MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những thương vụ..."bán con" chóng vánh

23-12-2014 - 08:04 AM | Doanh nghiệp

Nếu không thông qua góp vốn bằng tài sản, việc bán tài sản thu tiền chưa chắc đã dễ dàng đến thế!

Thông thường, khi một doanh nghiệp thành lập công ty con, kỳ vọng của doanh nghiệp là hoàn thiện chuỗi giá trị, hoặc đầu tư vào một lĩnh vực mới mẻ nhằm mang lại lợi nhuận cho công ty. Khi hết những vai trò nói trên, hoặc khi...được giá, doanh nghiệp đó mới bán công ty con, nhằm thu lợi nhuận, hoặc "vớt vát" những giá trị còn lại, hoặc ngăn chặn những rắc rối có thể đến trong tương lai.

>> "Con dại cái mang"

Tuy nhiên, không phải bao giờ việc thành lập công ty con cũng có mục đích tường minh như vậy.

Công ty cổ phần Cao su Quảng Nam (VHG)
vừa công bố thông tin về việc góp vốn thành lập công ty con. Thực ra, đây không phải là thông tin quá mới mẻ. Trước đó, ĐHCĐ bất thường của VHG đã thông qua phương án thành lập công ty con, sau đó chuyển nhượng cổ phần cho đối tác với giá không thấp hơn 25.000 đồng/cổ phần. Việc chuyển nhượng thực hiện theo lộ trình công ty chỉ nắm giữ từ 25 - 35% vốn điều lệ công ty con.

Lần này, VHG cụ thể hóa việc thành lập công ty con, trong đó có những thông tin đáng chú ý sau:

Một là, hình thức góp vốn của VHG vào công ty con chính là quyền sử dụng dất và chi phí đầu tư có liên quan đến lô đất số 9 Lê Duẩn - Quận Hải Châu - Đà Nẵng. Có nghĩa là, VHG không trực tiếp rót tiền mặt vào công ty con.

Hai là, giá trị khoản vốn góp đạt 99 tỷ đồng, tương đương 99% vốn điều lệ công ty con. 1 tỷ đồng mang tính "tượng trưng" của công ty con do 1 cá nhân bỏ ra.

Không khó để tính toán, theo kế hoạch, VHG sẽ bán từ 64 - 74 tỷ đồng vốn góp, tính theo giá vốn. Với giá bán không thấp hơn 25.000 đồng/cổ phần, số tiền VHG thu về ít nhất từ 160 - 185 tỷ đồng. Lãi thuần thu được từ khoản đầu tư này ở mức 96 tỷ đồng đến 111 tỷ đồng. So sánh với "khoản tiền" VHG bỏ ra lúc đầu là 99 tỷ đồng - tỷ lệ lợi nhuận quả là không nhỏ. Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về thời gian VHG chuyển nhượng vốn cho đối tác - mà thực chất là việc bán quyền sử dụng đất.

Cao su Quảng Nam không phải là trường hợp đầu tiên thành lập công ty con với mục đích...bán.

Trước đó, KSH nổi tiếng với các thương vụ cực kỳ chóng vánh. Có trường hợp, công ty này góp vốn vào công ty con, sau đó vỏn vẹn 2 ngày đã chuyển nhượng toàn bộ số vốn góp nói trên.

Cụ thể, KSH đầu tư 115 tỷ đồng vào công ty con là Công ty TNHH Đầu tư phát triển khoáng sản Hamico vào vào ngày 1/10/2014 và chuyển nhượng 100% số vốn đã góp cho CTCP Sản xuất và xuất nhập khẩu Nông lâm thủy sản để cấn trừ công nợ vào ngày 3/10/2014.

Sau đó, KSH góp vốn 47,4 tỷ đồng (bằng tài sản) vào CTCP Sản xuất và Thương mại Bắc Việt và chuyển nhượng toàn bộ sau đó 10 ngày.

Khác với VHG, KSH không trực tiếp thu lợi nhuận từ việc chuyển nhượng vốn góp tại công ty con. Tuy nhiên, những giá trị vô hình có được, không phải là không có.

2 thương vụ góp vốn của KSH đều có hình thức góp vốn bằng tài sản. Kết quả, 1 lần công ty cấn trừ công nợ, 1 lần khác bán lấy "tiền tươi thóc thật". Nếu không thông qua góp vốn bằng tài sản, việc bán tài sản thu tiền chưa chắc đã dễ dàng đến thế!

Quay lại trường hợp của VHG. Trước đó, công ty này đã ký hợp tác với CTCP Đầu tư xây lắp Dầu khí Imico (PVC IMICO) để triển khai khu đất vàng nói trên. Theo đó, giá trị lô đất được 2 bên thống nhất khoảng 250 tỷ đồng. Việc thành lập một pháp nhân là nhằm mục đích triển khai dự án xây dựng hạ tầng trên lô đất đó. Sau khi hoàn thành, VHG sẽ kiểm soát 35% nhằm tạo dòng tiền ổn định khi dự án được triển khai hoạt động. PVC IMICO chính là đối tác nhận chuyển nhượng cổ phần công ty con sắp được thành lập của VHG.

Như vậy, bằng cách này, VHG đã rất khôn ngoan khi triển khai xây dựng dự án trên khu đất số 9 Lê Duẩn mà không phải bỏ tiền trực tiếp. Với việc bán bớt cổ phần với giá 25.000 đồng/cổ phần, VHG không những thu được khoản chênh lệch như đã phân tích, còn giữ tỷ lệ kiểm soát nhất định khi dự án đi vào hoạt động.

Đan Nguyên

thunm

Tài chính Plus

Trở lên trên