĐQT Công ty (đang sở hữu 13,58% vốn) kiến nghị hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PTL tại Dầu khí Thăng Long cho DXG.

Đồng thuận, cổ đông lớn khác cũng bày tỏ trong quá trình xem xét lại hồ sơ, nhận thấy hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PTL tại Dầu khí Thăng Long cho DXG chưa được thực hiện đúng pháp luật và đã làm thiệt hại đến vật chất cũng như quyền lợi của PTL và cổ đông Công ty.

"Tôi chưa thấy bất cứ hoạt động chuyển nhượng nào mà đơn vị chuyển nhượng đứng ra bao luôn tiền sử dụng đất cho đối tác sau khi đã kí hợp đồng như trường hợp của PTL", vị này bức xúc và ước tính số tiền PTL sẽ phải đóng tiền sử dụng đất cho dự án đến 500 tỷ đồng, với thực trạng hiện nay của Công ty thì lấy tiền đâu để nộp ngân sách?

Đề nghị đưa nội dung chuyển nhượng vào Đại hội

"Tuy việc hủy bỏ không thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ nhưng do HĐQT trước của PTL khi chuyển nhượng cổ phần Dầu khí Thăng Long cho DXG đã không tuân thủ theo quy định pháp luật. Rủi ro về thiệt hại khi hủy bỏ hợp đồng tại thời điểm này vượt quá phạm vi quyết định của HĐQT nên đề nghị ĐHĐCĐ thông qua chủ trương về việc hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng", cổ đông tiếp tục nêu ý kiến.

Việc chuyển nhượng dự án trên có dấu hiệu bán với giá rẻ, thậm chí không đồng, cổ đông nói thêm.

Cổ đông lớn PVX bác bỏ các kiến nghị cổ đông lớn khác

Ở chiều khác, đại diện cho PVX (đang nắm giữ trên 36% vốn PTL) không phản đối ý kiến hủy hợp đồng chuyển nhượng Thăng Long nhưng cho rằng phải xem xét quy trình mới có thể thực hiện được, hơn nữa, việc hủy hợp đồng không thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

Theo đó, PVX không đồng ý thông qua việc huỷ hợp đồng mua bán đất cho DXG, một số kiến nghị của nhóm cổ đông lớn cũng bị PVX bác bỏ.

"Chúng ta đều là cổ đông và không nắm rõ tình hình, không thể phản bác các hoạt động của HĐQT cũng như vấn đề thuộc về thẩm quyền về cơ quan pháp luật", đại diện PVX khẳng định.

Bất đồng được đẩy lên đỉnh điểm, nhiều ý kiến liên tiếp được đưa ra yêu cầu xem xét lại tư cách Chủ tịch, chống lại những người đang làm hại PTL, thắc mắc PVX có biết hay không việc chuyển nhượng vốn tại Chung cư Thăng Long, đặc biệt là việc chuyển nhượng vốn không qua đấu giá là trái quy định?...

"Các vị nhớ rằng, tiền của nhà nước do chúng tôi đóng góp và toàn dân đóng thuế, nhưng các vị dùng tiền này không đúng, những người lãnh đạo từ PVC thay mặt PTL đưa ra những quyết định đưa tới bờ vực phá sản bất hợp lý. Do đó chúng tôi yêu cầu huỷ việc chuyển nhượng giữa Dầu khí Thăng Long và DXG. Tôi mong những người PVC hãy lắng nghe những thỉnh cầu của cổ đông và hãy nhìn nhận rằng, PTL đang càng ngày càng suy kiệt và bên bờ vực phá sản".

Hồi đáp, đại điện vốn PVX tiếp tục khẳng định vấn đề này liên quan đến pháp luật. Nếu pháp luật có ý kiến, ngay lập tức công ty sẽ tổ chức họp bất thường để xử lý ngay.

Sau cùng, ý kiến của cổ đông sở hữu 13,58% vốn không được đưa vào tờ trình để trình tại Đại hội. Đến 13h30 Đại hội mới kết thúc, song hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Dầu khí Thăng Long cho DXG vẫn bỏ ngỏ.

ĐHĐCĐ Petroland (PTL): Cổ đông bức xúc trước việc chuyển nhượng đất giá rẻ cho Đất Xanh, chưa có chỉ tiêu lợi nhuận - Ảnh 2.
ĐHĐCĐ Petroland (PTL): Cổ đông bức xúc trước việc chuyển nhượng đất giá rẻ cho Đất Xanh, chưa có chỉ tiêu lợi nhuận - Ảnh 3.

Bỏ ngỏ chỉ tiêu lợi nhuận

Thậm chí, theo kế hoạch cho năm 2019, giá trị sản xuất kinh doanh đạt 59 tỷ đồng, tổng doanh thu 54 tỷ đồng, về kế hoạch lợi nhuận PTL vẫn chưa hề công bố!

Năm 2019, PTL sẽ hoàn thành quyết toán toàn bộ dự án và thực hiện cấp giấy chứng quyền sở hữu cho các khách hàng còn lại tại các dự án Chung cư Petroland Quận 2, Chung cư Mỹ Phú và Tòa nhà Petroland Tower, đảm bảo thu hồi 5% giá trị còn lại của hợp đồng chuyển nhượng đã ký với các khách hàng.

Tăng cường công tác tìm kiếm các đối tác để chuyển nhượng lại phần vốn góp của PTL tại dự án Tương Bình Hiệp, Bình Dương; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý để tiến hành chuyển nhượng lại các lô đất còn lại tại dự án Khu đô thị Dầu khí Vũng Tàu. Xây dựng phương án giải thể và sáp nhập CTCP Đầu tư Dầu khí Mỹ Phú vào PTL.

Bên cạnh đó, PTL đôn đốc các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý, tư vấn luật làm việc với các đối tác tại 21 hợp đồng gây thua lỗ, thiệt hại nhằm giảm thiểu thiệt hại và thất thu cho Công ty. Đặc biệt là hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Chế biến Sản phẩm Nông sản Quốc tế tại dự án chung cư cao tầng Mỹ Phú và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PTL tại Dầu khí Thăng Long cho DXG.

Năm 2018, PTL ghi nhận doanh thu gần 97 tỷ đồng, vượt 56% kế hoạch và báo lỗ gần 18 tỷ đồng.

Giả trình, ông Tăng Xuân Thiều – Thành viên HĐQT - cho biết: "Các nguồn thu của PTL chủ yếu từ hoạt động cho thuê văn phòng, hợp tác kinh doanh, quản lý tòa nhà, quản lý chung cư và hoạt động tư vấn giám sát. Tuy nhiên, hiệu quả của các hoạt động này không cao, lợi nhuận không bù đắp được chi phí.

Hơn nữa, các vướng mắc tồn tại tại các giai đoạn trước đây chưa được xử lý dứt điểm, các chi phí liên quan đến công tác tài chính giai đoạn 2012-2018 chưa được ghi nhận đầy đủ, dẫn đến tiếp tục phải ghi nhận những chi phí đã phát sinh trong kết quả kinh doanh năm 2018 làm chi phí độn lên khá cao dẫn đến việc kinh doanh thua lỗ".

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên