MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm cơ hội trong khó khăn

24-06-2014 - 01:11 AM | Doanh nghiệp

Một số người lo ngại tình hình biển Đông khiến ngành hàng nông sản Việt Nam sẽ thêm khó khăn. Nhưng không ít người lại có cái nhìn khá lạc quan khi cho rằng, nếu bình tĩnh suy xét, đây cũng là cơ hội…

Hình thành trung tâm phân phối

Trở về từ chuyến mở rộng thị trường ở Malaysia, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho rằng, chuyện mở rộng và đa dạng hóa thị trường luôn là công việc của từng doanh nghiệp (DN). Trước đây có thể do “làm biếng” nên chỉ tìm sự dễ dãi ở thị trường Trung Quốc, nhưng nay buộc phải “xách giỏ” đi tìm thị trường mới. Nói cơ hội vì tình huống hiện nay là động lực để các DN tỏ rõ quyết tâm không chỉ vì lòng yêu nước mà còn vì sự tồn tại của từng DN. Bản thân từng DN buộc phải nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản và an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như nâng cao giá trị gia tăng từng sản phẩm.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), với quymô nền kinh tế nhỏ, Việt Nam có thể linh hoạt để tìm những đối tác, bạn hàng tương ứng. Đây cũng là cơ hội để DN Việt Nam tránh được những rủi ro với sự bất nhất, không thể dự báo trước trong quan hệ với Trung Quốc. Việt Nam có quan hệ thương mại với 243 nước nên các sản phẩm xuất nhập từ Trung Quốc không phải không thay thế được.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, DN Việt Nam sẽ tự tin hơn từ bài học của DN Philippines. Cách đây khoảng 2 năm, khi xảy ra căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines cũng ở biển Đông, mặt hàng chuối, thế mạnh của Philippines bị Trung Quốc ép đủ kiểu. Lúc đầu, DN Philippines cũng bị lúng túng nhưng sau đó nhờ làm tốt việc tiếp thị đã chuyển khá nhanh sang thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ… Những thị trường này đòi hỏi tiêu chuẩn cao cả về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với sự quyết tâm, DN Philippines tổ chức lại sản xuất, quản lý để nâng cao chất lượng. Kết quả, không những xuất khẩu được chuối với lợi nhuận cao hơn mà còn nhiều hơn so với lúc xuất sang Trung Quốc.

Với lòng yêu nước và tự hào dân tộc của người dân, ông Nguyễn Lâm Viên tin rằng tình trạng thương lái Trung Quốc vào sâu nội địa Việt Nam tổ chức thu mua sẽ giảm hoặc không thể lộ liễu khuấy động như trước. Vì vậy, đây là cơ hội để xây dựng và hình thành hệ thống phân phối các chuỗi ngành hàng nông sản, đặc biệt là hệ thống phân phối sản phẩm từ đồng ruộng đến các nhà máy chế biến, cũng như kết nối với thị trường tiêu thụ trong nước thông qua trung tâm phân phối.

Sự chùng bước của thương nhân Trung Quốc là cơ hội để DN Việt Nam có điều kiện tương tác với thị trường và cùng nhau liên kết. Khi đưa được nông sản vào các trung tâm phân phối, tất nhiên có những ưu đãi với bà con để thu hút sự tự nguyện.

Nếu thương nhân Trung Quốc mua hàng hóa, các trung tâm phân phối là đầu mối và có đủ thông tin để xem xét bán thế nào có lợi cho Việt Nam. Có thể nói, sự lỏng lẻo trong quản lý của địa phương, cùng sự mất đoàn kết thời gian qua nên nông dân vô tình làm công cho thương nhân Trung Quốc.

Để khắc phục, vai trò của nhà nước rất quan trọng để tạo điều kiện và thúc đẩy việc hình thành các chuỗi liên kết, trung tâm phân phối thông qua chủ trương nhất quán và các chính sách của nhà nước, không thể phó mặc hay tự phát như thời gian qua. Một khi đã hình thành các trung tâm phân phối, trước mắt là những sản phẩm chủ lực giúp đẩy lùi dần việc thương nhân Trung Quốc vào Việt Nam tự tung tự tác lập đại lý thu mua sản phẩm, làm lũng đoạn thị trường và sự bất ổn trong sản xuất như trước đây.

Chủ động khi đàm phán

Dù là thị trường nào, bản thân các DN cũng phải thấy rằng, khi lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường cũng có lúc gặp bất lợi. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) Vũ Văn Minh, để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, cần xác định các đối tác kinh tế và chiến lược mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và ASEAN nhằm xây dựng cơ sở hợp tác dài hạn.

Rất mừng là điều này không ít ngành hàng hay DN đã và đang lấy bớt “trứng” trong cùng một “giỏ” ra. Nhưng cần nhiều DN chủ động và tự tin hơn nữa khi hội nhập với khu vực và thế giới, cũng như tận dụng cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương để đa dạng hóa thị trường, nguồn cung, nguồn đầu tư mà những DN đã làm được.

Với Trung Quốc, việc giảm phụ thuộc chứ không phải ngưng hẳn nên giao thương giữa 2 nước cần chuyển sang chính ngạch thay vì tiểu ngạch. Việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản qua đường chính ngạch có thể nói là một giải pháp hạn chế phần thua thiệt. Bên cạnh đó là siết hàng rào kỹ thuật về chất lượng hàng xuất nhập khẩu, hạn chế những mặt hàng hay vật tư nông nghiệp (hóa chất hoặc thuốc bảo vệ thực vật…) hoặc nông sản còn tồn dư hóa chất, nhất là trái cây của Trung Quốc dễ dàng vào Việt Nam, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Sẽ gặp không ít khó khăn trong việc chuyển hướng nhưng việc chủ động phát triển thị trường khác, khi đã làm được, sẽ giúp DN thêm tự tin trong đàm phán, nhờ đó cơ hội đến nhiều hơn.

Giáo sư Võ Tòng Xuân còn cho rằng, DN Việt Nam phải biết đặt điều kiện khi mua bán với DN Trung Quốc thay vì thụ động khi đàm phán. Vì theo giáo sư Võ Tòng Xuân, Trung Quốc cũng rất cần các sản phẩm từ Việt Nam nhờ vị trí địa lý gần nhau của 2 nước, trước hết là các sản phẩm lương thực. Nếu DN Việt Nam tự tin hơn, đoàn kết hơn thì DN Trung Quốc không dễ tìm nước khác để mua bởi chi phí cao hơn. Nhưng để làm được điều này, tự thân mỗi DN phải thể hiện rõ cái tâm thế, sự chủ động và đoàn kết trong các hoàn cảnh.

>> Doanh nghiệp kỳ vọng vào TPP, bởi vì "người Việt Nam luôn lạc quan..."

Theo CÔNG PHIÊN


thunm

Sài Gòn giải phóng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên