MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bối rối" xơ sợi nội

11-04-2014 - 15:10 PM | Doanh nghiệp

Vấn đề là thời gian chạy thử Nhà máy xơ sợi quá lâu, tận 20 tháng. Trong thời gian đó đã xảy ra một vài sự cố.

Hôm 14/3/2014, Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) đã ký nghiệm thu sơ bộ Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng) với tổ hợp các nhà thầu Hàn Quốc, Việt Nam. Trong không khí hoan hỉ ấy, ít người chú ý tới thực tế: nhà máy mới chỉ là nghiệm thu sơ bộ, sau hơn một năm rưỡi kể từ ngày ra mắt tấn sản phẩm chạy thử đầu tiên (20/7/2011).

Lúc đó, một lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí tuyên bố, Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ có khả năng đáp ứng 40% nhu cầu xơ sợi tổng hợp của cả nước, và khi đi vào hoạt động, Nhà máy có khả năng tiết kiệm ít nhất mỗi năm tới 40 triệu USD cho ngành dệt may Việt Nam nhờ không phải nhập khẩu.

Đến giai đoạn cho ra tấn sản phẩm chạy thử đầu tiên, theo chủ đầu tư, Nhà máy đã được đầu tư tới 324 triệu USD, sử dụng công nghệ hiện đại nhất thế giới. Cho ra 3 loại sản phẩm chính gồm sợi dún DTY, hạt chíp và xơ ngắn PSF. Chủ đầu tư dự tính, khi vận hành hết công suất, Nhà máy sẽ đạt doanh thu tầm cỡ 400 triệu USD/năm.

Chạy thử... 20 tháng!

Thế rồi theo thời gian, Nhà máy cứ chạy thử mãi, tới hơn 20 tháng mà vẫn chưa thể bàn giao để vận hành thương mại chính thức. Trong thời gian ấy, hàng chục triệu USD đã được bỏ ra để nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho Nhà máy chạy thử. Và sau đó là hàng chục nghìn tấn sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, hay chưa có tiêu chuẩn, được đấu giá bán đi tống tháo. Đương nhiên, khi sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, Nhà máy vẫn chạy thử, thì ai cũng hiểu là dự án đang tiếp tục… lỗ, và phần lỗ ấy sẽ được hạch toán vào chi phí xây dựng Nhà máy. Có nghĩa là tổng đầu tư cho Nhà máy chắc chắn đã vượt xa con số 324 triệu USD đã được công bố. Ước tính, có khoảng 30.000 tấn sản phẩm chạy thử đã được sản xuất. Cũng trong thời gian ấy, PVTEX đều đặn công bố các hợp đồng ký với các đại lý cấp 1, và kế hoạch xây dựng các nhà máy dệt trực thuộc sử dụng xơ sợi tổng hợp do Nhà máy Đình Vũ sản xuất ra.

Trong thời gian chạy thử, Nhà máy Đình Vũ cũng có lần gặp sự cố. Tuy nhiên, quá trình xác định nguyên nhân làm sản phẩm chưa đạt yêu cầu là khá mò mẫm. Ban đầu, nguyên nhân được quy cho điện cung cấp không đạt yêu cầu. Nhưng sau khi ngành điện kiểm tra thì kết quả cho thấy, điện cấp cho nhà máy là đảm bảo, tương đương điện cấp cho các dự án công nghiệp trong cùng khu vực. Sau đó, trong suốt giai đoạn cuối năm 2012 và năm 2013, sản lượng tiêu thụ điện của Nhà máy giảm mạnh, tới bình quân trên dưới 70% sản lượng tiêu thụ điện đăng ký. Từ đây cho thấy, trong giai đoạn này, Nhà máy đã gần như dừng hoạt động. Và là dừng cho tới thời điểm nghiệm thu sơ bộ đầu năm 2014.

Do thế, việc nghiệm thu sơ bộ Nhà máy Đình Vũ dường như là thực hiện vì sức ép của mục tiêu phải… nghiệm thu, hơn là vì mục tiêu doanh thu. Vì cho đến nay, việc bàn giao Nhà máy chưa được công bố chính thức, và khả năng vận hành thương mại thì vẫn bỏ ngỏ. Đó có thể là một thất vọng lớn, nhất là khi nhu cầu xơ sợi tổng hợp của các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may ngày càng lớn.

Tính bình quân, hiện mỗi năm, các DN dệt trong nước phải nhập khẩu khoảng trên trên 1,3 tỷ USD sơ xợi nguyên liệu từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ. Thị trường xơ sợi của Việt Nam được đánh giá là khá hấp dẫn, và thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành sản xuất này. Với điển hình là dự án FDI đầu tư vào xơ sợi của Texhong - DN đến từ Hồng Kông. Hãng này hiện đã đầu tư tới nhà máy thứ ba tại Việt Nam với công suất 140.000 tấn sợi/năm. Cả 3 nhà máy đều vận hành ổn định ngay khi hoàn thành xây dựng, chứ không gặp rắc rối như Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Điều đáng tiếc là có tới 80% sản lượng của các nhà máy này để xuất khẩu sang Trung Quốc và châu Âu. Không ít trong số đó hoàn toàn có thể quay lại Việt Nam dưới dạng nhập khẩu nguyên liệu.

Phản hồi... chưa biết khi nào

Mặt khác, hiện cũng chưa thấy phản hồi của các DN trong nước đối với sản phẩm sơ xợi tổng hợp của PVTEX. Sau thời gian sản xuất thử, một số DN thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã dùng thử sản phẩm xơ sợi loại 2 của PVTEX. Chẳng hạn như Công ty CP Sợi Phú Bài, Công CP Sợi Thiên Nam, Công ty Dệt Nam Định…, nhưng kết quả cho đến nay là chưa có DN sử dụng nguồn sản phẩm này như là nguyên liệu chính.

Thực tế, theo giám đốc một công ty may, khả năng DN dệt trong nước có thể sử dụng được sản phẩm xơ sợi Đình Vũ là chưa rõ ràng, nhất là với những nhà máy sử dụng công nghệ dệt tương đối cũ như Dệt Vĩnh Phú, Dệt 8-3... Lý do vì thường xơ sợi, hoặc vải sản xuất trong nước có sản lượng ít hơn, nguồn cung không ổn định và thường đắt hơn sản phẩm cùng loại nhập ngoại.
Hiện toàn ngành dệt may có khoảng 3.700 DN, nhưng số DN ngành dệt chỉ chiếm không quá 17% số DN toàn ngành. Do thế, chỉ một vài nhà máy như Xơ sợi Đình Vũ khó có thể "lập lại trật tự" cho thị trường nguyên liệu dệt may, nhất là khi khả năng làm chủ công nghệ và tính hiệu quả xây dựng, đầu tư lại chưa rõ ràng.

Cũng cần phải nhắc lại là dự án Nhà máy Đình Vũ được xây dựng trước tiên nhằm mục tiêu phục vụ cho chính những nhà máy dệt của PVTEX đang được xây dựng. Và trong khi nhà máy này chưa hoạt động thì cũng lại chưa rõ các dự án dệt của PVTEX sẽ triển khai đến đâu, và như thế nào.

Theo Tư Hải

thunm

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên