MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều chỉnh mã vùng điện thoại cố định 59 tỉnh thành

22-11-2016 - 17:08 PM | Xã hội

Chiều 22/11, Bộ Thông tin - truyền thông (TT-TT) công bố việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định đối với 59 tỉnh thành. Theo đó, việc triển khai đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ được bắt đầu từ ngày 11-2-2017.

Mã vùng Hà Nội, TP.HCM... sẽ thay đổi

59 tỉnh thành trong cả nước, chỉ trừ bốn tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang giữ nguyên, sẽ chia làm ba giai đoạn chuyển đổi mã vùng đối với điện thoại di động.

Cụ thể, giai đoạn một bắt đầu từ ngày 11-2-2017, áp dụng cho 13 tỉnh thành. Giai đoạn hai bắt đầu từ 15-4 áp dụng đối với 23 tỉnh thành và giai đoạn ba từ 17-6 áp dụng cho 23 tỉnh thành.

Đối với mỗi giai đoạn, trong khoảng thời gian 30 ngày chuyển đổi, người dân có thể sử dụng khi quay số song song mã vùng mới và cũ.

Sau ngày 13-3 (của đợt 1), 14-5 (của đợt 2) và 16-7 (của đợt 3), 59 tỉnh thành này sẽ dùng mã vùng mới hoàn toàn nhưng sẽ có âm thông báo hướng dẫn việc quay số theo mã vùng mới trong vòng một tháng tiếp theo.

Trong đó, mã vùng điện thoại cố định của Hà Nội sẽ được chuyển từ 4 thành 24 và của TP.HCM từ 8 thành 28.

Giảm số mã vùng, người dân được hưởng cước nội hạt

Theo Bộ TT-TT, việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định đối với hầu hết các tỉnh thành phố trong cả nước sắp tới nằm trong kế hoạch thực hiện quy hoạch về kho số viễn thông đã được phê duyệt và có hiệu lực từ đầu năm 2015.

Với lần chuyển đổi này, gần 5 triệu thuê bao cố định trong cả nước sẽ cần thay đổi mã vùng khi thực hiện các cuộc gọi liên tỉnh hoặc từ điện thoại di động vào số máy cố định.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - phó cục trưởng Cục Viễn thông - cho biết sau khi chuyển đổi mã vùng, độ dài quay số gọi liên tỉnh hoặc gọi từ điện thoại di động đến thuê bao cố định sẽ thống nhất trong toàn quốc 11 chữ số.

“Các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định Việt Nam chỉ chiếm 1,6% tổng lưu lượng viễn thông Việt Nam nên tác động thực sự của việc chuyển đổi mã vùng đến các cuộc gọi điện thoại không nhiều” - ông Tuấn đánh giá.

“Tuy có ảnh hưởng nhưng tác động của việc chuyển đổi mã vùng có tác động rất nhỏ, đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở khối cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động sản xuất kinh doanh, còn sinh hoạt của người dân cơ bản sẽ không bị xáo trộn.

Một số tổ chức, cá nhân chịu sự tác động là có thể phải làm lại các sản phầm có gắn với mã vùng (ví dụ namecard, bao bì, biển quảng cáo…)”.

Theo ông Tuấn, việc điều chỉnh mã vùng không chỉ giải quyết các bất cập của kho số mà còn mang lại một số lợi ích cho người tiêu dùng. Trong đó, có việc các tỉnh thành liên kết sẽ được gom chung vào một nhóm mã vùng, mở ra cơ hội giảm số mã vùng trên toàn quốc từ 63 xuống còn 10 vùng.

Khi đó người dân sẽ được hưởng lợi vì các cuộc gọi trong cùng mã vùng chỉ phải trả cước phí nội hạt, thay vì liên tỉnh như hiện nay.

Bộ TT-TT cũng cho rằng với việc chuyển đối các mã vùng điện thoại cố định từ 7 đầu số (từ 2 đến 8) như hiện nay về chỉ còn đầu 2, kho số quốc gia sẽ thu lại được nhiều đầu mã để chuyển thuê bao di động từ 11 chữ số về thống nhất là 10 chữ số, góp phần hạn chế SIM rác, tin nhắn rác, vốn chủ yếu xuất phát từ thuê bao di động 11 chữ số trong thời gian qua.

Danh sách các tỉnh thành đổi mã vùng điện thoại cố định từ ngày 11-2-2017:

Theo Thanh Hà

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên