MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn, NHNN nói gì?

17-05-2017 - 11:17 AM | Tài chính - ngân hàng

Nếu Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, sẽ tạo điều kiện xử lý triệt để các vướng mắc khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các TCTD, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp 2017, trước nội dung làm thế nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết về khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách, NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay; đặc biệt là Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đã đơn giản hóa một số hồ sơ, thủ tục cho vay; bổ sung nhiều quy định để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay; nâng cao tính tự chủ trong hoạt động cho vay của TCTD, đồng thời nâng cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay của TCTD.

Thống đốc chỉ ra nhu cầu vốn của doanh nghiệp còn rất lớn. Mặc dù ngành Ngân hàng đã rất tích cực huy động vốn để đảm bảo đáp ứng cho nền kinh tế, song một phần lớn nguồn lực vẫn còn chưa được khơi thông, đang nằm ở các khoản nợ xấu và các tài sản bảo đảm chưa được xử lý.

NHNN cũng đã trình Chính phủ và báo cáo Bộ Chính trị Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; trong đó, một trong các giải pháp là trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.

Nếu được thông qua sớm, Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo điều kiện xử lý triệt để các vướng mắc khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các TCTD, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu. Nhờ đó sẽ giải phóng khối lượng vốn lớn đang đọng lại trong các khoản nợ xấu cũng như giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện nay chưa xử lý được, gây lãng phí nguồn lực xã hội, giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời, giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Về thủ tục vay vốn, thời gian qua, người đứng đầu NHNN cho biết ngành đã rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều TTHC tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch hành chính với NHNN, TCTD.Các TCTD cũng tích cực đổi mới thủ tục giao dịch;công bố công khai trên Trang tin điện tử các thông tin về hồ sơ tín dụng, dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; quy định tiêu chuẩn chất lượng đối với các dịch vụ;cắt bỏ nhiều loại phí cho vay không cần thiết. Quy trình sản phẩm dịch vụ cho khách hàng được cải tiến thuận tiện, nhanh gọn hơn thông qua việc ứng dụng công nghệ (Internet Banking, Mobile Banking,...).Theo thống kê, thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cần cung cấp của khách hàng đã giảm 20-40%; Một số quy trình/sản phẩm dịch vụ đã giảm 42% số lượng bản gốc mẫu biểu, giảm 45% số lượng chữ ký khách hàng và 48% số lượng chữ ký cán bộ ngân hàng trên hồ sơ;giảm 70-75% thời gian đăng kýdo khách hàng thực hiện trực tuyến...

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên cả nước với nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp như tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, quy trình, thủ tục thuận tiện, minh bạch.

Những giải pháp mà ngành Ngân hàng đã và đang triển khai cho thấy ngành Ngân hàng luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp trong mối quan hệ với lợi ích của ngân hàng, vì doanh nghiệp phát triển thì ngân hàng mới phát triển. Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đối với 13 tỉnh vùng ĐBSCL ngày 13/5/2017 vừa qua, nhiều doanh nghiệp cũng đã có ý kiến rất khách quan, công tâm, chia sẻ khó khăn với ngành Ngân hàng; trong đó cũng đã nhìn nhận một trong những nhân tố khiến doanh nghiệp, nhất là DNNVV khó tiếp cận vốn là do năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành của doanh nghiệp còn nhiều yếu kém. Bên cạnh đó, những khó khăn vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ, vấn đề hình sự hóa quan hệ kinh tế của một số trường hợp cũng khiến các NHTM thận trọng hơn trong cho vay.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các TCTD tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là DNNVV trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, trong đó đặc biệt là cải tiến quy trình, thủ tục vay vốn; tăng cường cho vay tín chấp. Tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xử lý triệt để những vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Về kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng, Thống đốc cho biết trong 4 tháng đầu năm 2017, NHNN đã nhận được 17 kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp và 12 kiến nghị do VCCI tổng hợp. Đến nay, ngành Ngân hàng đã có văn bản trả lời đầy đủ các kiến nghị này và Chính phủ đã đăng công khai trên Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên