MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi doanh nghiệp “đem chuông đi đánh xứ người”

23-02-2013 - 15:52 PM | Doanh nghiệp

Có vẻ như, mỗi lần “đem chuông đi đánh xứ người”, các doanh nghiệp Việt Nam lại được dịp thấp thỏm với những rào cản rất khó dự đoán, chính vì thế cực kỳ khó xoay chuyển tình thế.

Trong một “thế giới phẳng” – một động thái của một cá nhân, hoặc chính phủ nước này, ngay lập tức có thể ảnh hưởng trực tiếp đến một cá nhân, một doanh nghiệp, hay một đất nước cách họ nửa vòng trái đất.

Rõ nhất là những quyết sách về thương mại.

Từ chuyện con tôm con cá

Ngày 22/2/2013, Bộ Thương Mại Mỹ ra thông báo lựa chọn hai đơn vị bắt buộc là Công ty thủy sản Minh Phú (MPC) và Công ty cổ phần Nha Trang Seafoods, đồng thời bổ sung bốn nội dung mới để điều tra trong vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm VN xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Chưa nói chuyện ai đúng, ai sai, hay những “bất công” mà con tôm Việt Nam phải chịu trên đường giao thương quốc tế. Chỉ biết phán quyết này sẽ ảnh hưởng khá nặng nề tới 2 doanh nghiệp được trực tiếp gọi tên, và với các doanh nghiệp khác có sản phẩm tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Trước đây, vào những năm 2008 – 2009, ngành thủy sản Việt Nam đã từng điêu đứng với quyết sách về thuế chống bán phá giá cá tra và cá basa.

Có vẻ như, mỗi lần “đem chuông đi đánh xứ người”, các doanh nghiệp Việt Nam lại được dịp thấp thỏm với những rào cản rất khó dự đoán, chính vì thế cực kỳ khó xoay chuyển tình thế.

Có chuyên gia hài hước cho rằng: “Không phải là chuyện con tôm, con cá. Cứ tình hình thế này, chúng ta xuất khẩu cái gì, sẽ bị rào cản cái đó. Ngao sò ốc hến gì rồi cũng thế cả.”

Đến…cái móc áo

Gần đây, KSD ra quyết định khiến nhà đầu tư giật mình khi cho thuê tới 3.500 mét vuông diện tích nhà xưởng. Nguyên nhân đơn giản lại cũng là một phán quyết của tòa án bên trời Tây. Theo đó, công ty bị áp mức thuế chống trợ cấp 31,58% và thuế chống bán phá giá là 220,68% tức tổng là 252,26% khi xuất khẩu móc áo vào thị trường Mỹ.

Với mức thuế này, cho dù có được “trợ cấp” thật hay không, muốn “phá giá” thật hay không, thì cũng ít doanh nghiệp nào chịu nổi “nhiệt”. Đặc biệt với KSD, 90% doanh thu đến từ mắc áo xuất khẩu sang Mỹ. Đây là một tổn thất khá nặng nề.

Thu hẹp sản xuất kinh doanh là điều đầu tiên doanh nghiệp có thể nghĩ đến. Dự kiến doanh thu năm 2013 từ mắc áo sẽ giảm trên dưới một nửa so với doanh thu 2012. Cho thuê bớt nhà xưởng là một quyết định không tồi, có thể giải quyết tối ưu 2 vấn đề của doanh nghiệp: Có được doanh thu mới, thu hẹp sản xuất cốt lõi.

Và không chỉ là thuế

Rào cản đến từ các nước nhập khẩu không chỉ đơn thuần là thuế. Một khi muốn bảo vệ nền sản xuất trong nước, các quốc gia có thể nghĩ trăm phương nghìn cách để hạn chế nhập khẩu. Và đây là vấn đề khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu muốn thâm nhập thị trường.

Với ngành thủy sản, vấn đề chưa cũ nhưng vẫn luôn nóng hiện nay là dư lượng kháng sinh. Với ngành gỗ, việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu vẫn luôn làm đau đầu những nhà xuất khẩu Việt Nam…

Một cây làm chẳng nên non…

Vai trò các hiệp hội nghề nghiệp hiện nay chưa được phát huy mạnh mẽ. Không phải là tất cả, nhưng hoạt động của các hiệp hội này nhìn chung khá mờ nhạt. Ngay cả với các doanh nghiệp đã gia nhập các hiệp hội, thì những sự hỗ trợ doanh nghiệp nhận được từ hiệp hội cũng không nhiều, đặc biệt là trong trường hợp bị chèn ép khi đá trên sân khách.

Đầu năm 2013, Indonesia đã chính thức kết luận thép Việt Nam bán phá giá và áp dụng mức thuế chống bán phá giá lên thép cuộn cán nguội của Việt Nam sang thị trường nước này.

Trước đó, Ủy ban tự vệ thương mại  Indonesia (KPPI) đã quyết định điều tra tự vệ thương mại với việc nhập khẩu khẩu các sản phẩm thép cán phẳng. Hiệp hội Thép đã gửi công văn lên Bộ trưởng Bộ công thương yêu cầu hỗ trợ. Nếu các biện pháp tự vệ thương mại của Indonesia được thực thi, các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều như HSG sẽ chịu tổn thất nặng nề.

Không phải hiệp hội nghề nghiệp nào cũng “ra tay” nhanh chóng như Hiệp hội thép Việt Nam. Đấy là chưa nói đến vấn đề hiệu quả!

Các doanh nghiệp một khi đã vướng vào vòng kiện tụng, điều đầu tiên cần làm là phải hợp tác chặt chẽ về việc cung cấp thông tin, kê khai với cơ quan điều tra nước xuất khẩu, tuyệt đối không chủ quan, ngay cả khi lợi ích của bản thân doanh nghiệp đó là không nhiều. Việc này có thể rút ngắn thời gian điều tra, và do vậy giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp trong ngành.

Đã đến lúc các hiệp hội nghề nghiệp chủ động hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Một doanh nghiệp tự mò mẫm tìm hiểu thị trường nước ngoài, lo các thủ tục xuất khẩu, sẽ vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, nếu không được sự trợ giúp của một tổ chức thực sự chuyên nghiệp.

Minh Huyền

thunm

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên