MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng USD mất dần thị phần trong các giao dịch dầu

31-12-2023 - 10:29 AM | Tài chính quốc tế

Đồng USD mất dần thị phần trong các giao dịch dầu

Người tiêu dùng và các nhà xuất khẩu dầu thô toàn cầu hiện đang thực hiện các giao dịch mà không cần đến các hợp đồng, thỏa thuận thương mại sử dụng đồng USD.

Tờ The Wall Street Journal đưa tin trong tuần này, dẫn lời người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại JPMorgan Chase, bà Natasha Kaneva,

Báo cáo này được đưa ra một ngày sau khi Iran và Nga, hai trong số những nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, cho biết, họ đã hoàn tất thỏa thuận giao dịch bằng đồng nội tệ thay vì đồng USD. Hơn nữa, Iran và Nga, hai quốc gia bị trừng phạt, đã tìm được người mua hàng hóa của họ ở Trung Quốc và Ấn Độ, bán chúng với mức chiết khấu cao.

Bà Kaneva nói với phóng viên The Wall Street Journal: "Đồng USD đang gặp phải một số cạnh tranh trên thị trường hàng hóa", nhấn mạnh rằng tỷ trọng dầu trên thế giới được giao dịch bằng các loại tiền tệ khác đã tăng lên gần 20%.

Xu hướng này ít rõ ràng hơn đối với các quốc gia xuất khẩu hàng hóa khác. Tuy nhiên, một vài nước trong số này, bao gồm Brazil, UAE và Saudi Arabia, đã thực hiện một số bước để chuẩn bị nền tảng cho giao dịch "vượt qua đồng bạc xanh".

Theo dữ liệu do JPMorgan theo dõi, 12 hợp đồng hàng hóa lớn đã được thực hiện bằng loại tiền tệ không phải USD vào năm 2023, so với 7 hợp đồng vào năm 2022 và chỉ có 2 hợp đồng được ghi nhận từ năm 2015 đến năm 2021.

Dữ liệu liên quan đến các giao dịch hàng hóa hơn là giao dịch tương lai trên thị trường tài chính. Năm nay, phần lớn các hợp đồng không sử dụng đồng USD với người bán ở Nga, chỉ có một trường hợp được ghi nhận ở UAE.

Đầu năm nay, Ấn Độ và UAE đã ký một thỏa thuận về giao dịch bằng đồng nội tệ. Theo đó, một nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ đã mua lô dầu thô đầu tiên của UAE bằng đồng Rupee. Brazil và Trung Quốc cũng đã tiến hành giao dịch hàng hóa bằng tiền tệ quốc gia đầu tiên cho một lô hàng bột giấy của Brazil.

Tháng 11, Trung Quốc và Saudi Arabia đã ký một thỏa thuận hoán đổi nội tệ trị giá 50 tỷ Nhân dân tệ (7 tỷ USD) để tăng cường quan hệ tài chính và mở rộng việc sử dụng đồng nội tệ giữa các quốc gia.

Tỷ trọng của đồng USD trong tất cả các giao dịch trên thị trường ngoại hối được cho là dao động quanh mức 88%, điều này khiến đồng bạc xanh của Mỹ chiếm ưu thế rộng rãi trong thương mại và tài chính toàn cầu.

Theo Quỳnh Chi

VTV

Trở lên trên