MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 sai lầm khiến doanh nghiệp truyền thông “ném doanh thu qua cửa sổ”

21-02-2015 - 16:44 PM | Doanh nghiệp

Các công ty truyền thông "tân binh" thường phải đối mặt với những thức thức lớn, thâm chí mắc sai lầm nghiêm trọng. Dưới đây là 5 sai lầm phổ biến nên tránh nếu bạn muốn thành công trong lĩnh vực này.

Ở giai đoạn đầu xây dựng, các doanh nghiệp truyền thông mới không nên đặt kỳ vọng quá cao; và cần nhận thức rằng, không thể đạt được thành công vững chắc và tức thì. Ngoài ra, bạn cũng không nên mong đợi doanh thu cao hay thu hút được một lượng lớn khán giả.

Dưới đây là 5 sai lầm phổ biến các doanh nghiệp truyền thông "non trẻ" thường mắc phải. Bạn nên tránh xa những sai lầm nghiêm trọng này, nếu không muốn chúng “ném” doanh thu của bạn qua cửa sổ.

1. Chính sách chỉ tập trung vào lợi nhuận

Không thể phủ nhận rằng hầu hết các doanh nghiệp tập trung vào việc kiếm lợi nhuận, nhưng nếu đây là điểm mấu chốt mà bạn quan tâm khi bắt tay xây dựng một dự án truyền thông, bạn cần suy nghĩ lại. Thay vào đó, hãy nỗ lực tập trung vào việc thu hút khán giả. Bạn sẽ đạt được mục tiêu về lợi nhuận, nếu bạn biết cách “chiều lòng” độc giả bằng cách cung cấp cho họ nội dung có chất lượng cao.

2. Bắt chước quá đà

Hiện nay, một số dự án truyền thông bị lên án vì bắt chước phong cách quá đà, đây chính là rào cản khiến bạn không thể lĩnh hội sự đổi mới và sáng tạo. Thậm chí, một số dự án còn “rập khuôn” phong cách của các phương tiện truyền thông nước ngoài và không thèm “bận tâm” đến việc thổi một làn gió mới vào “đứa con tinh thần” của mình.

Mỗi công ty truyền thông ở các nước lại nhắm tới một đối tượng độc giả khác nhau, điều này phụ thuộc vào sở thích, mối quan tâm, thị hiếu của độc giả ở quốc gia đó. Do vậy, học hỏi các doanh nghiệp truyền thông nước ngoài là điều nên làm, nhưng cần biết dựa vào đó để biến phương tiện truyền thông của mình thành một công cụ hữu ích, thay vì “bê nguyên xi” công cụ của họ.

Trước khi bạn muốn “rập khuôn” phong cách của các phương tiện truyền thông nước ngoài, trước tiên bạn nên nghiên cứu các ý tưởng của họ để chắc chắn những ý tưởng  này phù hợp với đối tượng độc giả của bạn. Ngay cả khi bạn cảm thấy phù hợp, bạn cũng nên cố gắng dựa vào đó để tạo nên những ý tưởng mới.

3. Thiếu tinh thần làm việc theo nhóm

Một dự án truyền thông thành công rõ ràng không phải là kết quả nỗ lực của một cá nhân, mà đó là công sức của một tập thể. Tuy nhiên, thành quả của một nhóm cũng có thể bị “đổ xuống sông xuống bể” nếu có sự mâu thuẫn giữa các thành viên trong nhóm.

Thực trạng này đòi hỏi bạn phải thu hẹp khoảng cách giữa những người có mâu thuẫn. Khi nảy sinh vấn đề liên quan đến quan điểm cá nhân, tránh những tranh luận liên tiếp có thể khiến dự án của bạn đứng trước bờ vực phá sản. Trong trường hợp như vậy, bạn cần đưa ra quan điểm khách quan, tránh thiên vị bất kỳ bên nào và nên phát huy khả năng lãnh đạo của bản thân.

4. Chi tiêu lãng phí

Nếu những thành công bước đầu mang đến cho bạn một quỹ tài chính, bạn cần biết cách tính toán một cách chi tiết và cân đối các nguồn thu chi. Và bạn nên nhớ rằng số tiền hiện có trong quỹ tài chính của bạn sẽ được dùng để phát triển dự án truyền thông bạn đang theo đuổi, chứ không phải để phục vụ những sở thích cá nhân.

5. Chiến lược tiếp thị nghèo nàn

Ông David Ogilvy, "cha đẻ” của ngành quảng cáo đã từng nói: "Nếu bạn không có khả năng tự quảng cáo chính bản thân mình, làm thế nào để bạn đạt được thành công khi quảng cáo những thứ khác?”

Bạn đừng bao giờ cố gắng thuyết phục người khác sử dụng nền tảng phương tiện truyền thông của bạn để quảng cáo sản phẩm hoặc dịch vụ của họ nếu bạn không thể quảng cáo cho chính bạn.

Các doanh nghiệp truyền thông đều biết hầu hết doanh thu đến từ dịch vụ quảng cáo. Vì vậy, nếu bạn không thể thiết lập một mạng lưới độc giả với số lượng lớn và trung thành, bạn cũng đừng mong đợi các doanh nghiệp lựa chọn nền tảng truyền thông của bạn để quảng cáo sản phẩm của họ.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin IJNet, trang chuyên cung cấp các thông tin mới nhất liên quan đến phương tiện truyền thông toàn cầu như đổi mới, ứng dụng tin tức, các công cụ, cơ hội đào tạo và tư vấn chuyên môn cho các nhà báo trên toàn cầu. Được điều hành bởi Trung tâm báo chí Quốc tế, IJNet theo sát những thay đổi truyền thông trên toàn cầu bằng 7 ngôn ngữ khác nhau.

Theo Phương Lâm (lược dịch)

PV

InFonet

Trở lên trên