MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu mỏ năm 2021 tăng mạnh nhất kể từ 2009

01-01-2022 - 07:10 AM | Thị trường

Giá dầu mỏ năm 2021 tăng mạnh nhất kể từ 2009

Giá dầu sắp khép lại một năm tăng mạnh nhất trong vòng 12 năm, được thúc đẩy bởi kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh mẽ - thoát khỏi giai đoạn sụt giảm thê thảm trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, và sự kiềm chế của các nước sản xuất dầu chủ chốt, nggay cả khi số ca nhiễm virus gia tăng kỷ lục trên khắp thế giới.

Sáng 31/12/2021, giá dầu giảm so với phiên liền trước. Theo đó, Brent giảm 86 US cent, tương đương 1,1%, xuống 78,67 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas – Mỹ (WTI) giảm 80 cent, tương đương 1%, xuống 76,19 USD/thùng.

Sau khi tăng mạnh mấy phiên liên tiếp, giá dầu ngày 31/12 đã chững lại khi số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt lên mức cao kỷ lục mới trên toàn cầu, ở khắp nơi từ Australia đến Mỹ, do khả năng lây lan mạnh mẽ của biến thể Omircon.

Mặc dù giảm trong phiên này, song giá hiện vẫn ở sát mức cao kỷ lục nhiều tháng, và tính chung cả năm 2021, giá dầu Brernt tăng 53%, trong khhi dầu WTI tăng 57%, cả hai đều tăng mạnh nhất kể từ năm 2009 – năm có mức tăng hơn 70%.

Giá dầu mỏ năm 2021 tăng mạnh nhất kể từ 2009 - Ảnh 1.

Nhiều yếu tố hậu thuẫn giá tăng...

Nhà kinh tế trưởng Craig James của CommSec cho biết: "Chúng ta đã phải chịu đựng Delta và Omicron và tất cả các hình thức phong tỏa và hạn chế đi lại, nhưng nhu cầu dầu vẫn tương đối ổn định.

Vào những ngày cuối năm, thị trường dầu mỏ đón nhận nhiều thông tin nhiều chiều, là lý do khiến giá liên tục dao động.

Nhà phân tích dầu mỏ Giovanni Staunovo của UBS cho biết: "Sự hỗ trợ cho giá dầu đến từ việc sản xuất bị gián đoạn đồng thời ở Ecuador, Libya và Nigeria và khả năng dự trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm mạnh".

Ba nhà sản xuất dầu mỏ - Ecuador, Libya và Nigeria - đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng trong tháng 12 đối với một phần sản lượng dầu của họ vì các vấn đề bảo trì và ngừng hoạt động tại một số mỏ dầu.

Trong khi đó, dữ liệu của Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô tại nước này trong tuần tới 24/12 giảm 3,6 triệu thùng, xuống 420 triệu thùng, nhiều hơn mức dự đoán của các nhà phân tích là giảm 3,1 triệu thùng. Dự trữ xăng cũng giảm 1,5 triệu thùng xuống 222,6 triệu thùng, trái ngược với dự đoán là tăng 0,5 triệu thùng.

Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 đang tăng mạnh mẽ, song biến thể Omicron được cho là không gây diễn biến nặng ở người nhiễm như các biến thể trước. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid hôm 27/12 cho biết nước Anh sẽ không phải đối mặt với bất kỳ biện pháp hạn chế COVID-19 mới nào trong dịp cuối năm 2021 – đầu năm 2021 vì chính phủ đang chờ có thêm bằng chứng về việc liệu dịch vụ y tế có thể đối phó với tỷ lệ nhiễm trùng tăng cao hay không.

... cũng không ít yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu

Mặc dù biến thể Omicron không gây diễn biến nặng ở sức khỏe người nhiễm như Delta, song tình trạng thiếu nhân viên do Omicron gây ra đã dẫn đến hàng nghìn chuyến bay ở Mỹ bị hủy vào cuối tuần lễ Giáng sinh, ảnh hưởng đáng kể tới nhu cầu nhiên liệu bay. Biến thể Omicron có nguy cơ gây quá tải ở các bệnh viện của Mỹ và ngăn chặn các kế hoạch du lịch của người dân.

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo người dân nước này cần chuẩn bị cho khả năng vài tuần tới sẽ có những biện pháp chống dịch mới vì tỷ lệ nhiễm trùng có thể trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh gia tăng số người đi du lịch trong kỳ nghỉ cuối năm, lễ kỷ niệm Năm mới và trường học mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ đông.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, số ca nhiễm virus có triệu chứng đã liên tiếp tăng trong những ngày gần đây, khiến số địa phương bị phong tỏa cũng tăng lên.

Là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, mới đây Trung Quốc đã hạ 11% hạn ngạch nhập khẩu dầu đợt đầu tiên của năm 2022 đối với các nhà máy lọc dầu độc lập. Một nhà phân tích có trụ sở ở Singapore cho biết: "Tâm lý thị trường sụt giảmdo lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể có những hành động nghiêm khắc hơn đối với các nhà máy lọc dầu", ý muốn nói đến các nhà máy lọc dầu độc lập.

Mặt khác, dữ liệu từ Mỹ công bố ngày 30/12 cho thấy sản lượng dầu của nước này tháng 10 đã tăng 6% so với tháng liền trước do sản lượng tăng vọt ở Vịnh Mexico sau khi khu vực này hồi phục nhanh sau các cơn bão.

Triển vọng giá dầu trong năm mới

Các nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp của OPEC + sẽ diễn ra vào ngày 4 tháng 1, tại đó liên minh này sẽ quyết định có tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày vào tháng 2/2022 hay không.

John Kilduff, nhà quản lý của Again Capital Management – trụ sở ở New York, gợi mởt: "Chúng ta đã thấy nhu cầu cực kỳ mạnh mẽ cho đến tháng 12. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là OPEC sẽ làm gì". Ông Kilduff hy vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh của tổ chức này, được gọi là OPEC +, sẽ tiếp tục từng bước bổ sung vào sản lượng.

Cho đến lúc này, các nguồn tin đều cho biết chưa thấy có động thái nào về việc OPEC + sẽ thay đổi lộ trình. Tại cuộc họp gần đây nhất, ngày 2/12, OPEC + vẫn giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng trong tháng 1 bất chấp sự xuất hiện và lây lan của biến thể Omicron và lo ngại rằng Mỹ sẽ giải phóng kho dự trữ dầu thô – có thể dẫn đến giá dầu giảm.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 29/12 cho biết OPEC + đã từ chối các lời kêu gọi từ Washington để tăng sản lượng hơn nữa vì họ muốn cung cấp cho thị trường đường lối rõ ràng và không đi chệch khỏi chính sách.

Các nhà phân tích và các nguồn tin doanh nghiệp cho biết Nga khó có thể đạt được mục tiêu về lại mức sản lượng dầu trước đại dịch vào tháng 5 năm tới do thiếu năng lực sản xuất dự phòng, mà có thể chậm hơn mốc đó một năm.

Mỹ đã nhiều lần hối thúc OPEC + đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng khi giá xăng dầu của Mỹ tăng vọt và xếp hạng tín nhiệm của Tổng thống Joe Biden giảm. Để chống lại tình trạng giá năng lượng tawngm vào tháng 11, Washington cho biết họ và những nước tiêu dùng lớn khác sẽ giải phóng lượng dự trữ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc giải phóng kho dự trữ chiến lược cũng sẽ chỉ có tác động hạn chế trong ngắn hạn đến thị trường.

Tham khảo: Reuters, Bloomberg, Oilworld

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên