MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lafooco: Tập quán trữ hàng khiến hoạt động kinh doanh thiếu an toàn

21-03-2013 - 13:41 PM | Doanh nghiệp

Khi các DN mua nguyên liệu dự trữ, kết quả kinh doanh của DN phụ thuộc vào giá cả ở thời điểm chế biến nguyên liệu: nếu giá cả tăng mạnh, lợi nhuận tăng đột biến, và ngược lại.

Năm 2012, Công ty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (LAF) lỗ nặng 152 tỷ đồng, cổ phiếu bị HSX đưa vào diện cảnh báo. 

Ngày 21/3/2013, LAF đã gửi công văn giải trình kết quả kinh doanh năm 2012, đồng thời đưa phương án khắc phục tình trạng nói trên.

Văn bản giải trình của LAF đã đưa ra khá đầy đủ những khó khăn mà công ty gặp phải, cũng là những khó khăn chung của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến hạt điều nói chung. 

Những năm gần đây, do công suất chế biến toàn ngành hạt điều lớn hơn sản lượng điều thô trong nước, các DN đã nhập khẩu điều từ Châu Phi và một số nước khác ở Đông Nam Á. Với "tập quán" này, đến mùa vụ điều các DN sản xuất điều đều mua nguyên liệu dự trữ để sản xuất đến giáp vụ. 

LAF cho biết, mặc dù phát triển rất tốt trong nhiều năm qua, nhưng mô hình này xét cho cùng là thiếu an toàn. Nguyên nhân là khi các DN mua nguyên liệu dự trữ, kết quả kinh doanh của DN phụ thuộc vào giá cả ở thời điểm chế biến nguyên liệu: nếu giá cả tăng mạnh, lợi nhuận tăng đột biến, và ngược lại.

Từ quý 4 năm 2011, thị trường tiêu thụ nhân điều đột ngột giảm mạnh, kéo dài đến cuối năm 2012. Đến lúc này, mô hình nhập khẩu - chế biến hạt điều bắt đầu lộ rõ điểm yếu.

Giá nhân điều giảm mạnh ngoài dự đoán, nguyên liệu tồn kho từ cuối năm 2011 ở mức giá cao, chuyển sang 2012 các DN bị lỗ khoảng 12.000 đồng/kg. Quy mô sản xuất, hàng tồn kho càng cao, thì khoản lỗ vì hàng tồn kho càng lớn.

Hàng hóa của LAF tồn kho cuối năm 2011 chuyển sang 2012 gồm 16,82 nghìn tấn hạt điều khô và 364 tấn nhân điều, nếu quy ra hàng thô nguyên liệu, tổng cộng tồn kho hơn 18.000 tấn hạt điều thô.

Tồn kho ở mức cao có nguyên nhân sâu xa từ việc nhận định sai diễn biến thị trường giá cả. Giá hạt điều cuối năm 2010 tăng liên tục đến tháng 9/2011, và lao dốc từ đó đến cuối năm 2012 dẫn đến những "thăng trầm" trong lợi nhuận của các DN chế biến hạt điều. Thực tế giá điều diễn ra trái ngược với nhận định chung của các DN, dẫn đến các DN tiếp tục lỗ đối với nguyên liệu mùa vụ mới. 

Theo nhận định của LAF, giá hàng bể, hàng cấp thấp, dầu vỏ hạt điều, vỏ hạt điều và các phụ phẩm, thứ phẩm khác giảm nhiều nhất, phát vỡ cánh kéo giá giữa hàng cấp cao và cáp thấp, phá vỡ phương án tính toán ban đầu khi mua nguyên liệu điều thô. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến lỗ phát sinh từ nguyên liệu mua mới trong năm 2012. 

Ngoài ra, công nghệ, thiết bị chế biến hạt điều ở Việt Nam chưa hoàn hảo, phát sinh tỷ lệ hàng bể tăng và vẫn cần lao động thực hiện một số công đoạn sau máy. 

Vạch ra những nguyên nhân cơ bản của "thất bại" trong năm vừa qua, LAF đồng thời đưa ra các phương án khắc phục.

Về mô hình kinh doanh: LAF dự kiến sẽ không dự trữ nguyên liệu điều thô để sản xuất giáp vụ năm sau, cố gắng gắn kết mua vào cân đối với hợp đồng xuất bán, không mở rộng quy mô đối với lĩnh vực thu mua nguyên liệu thô. 

Về vốn, LAF chủ trương định giá tài sản lại để thế chấp ngân hàng vay trung, dài hạn bù đắp nguồn vốn lưu động của công ty đã đầu tư tài sản. 

Ngoài ra, công ty sẽ chuyển nhượng đất và tài sản ở khu vực Bến Lức, dự kiến nếu thành công sẽ thu ròng hơn 30 tỷ đồng, giải quyết cơ bản vấn đề mất cân đối vốn. 

LAF cũng dự định sẽ thoái vốn tất cả các danh mục đầu tư tài chính dài hạn tại công ty. 

Soi danh mục đầu tư dài hạn tại thời điểm cuối năm 2012, có thể thấy đáng kể nhất là khoản đầu tư vào Công ty TNHH XNK Thủy sản Cần Thơ (Cafish) với tổng giá trị 14,7 tỷ đồng. Cafish là công ty liên kết liên doanh với LAF. 

Minh Thư


thunm

HSX

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên