MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các Tập đoàn, Tổng công ty đã "tiêu tiền Nhà nước" như thế nào?

24-05-2013 - 07:20 AM | Doanh nghiệp

Với nhiều ưu thế về vốn, về chính sách, đóng góp của các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước được người dân kỳ vọng nhiều hơn thế.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 5 đã cho thấy nhiều mảng sáng tối trong tình hình hoạt động của các Tập đoàn (TĐ), Tổng công ty Nhà nước (TCT NN). Có thể 27 TĐ, TCT NN được kiểm toán báo cáo 2011 phần nào cho thấy bức tranh các Doanh nghiệp NN hiện nay.

Chỉ 4/27 TĐ, TCT báo lỗ

Đây là một tín hiệu đáng mừng. Có đến 23/27 TĐ, TCT NN được kiểm toán kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, chỉ 6/27 TĐ, TCT có tỷ suất Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu (ROE) trên 20%, có đến 5 TĐ, TCT có ROE ở mức thấp, dưới 5%. Habeco là doanh nghiệp thuộc nhóm ROE cao (20,51%), nhưng soi kết quả kinh doanh 2011, lợi nhuận trước thuế của công ty này chỉ bằng 0,86% kết quả năm 2010. TCT Cổ phần Xây lắp dầu khí PVC (mã chứng khoán PVX) giảm lãi tới 589 tỷ đồng, Vinaconex (VCG) giảm 321 tỷ đồng...

Quản lý lỏng lẻo Nợ phải thu

Tính chung các doanh nghiệp được kiểm toán, Nợ phải thu trên Vốn chủ sở hữu 83%, trên Tổng tài sản 20,6% (Tổng nợ phải thu 54.113 tỷ đồng) Tỷ lệ này không quá "nguy hiểm" nếu không tính đến khả năng bị chiếm dụng vốn ở không ít doanh nghiệp. Sự buông lỏng quản lý đã đẩy các doanh nghiệp đến nguy cơ mất vốn, giảm hiệu quả sử dụng vốn. 

Tại Vinafood 1, Kiểm toán Nhà nước cho biết một số công ty ứng trước tới 90% giá trị hợp đồng nhưng khách hàng chưa hoặc không giao hàng, Vinafood 2 ứng trước 80 - 90% giá trị hợp đồng nhưng chưa ban hành quy chế về ứng trước vốn cho người bán hàng...

Không chỉ đứng trước nguy cơ mất vốn, một số đơn vị còn "ẩu" tới mức "quên" trích lập dự phòng nợ phải thu theo quy định của Bộ tài chính. Phải kể đến những tên tuổi sau đây: Cienco8 (9/10 công ty trực thuộc), Công ty Nông lâm hải sản, CTCP Bảo vệ thực vật Sài Gòn trực thuộc TCT Nông nghiệp Sài Gòn. Habeco được liệt vào danh sách trích lập dự phòng không đúng quy định.

Không cụ thể lãi suất bao nhiêu, nhưng có một nghịch lý ở các đơn vị là cho các cá nhân và đơn vị khác vay vốn (không phải tín dụng thương mại) trong khi vẫn đang phải vay vốn để sản xuất kinh doanh. TCT Xây dựng số 1 cho các nhà thầu phụ và các cá nhân khác vay trên 100 tỷ đồng. Hiệu quả tài chính của các khoản vay không được kiểm toán nhà nước nêu ra. 

Đầu tư chưa hiệu quả

Trên 27 TĐ và TCT NN được kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cho biết tổng các khoản đầu tư là 25.750 tỷ đồng, trong đó đầu tư dài hạn chủ yếu tập trung vào các công ty con và các công ty liên kết có nguồn gốc từ cổ phần hóa doanh nghiệp. Đáng chú ý, một số đơn vị đầu tư vào chứng khoán đều thua lỗ. 

Công ty mẹ Vinachem tính đến cuối năm 2011 vẫn chưa thoái vốn các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm. Công ty mẹ - CC1 đầu tư tài chính ngắn và dài hạn 1.105 tỷ đồng, bằng 2,25 lần vốn điều lệ và vượt 1,25 lần mức quy định....

Sau một thời gian hoạt động, đến cuối năm 2011, nợ phải trả chiếm 70% tổng nguồn vốn. Như vậy là, phần lớn các TĐ, TCT NN được kiểm toán đều hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng. Kỷ lục phải kể đến VEC với tỷ lệ Nợ phải trả/Tổng nguồn vốn 98%, Vinaincon 91%...

Thu nhập cán bộ quản lý "chưa hợp lý"

Một vấn đề không mới, nhưng chưa bao giờ hết cũ, đó là thu nhập cán bộ quản lý các TĐ, TCT Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước đánh giá việc giao đơn giá tiền lương và phân phối quỹ tiền lương giữa các đơn vị trong TĐ, TCT NN và giữa các bộ phận trong đơn vị còn chưa hợp lý, chưa tương xứng với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ở một số đơn vị, thu nhập bình quân của các chức danh quản lý thuộc khối văn phòng tại một số TĐ, TCT cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân của các đơn vị thành viên.

Đơn cử ở Vinafood 2, lãnh đạo TCT thu nhập bình quân gần 80 triệu đồng/người/tháng. Vinafood 1 đạt 56,5 triệu đồng/người/tháng...

Đóng góp gì cho ngân sách?

Hãy khoan nói đến đóng góp của các TĐ, TCT NN trong việc định hướng, cân đối vĩ mô... Điều dễ thấy nhất trong việc đóng góp của các Doanh nghiệp nói chung, Doanh nghiệp NN nói riêng là đóng góp vào Ngân sách nhà nước. 

Báo cáo kiểm toán cho biết, đa số các Doanh nghiệp NN xác định, kê khai thuế và các khoản phải nộp NSNN chưa đúng. Kết quả kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị tăng thu 491,5 tỷ đồng. Cần nhắc lại đó là con số kiến nghị sau khi kiểm toán chỉ 27 TĐ, TCT NN. 

Thu ngân sách Nhà nước năm 2011 thực hiện trên 721.800 tỷ đồng, vượt 21,3% so với dự toán. Trong đó thu nội địa từ sản xuất kinh doanh vượt 10,3% dự toán. 

Tất cả các loại hình doanh nghiệp, thu ngân sách đều vượt kế hoạch, trừ Doanh nghiệp Nhà nước!

Đóng góp 126.418 tỷ đồng vào ngân sách, đứng đầu trong các loại hình doanh nghiệp, nhưng con số nói trên chỉ đạt 97,6% dự toán, tức giảm 3.142 tỷ đồng. Lý do đưa ra ngoài việc khó khăn trong hoạt động kinh doanh 2011, nhà máy lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động để sửa chữa lớn cũng làm hụt thu ngân sách đáng kể. 

Với nhiều ưu thế về vốn, về chính sách, đóng góp của các TĐ, TCT NN được người dân kỳ vọng nhiều hơn thế. 

Minh Thư

thunm

Lược trích từ Báo cáo kiểm toán trình Quốc hội khoá XIII kỳ họp thứ 5

Trở lên trên