MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh thu du lịch lữ hành nửa đầu 2022 tăng gần 95%

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm 2022 tăng 94,4% so với cùng kỳ năm trước, do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là sự bùng nổ của du lịch nội địa trong quý 2.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 6 tiếp tục đà phục hồi tích cực ở tất cả các ngành, đặc biệt là dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 27,3% so cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý 1/2022 tăng 4,6% và quý 2/2022 tăng 19,5%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2022 ước đạt 471,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý 2/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.395,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với quý trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 1,9%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 có quy mô cũng như tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ trong vòng 5 năm lại đây và tăng 14,4% so với 6 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Doanh thu du lịch lữ hành nửa đầu 2022 tăng gần 95% - Ảnh 1.

Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, chủ yếu do doanh thu cùng kỳ năm trước đạt thấp vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giá bán hàng hóa tiếp tục tăng khi giá nhiên liệu tăng cao. Trong đó, nhóm hàng xăng dầu tăng 22%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 16,3%; lương thực, thực phẩm tăng 13,7%; phương tiện đi lại tăng 5,3%; may mặc tăng 4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 1%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Bình Dương tăng 12,9%; Quảng Ninh tăng 11,2%; Hải Phòng và Khánh Hòa cùng tăng 10,6 %; TP.HCM tăng 10,1%, Hà Nội tăng 9,6%; Cần Thơ tăng 9,3%; Đà Nẵng tăng 5,0%.

Doanh thu du lịch lữ hành nửa đầu 2022 tăng gần 95% - Ảnh 2.

Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm 2022 tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu vui chơi và du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè nên doanh thu của ngành này trong tháng 6 tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 của một số địa phương như sau: Cần Thơ tăng 52,1%; Hà Nội tăng 44,4%; Đồng Nai tăng 22,6%; Quảng Ninh tăng 19,2%; TP.HCM tăng 17,2%, Hải Phòng tăng 12,6%; Bình Dương tăng 11,4%; Đà Nẵng tăng 11,2%.

Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm 2022 tăng 94,4% so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là sự bùng nổ của du lịch nội địa trong quý 2 năm nay. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 của một số địa phương như sau: Khánh Hòa tăng 627,8%; Cần Thơ tăng 183,9%; Hà Nội tăng 129,3%; Đà Nẵng tăng 98,5%; Quảng Nam tăng 67,8%; TP.HCM tăng 49,1%.

Doanh thu dịch vụ khác 6 tháng đầu năm 2022 tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể mức tăng/giảm của một số địa phương như sau: Bắc Ninh tăng 49,9%; Khánh Hòa tăng 30,1%; Đà Nẵng tăng 25,4%; Hà Tĩnh tăng 22,0%; Cần Thơ tăng 20,2%; Thanh Hóa tăng 18,6%; Hải Phòng tăng 10,7%; Hà Nội tăng 8,5%; Cao Bằng giảm 5,2%; TP.HCM giảm 5,5%; Sóc Trăng giảm 7,5%.

Theo Nguyễn Thắm

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên