MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng lo lắng, hoang mang không giúp bạn an toàn hơn: Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, hãy lạc quan, bình tĩnh đối mặt để vượt qua

10-03-2020 - 11:19 AM | Sống

Từ sau khi ca nhiễm số 17 được công bố, các trang mạng xã hội bùng nổ nhiều luồng thông tin thật giả lẫn lộn gây hoang mang dư luận. Những thông tin chưa được kiểm chứng lại được chia sẻ rộng rãi, truyền tai nhau theo nhiều phiên bản thêm bớt. Và rồi, nỗi sợ hãi, lo lắng ngày một tăng về sự nguy hiểm của dịch bệnh.

Nỗi lo lắng là có thật. Sau khi ca nhiễm thứ 17 được công bố vào tối ngày 6/3, trên trang mạng xã hội Facebook ngập tràn những bài đăng với những nội dung lo sợ như “Phải chăng sắp tới ngày tận thế”, “Cầu nguyện cho Hà Nội”, “Hà Nội đêm nay mất ngủ” hay những thái độ chỉ trích gay gắt đối với ca nhiễm mới. Sự lo sợ đã chuyển hóa thành hành động khi dòng người hoảng loạn mua hàng trong siêu thị hay các tiệm tạp hoá.

Việt Nam đang ở trong một giai đoạn mới của cuộc chiến phòng chống dịch virus Covid-19. Dẫu biết rằng đây sẽ là một cuộc chiến đầy khó khăn, tốn kém, tuy nhiên, chúng ta cũng đừng nên quá lo lắng. Hãy tuân thủ những nguyên tắc dưới đây để bình tĩnh, lạc quan và kiểm soát nỗi lo sợ của bản thân và gia đình.

1. Định vị nỗi sợ hãi

Nguyên tắc đầu tiên tưởng chừng phi logic nhưng thực ra lại rất hợp lý. Trước hết, để kiểm soát nỗi sợ bạn cần phải thừa nhận nỗi sợ hay những lo lắng, hoảng loạn mà bạn có thể gặp phải. Để tìm được giải pháp kiểm soát nỗi sợ, trước hết bạn cần phải định vị nỗi sợ đó là gì.

Paul Krismer, nhà sáng lập công ty tư vấn Hạnh phúc ở Canada, và là tác giả của cuốn sách Làm thế nào để khỏe mạnh trong cơ thể, tâm trí và tinh thần chia sẻ rằng: “Tất cả các cảm xúc nên được tôn trọng. Vì vậy hãy cho phép bản thân cảm nhận bất cứ điều gì bạn đang trải qua thay vì đẩy chúng đi.”

Hãy áp dụng nguyên tắc này trong việc kiểm soát nỗi sợ hãi của bạn về dịch virus Covid-19. Thay vì giữ nỗi sợ hãi hay đăng một dòng trạng thái hoang mang trên Facebook, bạn hãy học cách đối mặt với nỗi sợ hãi ấy, chủ động đi tìm cách phòng tránh cho bản thân và gia đình. Bạn hãy tự đặt ra những câu hỏi chẳng hạn như: Covid-19 là gì? Chúng nguy hiểm như thế nào? Làm thế nào để có thể tránh nhiễm dịch? Nếu trong trường hợp nhiễm dịch thì tôi phải làm gì?...

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng lo lắng, hoang mang không giúp bạn an toàn hơn: Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, hãy lạc quan, bình tĩnh đối mặt để vượt qua - Ảnh 1.


Ngoài ra, ông Krismer cũng khuyên mọi người đừng nên để nỗi sợ trở nên tiêu cực. Thay vì lo lắng, bạn hãy nhìn xem mọi thứ vẫn đang trong tầm kiểm soát của chúng ta.

Phạm vi có khả năng nhiễm dịch đã được khoanh vùng, những ca dương tính đang được điều trị, nơi tiếp bệnh nhân tiếp xúc thì được khử trùng cẩn thận. Hay có ai đó đang lo lắng sẽ không còn gì ăn trong những ngày sắp tới thì hãy nhớ rằng Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo và các mặt hàng nông sản, các sản phẩm nhu yếu phẩm hàng ngày trong nước đều sản xuất được. Đừng để cảm xúc lo lắng chi phối lý trí trong những hoàn cảnh khó khăn, hỗn loạn.

2. Bạn không chỉ có một mình

Một nguyên tắc nữa để kiểm soát nỗi sợ hãi đó là biết rằng bạn không đang chống chọi một mình. Krismer nói rằng việc duy trì các kết nối có ý nghĩa với một vài người mà bạn tin tưởng và cảm thấy an toàn cũng có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Chúng ta đang đối phó với dịch bệnh với tất cả sự đoàn kết và đồng lòng của toàn dân.

Mặc dù dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua rất nhiều dịch bệnh như Sars năm 2003 hay H1N1 năm 2009. Chắc chắn có ánh sáng ở cuối đường hầm, chúng ta có thể và sẽ vượt qua dịch virus này.

3. Theo dõi diễn biến và kiểm soát chất lượng thông tin

Nguyên tắc thứ ba là vô cùng quan trọng. Lượng thông tin và độ chính xác của tin tức bạn đọc sẽ quyết định tới nhận thức và hành vi của bạn. Nếu một đọc được một tin giả nói rằng tình hình đang diễn biến rất xấu bạn sẽ bị cuốn theo luồng thông tin đó một cách tiêu cực.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng lo lắng, hoang mang không giúp bạn an toàn hơn: Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, hãy lạc quan, bình tĩnh đối mặt để vượt qua - Ảnh 3.

Đâu đó nói rằng sắp tới mỳ tôm và gạo sẽ khan hiếm hàng, bạn lập tức chạy đi mua. Ai đó tung tin đồn số ca nhiễm thực tế còn hơn số liệu công bố, bạn lập tức lo sợ về viễn cảnh ngày tận thế.

Đâu đó nói, ai đó nói? Vậy ở đâu đã nói như vậy? Và ai đã nói như thế? Thay vì tiếp nhận thông tin một cách thụ động từ đâu đó hay ai đó, bạn hãy là người chủ động với lượng thông tin và chất lượng thông tin bạn đọc.

Đừng để một số cá nhân vì trục lợi dựa trên sự hoang mang của người khác mà lo sợ. Đừng để bản thân sống trong sự thiếu hiểu biết. Bạn đang ở trong thời đại của công nghệ thông tin. Bạn chỉ cần dành ra vài phút mỗi ngày truy cập vào trang thông tin chính thống và tìm hiểu những kiến thức chính xác cho bản thân.

Thêm vào đó, bạn cũng không nên để nỗi sợ tinh thần lấn át và bỏ bê sức khỏe thể chất. Hãy lạc quan và tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể bằng việc tập thể dục thường xuyên, làm sạch môi trường sống, duy trì chế độ ăn uống cân bằng và ngủ đủ giấc. Khi cơ thể khỏe mạnh và lạc quan, bạn có thể đối phó tốt hơn với bất cứ điều gì hay khó khăn gì có thể xảy ra.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng lo lắng, hoang mang không giúp bạn an toàn hơn: Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, hãy lạc quan, bình tĩnh đối mặt để vượt qua - Ảnh 5.

Lưu Ly

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên