MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cố tình gây thất thoát tài sản nhà nước tại Viseri?

29-08-2013 - 16:10 PM | Doanh nghiệp

Hàng loạt tài sản của Tổng Cty Dâu tằm tơ VN đã bị Cục Thi hành án tỉnh Lâm Đồng mang ra phát mại trái pháp luật, gây thất thoát hàng chục tỉ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Tổng Cty Dâu tằm tơ VN của Bộ NNPTNT, Cty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DN) - Bộ Tài chính (DATC) đã tiến hành mua các khoản nợ tồn đọng của các chủ nợ NH tại DN và xử lý tồn tại tài chính cho TCty Dâu tằm tơ VN, đưa DN này trở thành CTCP TCty Dâu tằm tơ VN (VISERI) từ ngày 25.5.2013 với 90,675% VĐL là vốn của Nhà nước. Nhưng trước đó, hàng loạt tài sản của DN này đã bị Cục Thi hành án tỉnh Lâm Đồng mang ra phát mại trái pháp luật, gây thất thoát hàng chục tỉ đồng.

Thực hiện trách nhiệm thi hành án (THA), các chấp hành viên đáng ra phải tuân thủ pháp luật để bảo vệ sự nghiêm minh của các bản án và họ phải có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ tài sản của Nhà nước trong quá trình THA. Tuy nhiên, trong quá trình THA liên quan đến VISERI, các chấp hành viên Cục THA tỉnh Lâm Đồng đã không làm như thế...

Bán tài sản trái pháp luật

Thực hiện quyết định của 03 bản án: Số 80/2007/DSPT ngày 23.8.2007; số 38/QĐ-ĐCXXPT ngày 7.8.2002 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại TPHCM và số 02/KTST ngày 28.8.1997 của Tòa án tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm Đình Quý - chấp hành viên của Cục THA tỉnh Lâm Đồng - đã ra quyết định số 07/QĐ.THA (ngày 18.3.2008) để kê biên tài sản của VISERI để bảo đảm thi hành các bản án nêu trên. Tài sản kê biên gồm toàn bộ nhà xưởng văn phòng đại diện có diện tích 1.646m2 đất tại số nhà 124 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM.

Điều đáng nói là ngay từ thời điểm THA cho đến nay, khối tài sản của VISERI nêu trên chưa hề có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không đảm bảo các điều kiện về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ban hành ngày 19.4.2004.

Tài sản kê biên sai pháp luật nhưng chấp hành viên THA Phạm Đình Quý vẫn đem ra đấu giá dẫn tới tình trạng dù đấu giá thành công và người mua đã trả đủ tiền nhưng cũng chưa sử dụng được do không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cũng vì lý do nêu trên nên chấp hành viên Phạm Đình Quý chưa thanh toán xong số tiền bán đấu giá tài sản thi hành án còn lại của VISERI là 3,375 tỉ đồng.

Được biết, việc làm nêu trên của Cục THA Lâm Đồng đã bị Thanh tra Bộ Tư pháp phát hiện và có ý kiến tại công văn số 175/TTR-DTT ngày 10.6.2010, trong đó nêu rõ: “Đoàn Thanh tra phát hiện trong quá trình thanh tra vụ việc có biểu hiện chấp hành viên vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc kê biên, bán đấu giá đất đai không được phép chuyển quyền sử dụng để thi hành án”.

Cố tình gây thất thoát?

Mặc dù tài sản của VISERI không đủ điều kiện kê biên, đấu giá để THA như đã nêu trên, nhưng chấp hành viên Phạm Đình Quý vẫn ra quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản để bán đấu giá văn phòng VISERI ở 124 Kha Vạn Cân.

Về nguyên tắc, việc xác định giá trị cho từng thửa đất khi THA cần phải có ý kiến giám định của các cơ quan quản lý có liên quan như: Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính... để tránh thất thoát tiền vốn và tài sản nhà nước khi bán đấu giá. Nhưng lấy tư cách là Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản, chấp hành viên Phạm Đình Quý đã không làm như vậy.

Hội đồng định giá này đã xác định: 391,2m2 đất của VISERI vi phạm lộ giới nên áp giá khởi điểm là 2 triệu đồng/m2; 425,8m2 nằm trong khuôn viên của VISERI thuộc hành lang dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi nên không đưa vào đấu giá. Phần diện tích 831,4m2 còn lại được định giá là 12 triệu đồng/m2. Theo đó, Hội đồng định giá xác định giá khởi điểm bán đấu giá là 11.198,319 triệu đồng, và họ đã bán đấu giá thành công là 11.250 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc làm như vừa nêu của Hội đồng định giá do chấp hành viên Phạm Đình Quý làm chủ tịch đã vi phạm quy định của Nhà nước, bởi đất của VISERI được mua từ năm 1989, trong khi quy hoạch lộ giới được công bố năm 2002.

Do đó, toàn bộ diện tích đất của VISERI không vi phạm lộ giới mà là nằm trong lộ giới nên được bồi thường theo các quy định khi Nhà nước thu hồi đất tại Quyết định số 17/2008/QĐ-UBND ngày 14.3.2008 của UBND TPHCM.

Đã vậy, trước khi bán đấu giá tài sản THA, hội đồng này đã không định giá lại tài sản mặc dù trước đó UBND TPHCM đã có văn bản điều chỉnh đơn giá bồi thường trong dự án xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai ngoài trên địa bàn quận Thủ Đức với mức giá tại khu vực này từ 1,07 triệu đồng/m2 lên 15,27 triệu đồng/m2.

Phát hiện có việc làm gây thất thoát tài sản, VISERI cũng như Sở Tài chính TPHCM có hai văn bản đề nghị Cục THA dân sự Lâm Đồng và các cơ quan chức năng xem xét lại giá tài sản đã kê biên, định giá nhưng các đề nghị này đã bị “phớt lờ”. Đã vậy, trong khi kê khai tài sản của VISERI ở 124 Kha Vạn Cân, có rất nhiều tài sản trên đất đã được đưa vào biên bản như: Cổng, tường rào, sân bêtông...

Tuy nhiên trong biên bản định giá cũng như trong nội dung thông báo bán đấu giá tài sản để đảm bảo THA không thấy có những tài sản này. Nhưng các tài sản này hiện vẫn được người mua trúng đấu giá tài sản tiếp nhận và sử dụng.

Trước hàng loạt vấn đề sai sót nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng ra công văn số 4199/UBND ngày 18.6.2009 gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị tiến hành thanh tra, xử lý các sai phạm trong công tác THA dân sự đối với chấp hành viên Cục THA dân sự tỉnh Lâm Đồng.

Theo Công Thắng

thunm

Báo Lao động

Trở lên trên