MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinatex có thực sự hấp dẫn?

07-07-2014 - 09:51 AM | Doanh nghiệp

Ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc tập đoàn thẳng thắn cho biết TPP không phải là cây đũa thần cho ngành dệt may trong nước.

Theo kế hoạch, 22/7 tới đây, 122 triệu cổ phiếu Vinatex sẽ được "bung" ra thị trường. Đây là đợt IPO lớn nhất kể từ đầu năm 2014. Chính vì vậy, Vinatex thu hút sự chú ý của giới đầu tư hơn bao giờ hết.

Những điểm cộng


Như chúng tôi đã đưa tin, Vinatex là anh cả của ngành dệt may Việt Nam. Điểm cộng lớn nhất của Vinatex chính là những lợi thế về thị trường mà tập đoàn này đã có và...sắp sửa có. Là ngành công nghiệp được cho là có nhiều lợi thế, Vinatex cũng như một loạt các doanh nghiệp Nhà nước khác được hưởng khá nhiều ưu đãi. Có thể kể đến gói vay 100 triệu USD từ ADB với lãi suất 1,5% trong thời hạn 20 năm, 5 năm ân hạn.

Nói về về gói vay, đại diện Vinatex cho biết Tập đoàn là 1 trong 3 đơn vị được tham gia chương trình ưu đãi này. Việc vay từ ADB với lãi suất thấp sẽ không làm giảm cơ cấu nợ vay, nhưng nhờ lãi suất giảm và được kéo dài, chi phí kinh doanh của Vinatex sẽ giảm đáng kể. Cổ đông của Vinatex sẽ là người đầu tiên được hưởng những lợi thế này.

Về thị trường sau khi Việt Nam ký kết các FTAs, đai diện Vinatex khẳng định thị trường ngách là hướng đi của Việt nam, với dòng sản phẩm lớp trung bình khá và khá, quy mô đơn hàng tầm trung. Dệt may Việt Nam khó cạnh tranh được với Trung Quốc về giá, sự lựa chọn của Vinatex vì vậy được đánh giá là khá khôn ngoan.

Không ít cổ đông băn khoăn về việc thoái vốn của Vinatex khỏi các công ty thành viên. Tuy nhiên, thực tế việc thoái vốn của Tập đoàn tương đối "suôn sẻ". Vinatex sẽ thoái tới 85% lượng vốn trong năm 2014 và hoàn thất trong năm 2015 theo như yêu cầu. Đặc biệt, thời gian qua, việc thoái vốn của Tập đoàn này mang lại khoản lợi nhuận trên 20 tỷ đồng.

Không ít hoài nghi


Thông tin mà nhà đầu tư, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ quan tâm nhất trong đợt IPO vừa qua là thời gian mà cổ phiếu Vinatex sẽ chính thức lên sàn. Trả lời băn khoăn này, ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc Vinatex cho biết phải 3 năm sau IPO, Vinatex mới có thể lên sàn. Ông bỏ ngỏ khả năng TPP và các FTAs được ký kết sớm và thuận lợi, thời gian có thể rút ngắn xuống còn 2 năm.

Đáng lưu ý, theo kế hoạch, trong thời gian chưa niêm yết, cổ phiếu Vinatex chỉ có thể chi trả cổ tức cho cổ đông ở tỷ lệ từ 5 - 7%/năm. Đây là mức cổ tức tương đối thấp. Và nhà đầu tư phải "xác định" sẽ khó chuyển nhượng cho ai trong thời gian từ 2-3 năm.

Vinatex được tổ chức hoạt động theo mô hình holdings, tức là công ty mẹ sẽ quản lý các đơn vị thành viên. Có thể thấy rõ qua cơ cấu lợi nhuận của Tập đoàn trong những năm vừa qua, khi doanh thu/lợi nhuận chủ yếu đến từ nguồn cổ tức các công ty con.

Câu hỏi đặt ra là, trong khi nguồn thu cổ tức tương đối lớn, có đơn vị thành viên trả cổ tức tới 50%, 30%... mà mức chi trả cổ tức mà Vinatex dành cho cổ đông lại chỉ vỏn vẹn từ 5-7%? Thực ra, Vinatex có những ông con ăn nên làm ra và cả những đứa con làm ăn chưa được tốt lắm như Dệt Nam Định, Đông Phương, Dệt may 8/3...

Về lợi thế khi ký kết các FTAs, ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc tập đoàn cũng thẳng thắn cho biết TPP không phải là cây đũa thần cho ngành dệt may trong nước. TPP sẽ bổ sung cho dệt may lợi thế cạnh tranh mới. Các doanh nghiệp FDI trong ngành này sẽ tận dụng cơ hội, không chỉ riêng công ty trong nước.

Và, khả năng TPP được ký kết trong thời gian tới là tương đối thấp. Từ tháng 8/2013 đến nay, đàm phán TPP không có nhiều tiến triển. Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc TPP chia sẻ sau khi đàm phán, thời gian quốc hội 12 nước ký kết cũng phải 1 năm sau đó. Lợi ích từ TPP, nếu có, sẽ đến từ năm 2017. Đó cũng là thời gian mà cổ phiếu Vinatex có thể lên sàn.

Một lợi thế nữa mà người ta vẫn đưa ra khi định giá Vinatex là những mảnh đất vàng mà Tập đoàn này có quyền sử dụng. Chia sẻ tại buổi hội thảo, đại diện Vinatex cho rằng nếu cách đây khoảng 3 - 5 năm, nắm giữ đất đai được coi là lợi thế, vì có thể chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên hiện tại lợi thế đó không còn rõ rệt khi tiền thuê đất tăng dần hàng năm. Bên cạnh đó là xu hướng di dời các xưởng sản xuất ra ngoại thành.

Một dấu hiệu nữa cho thấy cổ phần Vinatex vẫn chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư khi Tập đoàn vẫn chưa đàm phán xong/chưa tiết lộ thông tin về Nhà đầu tư chiến lược. Lựa chọn Nhà đầu tư chiến lược được coi là một trong những mấu chốt thành công trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

>> Vinatex: 3 năm nữa mới lên sàn

Ngọc Lan

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên