MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đại án” Vifon: “Người hùng bí hiểm” thừa nhận được chia 50 ngàn USD

14-05-2014 - 12:09 PM | Doanh nghiệp

Trong phiên tòa phúc thẩm này, ông Bên tiếp tục ra tòa với danh nghĩa người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.

Ngoài việc thừa nhận có nhận từ Công ty Vifon 50 ngàn USD, nguyên Tổng giám đốc Vifon Nguyễn Văn Bên còn cho phóng viên Nhà báo và Công luận biết hiện ông đang “làm công ty riêng” và nghĩ rằng số phận của ông sẽ được quyết định sau phiên tòa phúc thẩm này.

“Tôi có nhận 50 ngàn USD”

Đó là xác nhận của ông Nguyễn Văn Bên – nguyên Tổng giám đốc Vifon – tại phiên tòa phúc thẩm ngày 13/5. Theo hồ sơ vụ án, ông Bên lúc đương thời làm Tổng giám đốc Vifon, ông chính là người tố cáo với cơ quan chức năng có “nhóm người” chiếm đoạt khoản tiền 43 tỉ đồng trong “tài khoản treo” của Công ty Vifon.

Tuy nhiên Cơ quan điều tra “bác” ngay ý ông Bên khi cho rằng chuyện 43 tỉ đồng này trong lúc điều tra, cơ quan điều tra phát hiện và thu giữ cho ngân sách Nhà nước và rằng vụ án mà tòa đang xét xử không liên quan gì tới khoản tiền 43 tỷ đồng kia. Ngày 15/1/1993, Công ty Vifon được đổi sang thành công ty cổ phần (51% vốn Nhà nước), Nguyễn Văn Bên giữ chức Phó Tổng giám đốc thứ nhất. Sau khi Vifon bán luôn 51% vốn Nhà nước còn lại, ngày 12/5/2005, Nguyễn Văn Bên “lên ngôi”, trở thành Tổng giám đốc Vifon. Như vậy đối chiếu với hồ sơ của vụ án cho thấy, thời điểm xảy ra vụ án (2002 – 2006), ông Bên luôn làm sếp tại Vifon (phó và sau là tổng giám đốc).

Điều khiến dư luận ngạc nhiên là ông Bên lại “thoát” vành móng ngựa. Trong phiên tòa phúc thẩm này, ông Bên tiếp tục ra tòa với danh nghĩa người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Theo hồ sơ, khi giữ chức Phó Tổng giám đốc Vifon, chính ông Bên là người đã ký các chứng từ chi 456 triệu đồng mua cổ phần cho ông Nguyễn Bi. Nguyễn Văn Bên cũng chính là người ký giả thu tiền huy động vốn của Lê Nhật Yên 500 triệu đồng, Bên cũng ký khoản tiền mua cổ phiếu của Chi nhánh Công ty Vifon tại Hà Nội, Vinh, ký các phiếu thu khống trong khoản tiền 200.000 USD bị chiếm đoạt…

Ngoài các hành vi sai phạm trên, Nguyễn Văn Bên còn lấy tài khoản đứng tên vợ, nhận 50.000 USD “tiền thưởng” từ Vifon. Cụ thể: Thời điểm Vifon còn là doanh nghiệp Nhà nước, Nguyễn Bi đã tự quyết định chia thưởng trái pháp luật số tiền 290.000 USD. Trong số những người “được chia thưởng”. Nguyễn Văn Bên được chia 50.000 USD. Khai với cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Bên nói rằng năm 2004, Nguyễn Bi có gọi Bên vào phòng làm việc thông báo là ông được Vifon thưởng 50.000 USD. Sau đó, ông Bên đưa số tài khoản của vợ là bà Phạm Thị Kim Chi và đã nhận số tiền này.

Tại bản án của phiên tòa sơ thẩm tuyên ngày 27/11/2013, ông Nguyễn Văn Bên bị bản án tuyên đề nghị VKSNDTC và cơ quan điều tra xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại phiên tòa phúc thẩm này, ông Bên có mặt tại tòa với danh nghĩa người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Trao đổi với phóng viên, ông Bên cho hay hiện tại ông đang “kinh doanh” riêng. Đề cập tới bản án tuyên điều tra hình sự ông, ông Bên nói rằng “chắc xong phiên tòa này rồi họ làm”.

Nguyên Phó tổng Vifon liên tục kêu oan

Sau phần xét hỏi của đại diện VKS, tòa đi vào phần xét hỏi liên quan tới tội danh “cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cáo buộc, Nguyễn Bi - đã có sai phạm khi “phân chia” số tiền thưởng 290.000 USD cho bản thân và một số cán bộ lãnh đạo của công ty, Nguyễn Bi đã gây thiệt hại số tiền là 8,2 tỷ đồng.

Trả lời HĐXX, Nguyễn Bi nói rằng số tiền 290.000 USD có nguồn gốc từ chuyển nhượng vốn liên doanh của công ty. Nguyễn Bi cho rằng mình không làm sai vì 7 người được thụ hưởng chính là những người có công lớn tạo dựng thương hiệu Vifon không những thời điểm đó mà ngay cả hiện nay Vifon cũng đang là tên tuổi lớn, đóng góp cho ngân sách và giải quyết công ăn, việc làm cho hàng ngàn lao động. “Bị cáo trích khen thưởng 7,9 tỷ đồng là khen thưởng đột xuất đúng thẩm quyền sau khi làm nghĩa vụ thuế với Nhà nước là đúng với thẩm quyền của Tổng giám đốc” Nguyễn Bi nói tại tòa.

Buổi chiều cùng ngày, tòa dành phần lớn thời gian tập trung xét hỏi tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nguyên Phó Tổng giám đốc Vifon - Nguyễn Thanh Huyền - bị xét hỏi về cáo buộc hành vi đã chỉ đạo thực hiện hạch toán sai tài khoản, sai nguồn gốc vốn. Trả lời HĐXX, Huyền khẳng định mình làm theo sự chỉ đạo của Tổng giám đốc Nguyễn Bi. Số tiền mà Huyền nhận cũng đã đưa toàn bộ cho ông Bi. Khoản tiền 7,9 tỷ đồng mà Công ty Vifon được phép đưa vào quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng dành được nhiều sự quan tâm từ các luật sư. Huyền nói rằng số tiền này công ty có quyền quyết định, sau khi hoàn thành nộp tiền nghĩa vụ liên doanh. Bị cáo Nguyễn Bi tiếp lời Huyền cũng xác định là tổng giám đốc công ty thì ông có quyền quyết định chi thưởng.

Liên quan tới số tiền 7,9 tỷ đồng tiền thưởng này, tòa cũng cho mời đại diện Công ty Vifon có mặt tại tòa có ý kiến. Theo vị đại diện công ty Vifon, số tiền 7,9 tỷ đồng nếu thất thoát là thất thoát tiền công ty chứ không phải tiền Nhà nước. Trước phiên tòa phúc thẩm, phía Công ty Vifon có làm đơn kháng cáo yêu cầu các bị cáo trả lãi suất số tiền chiếm đoạt của công ty nhưng tại phiên tòa vị đại diện của đơn vị này xin rút kháng cáo.

Cũng theo cáo buộc, nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Bi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc chỉ đạo Nguyễn Thanh Huyền chuyển số tiền 2,283 tỷ đồng chuyển vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt. Nguyễn Bi cho rằng “Số tiền 2,2 tỷ đồng là Huyền gửi lại tiền huy động vốn còn sót. Bản thân tôi và Công ty Vifon chưa đối chiếu công nợ nên không biết còn thừa thiếu thế nào”.

Đúng 16 giờ 30 ngày xét xử thứ 2, sau khi HĐXX đề nghị các đượng sự có mặt tại tòa tiếp tục xét hỏi thêm nhưng tất cả im lặng. Tòa quyết định kết thúc phần xét hỏi của phiên tòa.


Chủ tọa phiên tòa cho biết, ngày xét xử thứ 3 (14/5), tại phiên tòa sẽ có đại diện cơ quan giám định, tòa cũng đề nghị các luật sư và những người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đặt câu hỏi với cơ quan giám định để làm rõ những tình tiết của vụ án. Chủ tọa cũng thông báo dự kiến trong ngày xét xử này, đại diện VKS tại phiên tòa sẽ phát biểu quan điểm luận tội…

Cũng trong ngày xét xử thứ 2 (13/5), buổi sáng tòa đã dành thời gian cho đại diện VKS thẩm vấn các bị cáo. Vị đại diện VKS tại phiên tòa chủ yếu hỏi các bị cáo có bổ sung tình tiết nào mới so với phiên tòa sơ thẩm không.

Bị cáo nguyên Tổng Giám đốc công ty Vifon – Nguyễn Bi – nói rằng bị cáo tin rằng tại phiên tòa phúc thẩm này, tòa sẽ làm rõ việc bị cáo thu, chi, ký nhận các khoản tiền tại Công ty Vifon (luật sư bị cáo chuẩn bị sẳn 71 trang bút lục liên quan tới nội dung này); riêng bị cáo Dương Thị Mẫn (SN 1947, nguyên kế toán thanh toán Vifon) thì nói rằng bị cáo nộp đơn xin xử phúc thẩm vì bản thân bị cáo tuổi cao và sức khỏe không tốt, gia cảnh bị cáo đang khó khăn, mẹ già 85 tuổi cũng bệnh, chồng bị cáo bị bệnh tim, con bị cáo còn nhỏ “bị cáo xin được giảm hình phạt để về chămm sóc gia đình” bị cáo Mẫn vừa khóc vừa nói với tòa. Ngoài ra các bị cáo khác điều nói rằng quá trình xét xử các bị cáo và luật sư sẽ bổ sung các tình tiết mới.

Hy hữu: Bộ Công thương gửi văn bản nhầm!

Cũng trong ngày xét xử thứ 2 này. Luật sư Lê Hồng Nguyên (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bi) đã đề nghị HĐXX trưng văn bản của Bộ Công thương mà theo vị luật sư là ông biết có liên quan tới vụ án.

Trả lời ý kiến của luật sư, Chủ tọa phiên tòa nói rằng đúng là Bộ Công thương có văn bản nhưng gửi nhầm. Cụ thể là trong một văn bản đề ngày 19/4, Bộ này có văn bản gửi… Tòa án nhân dân TP.HCM nhưng lại đưa tới cho Tòa phúc thẩm TAND tối cao! “đây là tòa tối cao nên chúng tôi xem văn bản đó không có giá trị vì ghi sai tên nơi nhận” Chủ tọa phiên tòa cho biết.
Cũng theo Chủ tọa phiên tòa, nội dung văn bản này bộ Công thương khẳng định không phải nguyên đơn dân sự.

Khi Chủ tọa trả lời như vậy, theo quan sát của phóng viên, bên dưới phòng xử án, luật sư Lê Hồng Nguyên lắc đầu ngao ngán.

Chùm ảnh “người hung bí hiểm” Nguyễn Văn Bên sau ngày xét xử thứ 2



 “Người hùng bí hiểm” lẳng lặng rời tòa…
 
 
 Những bước đi như chạy của “người hùng bí hiểm”
 
 
 PV phải “chạy” theo ông
 
 … nhanh chóng tới bãi giữ xe
 
  PV tiếp cận được “người hùng bí hiểm”
 
  … nhưng “người hùng bí hiểm” nhanh chóng rời tòa bằng xe máy.

Tân Châu

thunm

Nhà báo và Công luận

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên