MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo Luật Dân quân Tự vệ (sửa đổi): Tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp như thế nào?

Trước ý kiến của các Đại biểu Quốc hội xung quanh điều tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình trước Quốc hội.

Điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp (Điều 17) từng được các Đại biểu Quốc hội thảo luận trong kỳ họp thứ 7. Trong báo cáo giải trình, trước ý kiến đề nghị không tổ chức lực lượng tự vệ trong Doanh nghiệp, UBTVQH  nhận thấy việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp đã có tại Điều 19 Luật DQTV và các Nghị định của Chính phủ, quá trình thực hiện đã đạt được kết quả nhất định.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc này vẫn còn khó khăn, vướng mắc, nhất là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Trong thời bình chỉ tổ chức tự vệ ở một số doanh nghiệp, còn các doanh nghiệp khác phải đăng ký, quản lý người lao động trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV để sẵn sàng mở rộng lực lượng.

"Đối với doanh nghiệp có tổ chức Đảng do cấp ủy Đảng của doanh nghiệp lãnh đạo; các doanh nghiệp khác do cấp ủy Đảng khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp, khu công nghệ cao lãnh đạo. Các cấp ủy Đảng này đều chịu sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy Đảng địa phương. Do đó, để bảo đảm phù hợp với tình hình cụ thể, dự thảo Luật quy định chung "Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng" là phù hợp", báo cáo nêu rõ.

Về nhiệm vụ của DQTV, UBTVQH nhấn mạnh Điều 5 của dự thảo luật đã kế thừa Luật DQTV hiện hành, thể chế các nghị quyết, kết luận của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự Việt Nam, cụ thể hóa các quy định của Luật Quốc phòng có liên quan, thống nhất với vị trí, chức năng của DQTV. Nó phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở địa phương, cơ sở và phù hợp với trình độ của lực lượng này.

Về độ tuổi tham gia DQTV, UBTVQH nhấn mạnh dự thảo luật đã cơ bản kế thừa Luật DQTV hiện hành, đã thực hiện ổn định và thực tế không phải tất cả công dân trong độ tuổi đều được tuyển chọn tham gia DQTV.

Ngoài ra, việc quy định kéo dài độ tuổi và thời hạn nhằm khắc phục một số nơi thiếu người để tổ chức đơn vị DQTV và thu hút công dân có kinh nghiệm, khả năng vào phục vụ trong DQTV. Mặt khác, nhu cầu tuyển chọn công dân vào DQTV không lớn. Nếu tăng độ tuổi lên 5 năm và kéo dài thời hạn đến hết độ tuổi lao động sẽ không phù hợp với hoạt động quốc phòng, quân sự, phát sinh chi phí quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV.

Về tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV trong thời bình (Điều 11), có ý kiến đề nghị rà soát, quy định chặt chẽ Điều này để dễ thực hiện, bảo đảm tính khả thi; có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thời gian tạm hoãn.

UBTVQH thấy rằng, dự thảo Luật đã kế thừa Luật DQTV hiện hành nhưng đã mở rộng diện tạm hoãn, miễn phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự và vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này, không ảnh hưởng đến quyền học tập, làm việc của công dân, bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Khi không còn điều kiện tạm hoãn thì công dân phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV.

Về chế độ, chính sách đối với DQTV bị ốm, bị tai nạn, bị chết, bị thương, hy sinh (Điều 35), UBTVQH thấy rằng, thực tế hiện nay DQTV thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn có tình hình an ninh, chính trị phức tạp, sẵn sàng đối mặt với các tình huống nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của mình; một số trường hợp đã bị thương nhưng không được hưởng chế độ, chính sách như thương binh là không công bằng. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho tiếp thu và chỉnh lý như dự thảo Luật.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên