MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng Nai tăng trưởng công nghiệp thấp nhất trong 10 năm qua

4 tháng đầu năm 2023, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của Đồng Nai tăng hơn 2%, mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Là một tỉnh phát triển về công nghiệp, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, con số tăng trưởng trên cảnh báo nguy cơ tụt lùi của Đồng Nai. Đâu là giải pháp cho tình trạng này?

Mất động lực tăng trưởng

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6,9 tỷ USD, còn kim ngạch nhập khẩu đạt gần 5,4 tỷ USD, lần lượt giảm 19,3% và 14,1% so với cùng kỳ. Công tác thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, đến nay thu hơn 18.500 tỷ đồng, tương đương 30% dự toán. Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân cả nước, đạt hơn 9,6%.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết, các ngành, lĩnh vực đều có mức tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng rất thấp. Đặc biệt là hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Đồng Nai tăng trưởng công nghiệp thấp nhất trong 10 năm qua - Ảnh 1.

Lĩnh vực công nghiệp của Đồng Nai tăng trưởng thấp nhất 10 năm qua (Ảnh: Duy Phương)

“Hiện nay mất động lực tăng trưởng của tỉnh là ở lĩnh vực công nghiệp. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư rất khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng cũng như thị trường. Do đó, trong thời gian tới cần xác định lại thị trường trong nước để phát triển cũng như tạo công ăn việc làm, đơn hàng cho doanh nghiệp”, ông Nguyên cho biết.

Báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai chỉ ra có 22/27 ngành sản xuất tăng nhưng mức tăng thấp, 5/27 ngành sản xuất giảm. Sản xuất và phân phối điện giảm 1,97%. Bà Trương Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết, các mặt hàng như: giày da, dệt may, điện tử giảm ở các thị trường Châu Âu và Mỹ.

Đồng Nai tăng trưởng công nghiệp thấp nhất trong 10 năm qua - Ảnh 2.

Lĩnh vực công nghiệp của Đồng Nai tăng trưởng thấp nhất 10 năm qua (Ảnh: Duy Phương)

Nguyên nhân là một số chi phí vật liệu tăng cao, tuy nhiên, giá xuất khẩu lại không tăng. Từ đó, dẫn đến việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp rất khó khăn. Một nguyên nhân khác được bà Dung nêu là chi phí đăng kiểm. Trong tình hình đăng kiểm khó khăn, việc lưu thông hàng hoá của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng.

Phải đột phá tạo sự khác biệt

Đối với hoạt động đăng kiểm xe cơ giới, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 4/6 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động. Ông Dương Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cho biết, hiện nay, các trung tâm này đang làm thêm giờ nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Thời điểm này, các xe đến đăng kiểm phải lấy phiếu hẹn sau 2 tháng mới tới lượt.

“Lượng xe trong tỉnh khoảng 180.000 xe. Theo dây chuyền đăng kiểm trên địa bàn thì đảm bảo lượng xe ở Đồng Nai. Giải pháp để các trung tâm đăng kiểm kịp thời cho người dân thì các tỉnh phải đồng bộ mở lại các dây chuyền. Nếu để dồn về thì không thể giải quyết hết”, ông Đông nói.

Đồng Nai tăng trưởng công nghiệp thấp nhất trong 10 năm qua - Ảnh 3.

Đồng Nai từng là địa phương có khu công nghiệp sớm nhất cả nước (Ảnh: Duy Phương)

Ngoài lĩnh vực công nghiệp, bức tranh chung toàn tỉnh Đồng Nai cũng không mấy sáng sủa. Lĩnh vực chuyển đổi số có 36 dự án đến nay chưa triển khai được dự án nào. Lĩnh vực nhà ở xã hội triển khai chậm, tiến độ triển khai 6 đề án khai thác quỹ đất tạo nguồn phát triển kinh tế - xã hội chậm.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng nhận định, thời gian tới việc phát triển kinh tế - xã hội còn tiếp tục khó khăn. Ông Dũng đề nghị các đơn vị tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tạo tiềm lực để thu ngân sách. Công tác chi xây dựng cơ bản cần được các sở ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh.

Theo ông Dũng, tỉnh Đồng Nai phải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phải xác định những điểm đột phá, từ đó tạo ra những khác biệt cho sự phát triển của Đồng Nai.

“Đề nghị suy nghĩ sâu, suy nghĩ kỹ trong những năm tới 2030 - 2050, lĩnh vực ngành mình phụ trách đột phá cái gì, đặc biệt của mình là cái gì, phải hướng đến là cái gì. Không có đề xuất nào làm nên Đồng Nai có sắc diện mới khác biệt, Đồng Nai phải làm cho bằng được để tạo nên khác biệt”, ông Dũng nêu rõ.

Tỉnh Đồng Nai đang phải đương đầu với một thời kỳ khó khăn, khi công nghiệp tăng trưởng thấp, quỹ đất dành cho thu hút đầu tư FDI dần cạn kiệt. Để vượt lên và giữ vững hình ảnh địa phương mạnh về công nghiệp, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai phải có tầm nhìn dài hạn, nâng cao chất lượng quy hoạch về đất đai, ngành nghề, chú trọng chuyển đổi số, cải thiện sâu sắc trong hoạt động của các cơ quan công quyền hướng tới vì doanh nghiệp, người dân.

Theo Duy Phương

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên