MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sản xuất thuốc Bảo vệ thực vật trong nước mới dừng lại ở mức...sang chiết và đóng chai

17-12-2014 - 14:44 PM | Doanh nghiệp

Gần 100% hoạt chất, 90% phụ gia và 50% chế phẩm phải nhập từ nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc).

Đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ra thông điệp phải đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Theo đó, Nhà nước có chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp.

Nói riêng về ngành thuốc bảo vệ thực vật, do Việt Nam có nền sản xuất nông nghiệp chủ đạo nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là một trong những biện pháp không thể thiếu đối với sản xuất cây trồng.

Nhưng nhu cầu thì cực lớn mà khả năng sản xuất lại thấp

Tại Tọa đàm “Những bất cập trong công tác quản lý ngành thuốc bảo vệ thực vật” tổ chức ngày 17/12/2014, bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thống kê mỗi năm, ngành nông nghiệp phải nhập khẩu từ 0,8 đến 1 tỷ USD thuốc bảo vệ thực vật mới đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Theo số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật, việc nhập khẩu và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang gia tăng một cách đáng báo động. Nếu như năm 2005, cả nước chỉ nhập 20.000 tấn thì sang năm 2006 - 2007 tăng lên 30.000 tấn/năm, tương ứng với 325 triệu USD; năm 2012 nhập khẩu 55.000 tấn (704 triệu USD). Và 475 triệu USD là số tiền mà Việt Nam bỏ ra để nhập khẩu thuốc BVTV trong 7 tháng đầu năm 2014.

Đáp ứng nhu cầu đó, hiện nay trên cả nước có 20.000 đại lý buôn bán thuốc BVTV, 200 doanh nghiệp thuốc BVTV và 97 nhà máy chế biến thuốc (chế biến được 50% lượng chế phẩm sử dụng trong nước, khoảng 30.000 – 40.000 tấn/năm).

Tuy nhiên, theo đánh giá của những người trong ngành, việc sản xuất thuốc BVTV trong nước vẫn chỉ dừng lại ở mức nhập khẩu, sang chiết và đóng chai, dán nhãn… tức là phụ thuộc hoàn toàn vào sự cung cấp của các nhà cung cấp nước ngoài.

Ông Trần Quang Hùng – Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) nhận xét, Việt Nam chưa vượt ra khỏi tầm một nền công nghiệp đại lý, kinh doanh thuốc BVTV, tức là chưa xây dựng được nền móng cho một nền công nghiệp thuốc BVTV quốc gia. Gần 100% hoạt chất, 90% phụ gia và 50% chế phẩm phải nhập từ nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc).

Doanh nghiệp: Tất nhiên, chúng tôi mong muốn tự sản xuất

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển thương mại quốc tế Thăng Long khẳng định, doanh nghiệp trong nước đều mong muốn có thể tự sản xuất thuốc BVTV nhưng vấn đề lớn nhất là công nghệ của doanh nghiệp Việt rất kém. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm và xin địa điểm để sản xuất cũng không hề dễ dàng. Công ty Thuốc bảo vệ thực vật Trung ương 1 đã từng xây dựng một nhà máy “triệu đô” nhưng rồi cũng phải bỏ dở.

Đây quả thực không chỉ là vấn đề của ngành thuốc BVTV. Các ngành sản xuất sử dụng hóa chất như phân bón cũng đang ở trong tình trạng tương tự.

Việc nhập khẩu để “gia công” có phần đơn giản hơn trực tiếp sản xuất nhưng ngay cả như vậy, vấn đề mà ngành thuốc BVTV phải đối mặt cũng không ít. Đó là nạn nhập lậu, buôn bán sử dụng thuốc ngoài danh mục, thuốc giả… Và cả những vướng mắc về chính sách.

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật đã đưa vào Thông tư 03 năm 2013 Bộ NN& PTNT quy định về giấy ủy quyền đối với doanh nghiệp Việt Nam, nhằm thắt chặt việc quản lý nguồn gốc cũng như chất lượng của từng sản phẩm. Thông tư trên quy định các doanh nghiệp nước ngoài chỉ được ủy quyền cho một doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu một loại hoạt chất. Theo Thông tư hướng dẫn, các công ty chỉ được nhập duy nhất hoá chất để sản xuất thuốc theo giấy ủy quyền, mà không được phép nhập từ công ty khác.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, khi phải nhập khẩu từ một nhà sản xuất độc quyền Trung Quốc, đương nhiên doanh nghiệp Việt bị ép giá. Nếu công ty đối tác ngừng cung cấp hoạt chất này, thì tên thuốc cũ sẽ bị hủy, hủy luôn công sức xây dựng hệ thống nhận diện sản phẩm của doanh nghiệp trong nước.

Một lãnh đạo tại công ty thuốc BVTV khác nói, mặc dù doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hoạt chất cho doanh nghiệp Việt đã bị giải thể, hoặc chất lượng không tốt bằng doanh nghiệp khác thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải nhập theo phương thức ủy quyền.

“Điều này không hợp lý chút nào” – vị lãnh đạo trên bày tỏ.

Bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI nhận xét, ngành hóa chất bảo vệ thực vật ngày càng quan trọng, không thể thiếu trong chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam. Nhưng một trong những nguyên nhân chính được cho là đã kìm hãm sự phát triển ngành thuốc BVTV trong nước những năm qua là các cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

VCCI mong muốn các cơ quan lập pháp, cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành các văn bản pháp quy cần phải rõ ràng, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước đã đề ra - bà Hằng nhấn mạnh.

>>> “Chấn chỉnh” để tránh phụ thuộc Trung Quốc

Mỹ Hà

trangminh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên