MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định gì về hưởng BHXH một lần?

02-07-2023 - 12:03 PM | Xã hội

Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) đánh giá kỹ tác động đối với quy định hưởng BHXH một lần

Bộ LĐ-TB-XH vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về Dự án Luật BHXH (sửa đổi).

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định gì về hưởng BHXH một lần? - Ảnh 1.

Bộ Tư pháp đề nghị đánh giá kỹ tác động đối với quy định hưởng BHXH một lần

Về BHXH một lần, Bộ LĐ-TB-XH cho biết có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.

Cơ sở thực tiễn là sau 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, tổng số lượt người hưởng BHXH một lần là khoảng 4,5 triệu lượt người, trong đó có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận BHXH một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia BHXH (chiếm gần 28% tổng số lượt người nhận BHXH một lần giai đoạn 2016-2022).

Do đó, về hưởng BHXH một lần, Ban soạn thảo đang có 2 phương án xin ý kiến (điểm đ khoản 1 Điều 77):

Phương án 1: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm".

Phương án 2: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.".

Trong báo cáo thẩm định Luật BHXH (sửa đổi) mới nhất, Bộ Tư pháp cho rằng việc đề xuất 2 phương án này vẫn còn một số bất cập và nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu được cặn kẽ ý nghĩa, mục đích của quy định mới, có thể làm phát sinh những phản ứng không tốt như quy định của Luật BHXH năm 2014. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ tác động và nêu quan điểm lựa chọn phương án.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng bản chất phương án 1 là quy định hiện hành đang thực hiện (Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13).

Đối với ý kiến đề nghị bỏ hoặc giảm điều kiện "sau 12 tháng" hiện hành đang thực hiện, Bộ LĐ-TB-XH bảo lưu quy định này trong dự thảo tại cả 2 phương án và cho biết đã có giải trình cụ thể tại báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương.

Về quy định hưởng BHXH một lần đối với người người lao động có dưới 20 năm đóng là quy định hiện hành đang áp dụng; việc giảm điều kiện hưởng lương hưu xuống 15 năm chỉ áp dụng đối tượng nghỉ hưu theo Điều 71, còn Điều 72 vẫn là đủ 20 năm.

Bộ LĐ-TB-XH cho biết tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng từng phương án và nghiên cứu các giải pháp truyền thông phù hợp đối với vấn đề này; đồng thời bổ sung giải pháp gia tăng quyền lợi của người lao động nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Cụ thể, bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 77 của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) theo hướng người lao động sau một năm nghỉ việc không nhận BHXH một lần mà tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH thì được hưởng bảo hiểm y tế do quỹ BHXH đóng, thời gian hưởng bảo hiểm y tế tối đa bằng thời gian đóng BHXH của người lao động.

Theo Văn Duẩn

nld.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên