MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm sáng phát triển Quảng Ninh - Bài 2: 'Mạnh tay' đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển các ngành kinh tế

Để có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và liên tục, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cho phát triển các ngành kinh tế; từ đó vươn lên, giữ vững vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Năm 2022, kinh tế Quảng Ninh tăng trưởng 10,28%, đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022). Để có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và liên tục, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cho phát triển các ngành kinh tế. Từ đó vươn lên, giữ vững vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Đột phá từ hạ tầng công nghiệp

5 năm trở lại đây, Quảng Ninh được biết đến như một hiện tượng về phát triển ở phía Bắc. Quảng Ninh đã tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, đạt những thành tựu ấn tượng. GRDP tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp trong giai đoạn 2016-2022; trong đó năm 2022 đạt 10,28%. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, gấp đôi bình quân chung cả nước...

Điểm sáng phát triển Quảng Ninh - Bài 2: 'Mạnh tay' đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển các ngành kinh tế - Ảnh 1.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn

Để có kết quả này, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, tỉnh đã huy động nguồn lực xã hội hóa, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước kết hợp với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp làm đòn bẩy phát triển kinh tế.

Hiện toàn tỉnh có 8 nhà máy điện đang hoạt động với tổng công suất 5.643,6MW; hằng năm phát lên hệ thống lưới điện quốc gia từ 35 -38  tỷ kWh điện, đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển đất nước. Tỉnh đang triển khai 1 dự án điện khí LNG công suất 1.500MW (giai đoạn 1) tại thành phố Cẩm Phả (khởi động ngày 24/10/2021); dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2026-2027; dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh điện/năm và đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đang đề xuất bổ sung dự án Nhà máy điện khí LNG (giai đoạn 2) vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; dự án có quy mô công suất 1.500MW được đầu tư xây dựng nằm cạnh vị trí Nhà máy giai đoạn 1.

Cùng với hạ tầng điện, Quảng Ninh cũng là địa phương có sự đầu tư mạnh mẽ cho các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT). Hiện tỉnh có 5 KKT với tổng diện tích: 375.171 ha; 16 dự án KCN với tổng diện tích là 12.886,8 ha (có 10.387,3 ha nằm trong các KKT). Tổng diện tích KCN, KKT là: 377.090 ha, là tỉnh có số lượng và quy mô KCN, KKT lớn nhất cả nước. 16 KCN của tỉnh đều nằm trong Quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020. Cùng với đó, Quảng Ninh có 3 KKT cửa khẩu nằm trong Quy hoạch phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã có quyết định thành lập với tổng diện tích trên 144.735 ha. Bao gồm: KKT cửa khẩu Móng Cái có diện tích tự nhiên khoảng 121.197 ha; KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn có diện tích 14.236 ha; KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh có diện tích tự nhiên khoảng 9.302 ha. Đồng thời, tỉnh có 2 KKT ven biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2020 với tổng diện tích trên 230.436 ha, gồm: KKT ven biển Vân Đồn có tổng diện tích là 217.133 ha và KKT ven biển Quảng Yên có tổng diện tích 13.303 ha.

Tạo động lực tăng trưởng dài hạn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định “Đầu tư phát triển kết hạ tầng kinh tế - xã hội là một trong ba khâu đột phá chiến lược”. Trong đó, tỉnh ưu tiên đầu tư đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ đồng bộ, hiện đại bảo đảm tính liên thông, tổng thể. Tỉnh đã kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, đặc biệt sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả tạo ra bước đột phá trong tư duy tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới theo hướng bền vững hơn, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô ... mở ra nhiều cơ hội cho người dân và doanh nghiệp trong việc phát triển các ngành kinh tế.

Điểm sáng phát triển Quảng Ninh - Bài 2: 'Mạnh tay' đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển các ngành kinh tế - Ảnh 2.

Nhiều cánh đồng của Quảng Ninh được quy hoạch gọn gàng, đường bê tông, hệ thống điện nước được đầu tư đầy đủ phục vụ sản xuất nông nghiệp

Về hạ tầng ngành nông nghiệp, tỉnh đã đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hơn 3.000 km đường và 32 cầu các loại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khu vực nông thôn tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, giúp người dân thuận lợi trong việc xúc tiến, tiêu thụ nông sản. Đến nay, có 100% xã có đường nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa đến xã, thôn.

Đặc biệt, để tạo động lực tăng trưởng dài hạn, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu”, sang “xanh”, Quảng Ninh chú trọng đầu tư hạ tầng ngành thương mại và du lịch. Tỉnh đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện, khai thác tốt hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, dịch vụ gắn với hạ tầng giao thông đồng bộ, gắn với khai thác hiệu quả hệ thống cửa khẩu, cảng hàng không và cảng biển. Đồng thời, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch; hình thành chuỗi sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng đa dạng, đặc sắc, hiện đại, cao cấp như: Khu du lịch quốc tế, sân golf  Tuần Châu; Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử - MGallery; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Hạ Long; Cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Ngọa Vân - Hồ Thiên, sân golf Đông Triều; Công viên Đại dương Hạ Long; Dự án Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả; Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sân golf FLC Hạ Long....

Về hạ tầng thương mại, tỉnh Quảng Ninh huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển mạnh, góp phần thay đổi diện mạo, văn minh đô thị và văn hoá tiêu dùng của nhân dân. Việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo hệ thống chợ truyền thống được quan tâm; mô hình trung tâm thương mại, siêu thị đang ngày càng gia tăng về số lượng, quy mô theo hướng hiện đại. Cho đến nay, nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn trong và ngoài nước đã có mặt tại Quảng Ninh: Big C Hạ Long, Lotte, KFC, Điện máy HC, Media mart, Vincom Center Hạ Long, Vincom Móng Cái…. Tính đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã có 133 chợ, 34 siêu thị và trung tâm thương mại, 27 siêu thị, 7 trung tâm thương mại; 88 cửa hàng tiện ích và hàng ngàn cửa hàng, điểm bán các mặt hàng thiết yếu trên toàn tỉnh.

Ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Nền tảng hạ tầng hiện đại, đồng bộ, cùng các loại hình giao thông kết nối đường biển, đường bộ, hàng không và cả đường sắt đang tạo sức hút đầu tư rất lớn cho tỉnh, tạo động lực tăng trưởng dài hạn. Quảng Ninh sẽ tiếp tục vươn lên, giữ vững vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc trong những năm tới”.

(Đón đọc Bài 3: Sáng tạo trong huy động nguồn lực xã hội)


Theo Đặng Nhung

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên