MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá quặng sắt Châu Á "lúc nóng lúc lạnh"

30-06-2021 - 06:52 AM | Thị trường

Giá quặng sắt Châu Á "lúc nóng lúc lạnh"

Giá quặng sắt Châu Á đang diễn biến thất thường. Sau 4 phiên liên tiếp tăng, giá phiên vừa qua đảo chiều giảm do nhu cầu thép của Trung Quốc giảm bởi thời tiết bất lợi còn chính phủ nước này liên tiếp đưa ra các biện pháp can thiệp nhằm hạ nhiệt giá kim loại.

Kết thúc phiên giao dịch vừa qua (29/6), giá quặng sắt kỳ hạn tham chiếu (tháng 9/2021) giao dịch trên sàn Đại Liên giảm 2,7% so với phiên trước đó, xuống 1.153 nhân dân tệ (178,57 USD)/tấn. Đây là phiên giảm đầu tiên sau 4 phiên liên tiếp tăng.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 7 – hợp đồng giao dịch nhiều nhất – trên sàn Singapore phiên này cũng giảm 2,3% xuống 207,75 USD/tấn.

Công ty tư vấn Mysteel, hãng cung cấp dữ liệu của Trung Quốc, cho biết nguyên nhân giá giảm là bởi nhu cầu vật liệu xây dựng yếu đi. Trong khi đó, các nhà phân tích của Sinosteel Futures cho biết giao dịch hợp kim đen cũng bị ảnh hưởng bởi việc các nhà máy thép được lệnh hạn chế hoặc tạm ngừng hoạt động để giảm thiểu khói bụi trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Xu hướng giá giảm cũng diễn ra ở thị trường thép phế liệu. Dữ liệu của Mysteel cho thấy giá thép phế ở Trung Quốc tuần 18-25/6/2021 cũng quay đầu giảm 14,9 CNY (2,3 USD) / tấn so với tuần trước đó, xuống 3.700,8 CNY/tấn (đã bao gồm VAT).

Giá quặng sắt Châu Á lúc nóng lúc lạnh - Ảnh 1.

Giá các loại quặng sắt tại Trung Quốc (hợp đồng giao ngay, USD/tấn)

Khối lượng giao dịch thép xây dựng hàng ngày ở thị trường này, bao gồm thép cây và các loại thép cuộn (wire rod và bar-in-coil) của 237 thương nhân Trung Quốc tham gia cuộc khảo sát của Mysteel cho thấy đã giảm 17.608 tấn xuống 193.481 tấn vào ngày 29/6 do thời tiết nóng ẩm.

Thanh khoản quặng sắt trên sàn Đại Liên hiện thấp hơn 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi các cơ quan giám sát thị trường của Trung Quốc nhắc lại cảnh báo đối với hành vi đầu cơ tích trữ.

Mặc dù các nhà máy thép Trung Quốc đang giảm tốc độ mua quặng sắt do hoạt động xây dựng và chế tạo đang vào mùa thấp điểm, nhưng việc lượng quặng lưu kho ở cảng biển giảm làm gia tăng lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung sẽ tiếp diễn.

Atilla Widnell, giám đốc điều hành của Navigate Commodities ở Singapore cho biết: "Xuất khẩu quặng sắt từ Australia trong tháng 6 đã gây thất vọng, khiến cán cân cung – cầu trên toàn cầu lại bị thắt chặt, chưa kể tới một vài sự cố ở Brazil".

Australia và Brazil là những nước sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới. Nguồn cung của Brazil vẫn bị kìm hãm bởi những hạn chế hoạt động đối với các mỏ quặng do lo ngại về sự an toàn.

Trong bối cảnh thị trường có những yếu tố tác động trái chiều như hiện nay, Howie Lee, nhà kinh tế thuộc Ngân hàng OCBC ở Singapore, cho biết: "Giá (quặng sắt) trong 6 tháng tới có thể giảm do sự can thiệp tích cực của Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng giá (quặng sắt) sẽ vọt lên mức 250 USD/tấn khi các khách hàng Trung Quốc tìm cách bổ sung hàng dự trữ cho những kho hàng đã cạn kiệt của mình".

Trên thực tế, giá quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu giao ngay tại cảng biển Trung Quốc vẫn duy trì trên 200 USD/tấn trong suốt 4 tuần qua, bất chấp những nỗ lực hạ nhiệt giá của Chính phủ Trung Quốc.

Giá quặng sắt Châu Á lúc nóng lúc lạnh - Ảnh 2.

Tương quan giữa lượng quặng sắt lưu kho ở cảng biển Trung Quốc và giá quặng sắt giao ngay

Về triển vọng giá sắt thép ngắn hạn, nhà phân tích thị trường Fitch Solutions cho biết: "Giá quặng sắt vẫn có cơ sở tăng trong bối cảnh nhu cầu mạnh từ lĩnh vực thép và những vấn đề về nguồn cung của các nhà sản xuất lớn trên thế giới".

Tuy nhiên, Fitch cũng lưu ý rằng sự cải thiện về nguồn cung và tiêu thụ của lĩnh vực hạ nguồn giảm xuống do giá cao sẽ cản trở giá tăng mạnh trong thời gian tới".

Trong bối cảnh lĩnh vực sắt thép Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa phát triển, Tập đoàn Baowu của Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, mới đây cho biết họ sẽ hợp tác với Vale và Shandong Xinhai Technology để sản xuất nguyên liệu thép không gỉ nickel gang (NPI) ở Indonesia.

Tham khảo: Mysteel, Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên