MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao su Công nghiệp: Quý 1 doanh thu sụt giảm, lợi nhuận tăng trưởng

02-05-2014 - 09:15 AM | Doanh nghiệp

Ngoại trừ DRC, các doanh nghiệp trong ngành đều có sự sụt giảm về doanh thu. Điểm thuận lợi lớn nhất vẫn là giá nguyên liệu đầu vào trong xu hướng giảm.

Quý I/2014 kết thúc với kết quả kinh doanh khá khả quan của các doanh nghiệp ngành cao su công nghiệp: CSM, DRC, SRC, BRC.

Sụt giảm doanh thu, tăng trưởng lợi nhuận

Ngoại trừ DRC, các doanh nghiệp trong ngành đều có sự sụt giảm về doanh thu. Khi nền kinh tế chưa khởi sắc nhiều, cầu tiêu dùng còn thấp thì với vai trò là ngành hỗ trợ, các DN này cũng khó tăng trưởng sản lượng tiêu thụ. Giá bán sản phẩm cũng điều chỉnh ở mức thấp hơn khi giá nguyên liệu giảm và các DN phải đứng trước áp lực cạnh tranh.

Điểm thuận lợi lớn nhất vẫn là giá nguyên liệu đầu vào trong xu hướng giảm. Giá cao su tự nhiên bình quân trong quý I/2014 tiếp tục giảm 8% so với quý trước và thấp hơn 25% cùng kỳ. Do đó, tỷ lệ giá vốn/doanh thu của các DN giảm, tỷ lệ lợi nhuận gộp biên đều khả quan hơn so với cùng kỳ. Ngay cả DRC, mặc dù chi phí khấu hao tăng mạnh do nhà máy lốp Radial mới đi vào hoạt động nhưng LN gộp biên vẫn tăng từ 24% trong quý I/2013 lên 25,6% trong quý I/2014. Chỉ riêng SRC là có tỷ lệ này giảm nhẹ.

Bên cạnh đó, tỷ giá ổn định và lãi suất vay giảm cũng là thuận lợi giúp các DN tăng trưởng về lợi nhuận.

Theo thông tin từ VAMA, trong quý I/2014, doanh số bán ô tô của Việt Nam đạt 30.027 chiếc – tăng 39% so với cùng kỳ. Doanh số bán xe con tăng 48%, xe tải tăng 24%. Sự tăng trưởng của doanh số bán ô tô cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ lốp xe của các DN như DRC, CSM, SRC.

Có thể thấy chi phí bán hàng của 3 trong 4 doanh nghiệp thuộc ngành này đã tăng mạnh, chủ yếu là chi phí quảng cáo sản phẩm, tăng khuyến mại để đẩy mạnh việc bán hàng. Thay vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp đã giảm khá nhiều do chính sách tiết kiệm trong hoạt động sản xuất của các DN. Mặc dù vậy, tỷ lệ chi phí chung/doanh thu thuần của các DN đều tăng.

Tỷ suất thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm từ 25% xuống còn 22% trong quý I/2014. Do đó, kết quả cuối cùng, trong quý I/2014, lợi nhuận sau thuế của các DN trong ngành đều tăng trưởng tốt ngoại trừ SRC. Lợi nhuận trước thuế quý I/2014 cũng hoàn thành trên 25% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

Tăng trưởng giá cổ phiếu

Tính trong quý I, giá cổ phiếu CSM, DRC, SRC, BRC đều tăng trưởng, trong đó dẫn đầu là SRC với tỷ lệ tăng 28,7%. Thấp nhất là BRC 7,6%.

Tóm tắt tình hình các doanh nghiệp trong ngành

Cao su miền Nam (CSM): sản lượng tăng nhẹ mặc dù chưa có đóng góp từ lốp radial. Chi phí khấu hao từ nhà máy mới chưa ảnh hưởng. Doanh thu tài chính giảm mạnh do không có khoản lợi nhuận từ việc bán cổ phiếu PHR như năm trước. Từ năm 2014, Casumina sẽ không tiếp tục các dự án trong lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành để tập trung nguồn lực cho ngành sản xuất kinh doanh cốt lõi của mình.

Cao su Đà Nẵng (DRC): Doanh thu tăng nhờ sản lượng tăng còn giá bán bình quân giảm nhẹ so với cùng kỳ. Nhà máy lốp Radial đã đi vào hoạt động từ nửa cuối năm 2013 và sản xuất được 14.000 lốp radial trong quý I/2014. Chi phí tài chính tăng mạnh do chi phí lãi vay phát sinh từ vay vốn cho dự án lốp radial không còn được vốn hóa.

Cao su Sao Vàng (SRC): DN này đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt khi không có sự đổi mới trong chất lượng sản phẩm và chiến lược hoạt động. Tại cuộc họp ĐHCĐ vừa diễn ra, ban lãnh đạo nhận định xu thế chuyển dần sang sử dụng lốp Radial thay cho lốp Bias đã khiến cho lượng tiêu thụ lốp ô tô cỡ lớn suy giảm mạnh.

Cao su Bến Thành (BRC): đây là doanh nghiệp sản xuất và mua bán các sản phẩm cao su như băng tải, dây couroie, phụ tùng cao su… So với 3 doanh nghiệp trên, BRC có quy mô nhỏ và sản phẩm thuộc thị trường khác nhưng cũng là ngành sử dung nguyên liệu đầu vào là cao su nguyên liệu để sản xuất sản phẩm nên cũng được hưởng lợi từ việc giá cao su giảm.

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên