MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án lọc dầu 4 tỷ USD Vũng Rô : 10 năm và… hơn thế nữa

Cách đây hai năm, Technostar Management Limited – chủ đầu tư dự án lọc dầu Vũng Rô – từng tuyên bố sẽ đưa nhà máy lọc dầu vào hoạt động năm 2016 sau gần 10 năm trì hoãn, nhưng việc xây dựng nhà máy đến thời điểm này còn… chưa bắt đầu.

Gần 10 năm trễ hẹn

Như vậy là đã gần 10 năm, kể từ năm 2008, khi dự án lọc dầu Vũng Rô được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy. Trong văn bản công bố chương trình hành động nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư thuộc khu kinh tế Nam Phú Yên, Tỉnh ủy Phú Yên đã đặt mục tiêu sẽ cố gắng hỗ trợ để nhà đầu tư có thể tiến hành khởi công xây dựng nhà máy trong năm nay.

Như vậy, nếu đúng như dự tính của lãnh đạo địa phương, dự án lọc dầu Vũng Rô có sớm cũng phải cuối năm 2018 mới đi vào hoạt động. Theo Vũng Rô Petroleum – Cty được Technostar Management Limited thành lập ở Việt Nam để đầu tư dự án, nhà máy lọc dầu này có tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD và công suất hàng năm là 8 triệu tấn dầu thô, lớn hơn công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện tại, nhưng nhỏ hơn so với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Dự án có diện tích đất sử dụng là 538 ha, trong đó đất xây dựng nhà máy 404 ha, đất mặt bằng xây dựng cảng Bãi Gốc 134 ha. Ngoài ra, Vũng Rô Petroleum cũng được phê duyệt sử dụng từ 500 ha đến 1.300 ha diện tích mặt nước.

Nếu tính về tác động kinh tế, lọc dầu Vũng Rô chính là dự án được kỳ vọng lớn nhất sẽ thay đổi toàn bộ nền kinh tế của một tỉnh nghèo như Phú Yên trong tương lai. Đó là lý do vì sao các lãnh đạo tỉnh Phú Yên trong gần một thập kỷ qua luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho dự án này, thậm chí còn hỗ trợ nhà đầu tư để xin Chính phủ phê duyệt những chính sách ưu đãi lớn dành cho dự án. Theo ước tính của tỉnh Phú Yên, nếu đi vào hoạt động, dự án này sẽ đóng góp cho ngân sách hàng năm khoảng 110 triệu USD, và tạo ra khoảng 1.300 việc làm.

Thế nhưng tiến độ thực hiện dự án lại không đáp ứng được kỳ vọng của địa phương. Những gì mà nhà đầu tư làm được cho đến nay là một lễ động thổ để tiến hành xây dựng cảng Bãi Gốc tháng 9/2014 và hoàn tất các công đoạn khảo sát, tìm đối tác chuyển giao công nghệ lọc dầu và ký hợp tác với nhà thầu xây dựng nhà máy. Nhưng ngay cả việc xây dựng cảng Bãi Gốc thì từ tháng 9/2014 đến nay cũng chưa thực sự bắt đầu.

Nguyên nhân từ đâu?

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án đầu tư ở Việt Nam bị chậm là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, và dự án lọc dầu Vũng Rô cũng không phải là một ngoại lệ. Văn bản của Tỉnh ủy Phú Yên đưa ra định hướng thúc đẩy dự án lọc dầu Vũng Rô nêu rõ việc giải phóng 404 ha phần đất xây dựng nhà máy lọc dầu vẫn còn quá chậm và chưa hoàn thành.

Thực tế phần diện thích được giải phóng mặt bằng mới chỉ là 134 ha dành để xây dựng khu vực cảng Bãi Gốc. Riêng đối với khu vực xây dựng nhà máy với diện tích 404 ha, tỉnh cũng chỉ dự kiến sẽ hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong mùa hè này để nhà đầu tư sớm khởi công xây dựng nhà máy trong năm 2016.

Thế nhưng nếu như có giao hết mặt bằng thì liệu nhà đầu tư có tiến hành xây dựng nhà máy ngay không? Câu trả lời là chưa chắc chắn, bởi Technostar Management Limited đã có đủ mặt bằng để xây dựng cảng Bãi Gốc từ năm 2014, nhưng đến nay việc xây dựng cảng cũng chưa được thực hiện.

Có một lý do Technostar Management Limited không nói ra, nhưng nếu nhìn vào bối cảnh kinh tế thế giới thời gian qua sẽ có thể hiểu được. Khi nhà đầu tư nhận giấy chứng nhận đầu tư cho dự án lọc dầu Vũng Rô năm 2008, đó là thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu và Technostar Management Limited cũng đã lấy lý do đó để giải thích cho sự trì hoãn của mình. Còn khi dự án bắt đầu bước vào giai đoạn xây dựng thì nền kinh tế Nga bắt đầu rơi vào khủng hoảng. Dù có trụ sở chính là tại Anh, nhưng Technostar Management Limited lại do một nhóm nhà đầu tư từ Nga lập ra để đầu tư vào Việt Nam, đứng đầu là doanh nhân Kirill Korolev, người hiện tại cũng đang là giám đốc điều hành của Vũng Rô Petroleum. Nên có thể hiểu nguồn vốn đầu tư vào lọc dầu Vũng Rô đến từ Nga.

Vì vậy, khi kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng do chịu sự trừng phạt kinh tế từ EU, đồng rúp Nga mất giá thảm hại. Đồng rúp mất giá, có nghĩa là chi phí mà các nhà tư mang ra nước ngoài đầu tư sẽ lớn hơn rất nhiều lần, và làm tăng tổng mức đầu tư dự án lên cao hơn. Điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng tài chính của nhà đầu tư cũng như lợi nhuận sau này.

Chỉ tính riêng trong năm 2014, đồng rúp đã mất giá gần 53% so với đồng USD, từ mức 32,8 rúp đổi 1 USD xuống mức 61,4 rúp đổi một USD. Vào thời điểm này vẫn còn ở mức 64 rúp đổi 1 USD, tức là thấp hơn nhiều so với thời điểm năm 2014. Có lẽ đây mới là nguyên nhân khiến cho dự án lọc dầu Vũng Rô tiếp tục bị trì hoãn trong hai năm qua.

Hàng loạt các siêu dự án, dự án tỷ đô vào Việt Nam, thuê đất… xí phần rồi để đó. Điều này không chỉ làm hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài khác mà còn tạo tiền lệ xấu cho môi trường kinh doanh, sự minh bạch và quyền bình đẳng cho các DN trong nước. Bắt đầu từ số này, D Đ DN sẽ “điểm mặt” những dự án đó như một lời cảnh báo với các nhà đầu tư FDI khác.

Theo Ninh Kiều

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên