MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá quặng sắt đảo chiều tăng, kết thúc chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp

09-11-2021 - 13:35 PM | Thị trường

Giá quặng sắt đảo chiều tăng, kết thúc chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp

Giá quặng sắt trên thị trường Châu Á hồi phục trong phiên 8/11, kết thúc chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp so hoạt động bán tháo, mặc dù mức tăng trong phiên này không lớn.

Mặc dù giá tăng trong phiên này nhưng cũng chưa chạm tới ngưỡng 100 USD/tấn, trong bối cảnh hoạt động giao dịch còn nhiều bất ổn do nhu cầu của Trung Quốc yếu và lượng quặng sắt tồn trữ ở mức cao.

Kết thúc phiên 8/11, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1 giao dịch trên sàn Đại Liên tăng 1,4% lên 570,5 CNY (89,17 USD)/tấn. Quặng sắt giao tháng 12 trên sàn Singapore cũng tăng 0,5% lên 91,95 USD/tấn vào lúc đóng cửa phiên này, sau khi có lúc trong cùng phiên giảm 2,2% xuống 89,45 USD.

Trên thị trường trong nước, giá thép gần đây có xu hướng tăng trở lại. Từ ngày 18/10 đến 28/10/2021, các doanh nghiệp thép trong nước đã có hai đợt điều chỉnh, với tổng mức tăng từ 1.070 đồng/kg – 1.310 đồng/kg tùy từng loại sản phẩm và thương hiệu. Nguyên nhân của việc tăng giá, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), là bởi ảnh hưởng của chi phí đầu vào trên thị trường toàn cầu, với giá nhiên liệu và nguyên liệu thép đều tăng diễn biến phức tạp theo xu hướng trong những tháng qua. Mặc dù giảm gần đây, song giá quặng sắt vẫn cao hơn nhiều so với những năm trước.

Giá quặng sắt hàm lượng 62% của Australia nhập khẩu tới Trung Quốc đã giảm hơn 140% từ mức cao kỷ lục 232,50 USD/tấn vào tháng 5, do nhu cầu của Trung Quốc giảm. Hiện quặng sắt 62% của Australia được giao dịch ở mức 94,50 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020, theo công ty tư vấn SteelHome.

Giá quặng sắt đảo chiều tăng, kết thúc chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp - Ảnh 1.

Giá quặng sắt Australia nhập khẩu vào Trung Quốc.

Giá thép trên sàn Thượng Hải phiên này cũng đồng loạt tăng, với thép thanh vằn kỳ hạn giao sau trên sàn Thượng Hải tăng 2,6%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,4%, riêng thép không gỉ gần như không thay đổi. Than luyện cốc và than cốc – nguyên liệu khác trong sản xuất thép, cũng tăng lần lượt 0,5% và 1,7% trong cùng phiên.

Dữ liệu của SteelHome cho thấy quặng sắt nhập khẩu đang tích tụ ở các cảng Trung Quốc kết thúc tuần qua đạt mức cao nhất trong vòng 31 tháng, là 145,10 triệu tấn, góp phần làm tăng thêm áp lực giảm giá.

Atilla Widnell, giám đốc điều hành của Navigate Commodities, trụ sở tại Singapore, cho biết ông đã điều chỉnh mục tiêu về giá trong ngắn hạn lên 97,92 - 101,16 USD/tấn, CFR Trung Quốc, từ mức mức 91,18 - 101,24 USD đưa ra trước đây, do thị trường quặng sắt có dấu hiệu đã bị bán quá mức.

Xuất khẩu quặng sắt của Australia và Brazil trong tuần qua giảm khoảng 4,5 triệu tấn so với tuần trước đó, theo dữ liệu cua Navigate. Ông Widnell cho rằng: "Việc Australia giảm xuất khẩu quặng sắt có thể là một dấu hiệu cho thấy sản lượng nguyên liệu thép này từ các nhà sản xuất có chi phí cận biên cao đang bị ảnh hưởng bởi giá quặng sắt giảm xuống tương đối thấp trong thời gian gần đây.

Tâm lý chung của thị trường cũng đang được cải thiện sau khi dữ liệu cho thấy nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới - Trung Quốc – có mức xuất khẩu trong tháng 10 mặc dù chậm lại song vẫn cao hơn dự kiến của các nhà phân tích do nhu cầu trên toàn cầu được cải thiện.

Thị trường sắt thép gần đây đã hạ nhiệt do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và các biện pháp chống ô nhiễm khí phát thải mạnh mẽ ở nước này.

Nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm 4,2%, là tháng giảm thứ hai liên tiếp, do sản lượng thép hạn chế làm suy yếu nhu cầu đối với nguyên liệu thô.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, nước tiêu thụ quặng sắt hàng đầu thế giới đã nhập khẩu 91,61 triệu tấn quặng sắt trong tháng vừa qua, giảm so với mức 95,61 triệu trong tháng 9. So với tháng 10/2020, nhập khẩu trong tháng qua cũng giảm 14,2% sau khi chính phủ thực hiện các biện pháp kiểm soát môi trường và nhu cầu đối với các sản phẩm thép suy yếu.

"Trong vài năm tới, các biện pháp kiểm soát tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc sẽ tiếp tục đè nặng lên sản lượng thép thô của nước này và cũng ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu quặng sắt", công ty GF Futures nhận định trong một bản tin gửi tới khách hàng của mình.

Giá quặng sắt kỳ hạn tham chiếu trên sàn Đại Liên đã giảm một nửa so với mức cao kỷ lục 1.227 CNY (191,90 USD)/tấn hồi giữa tháng 5.

GF Futures dự kiến ​​nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc sẽ giảm 5% đến 7% trong nửa cuối năm do sản lượng thép giảm.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 933,48 triệu tấn quặng sắt, giảm 4,2% hàng năm. Xuất khẩu thép của nước này trong tháng 10 là 4,5 triệu tấn, giảm 8,5% so với tháng trước đó, nhưng tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu thép cùng tháng giảm 10% trong tháng, xuống 1,13 triệu tấn, so với 1,93 triệu tấn nhập khẩu cùng tháng năm trước.

Cục diện thị trường thép thế giới có thể sẽ có nhiều thay đổi sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chấm dứt mâu thuẫn về thuế thép và nhôm. EU và Mỹ cho rằng tình trạng sản xuất quá nhiều ở Trung Quốc đang đe doạ sự sống còn của ngành công nghiệp thép của họ.

Ngày 31/10, Mỹ và EU đã đạt được thỏa thuận ‘đình chiến’ đối với 2 kim loại này, đồng thời khẳng định sẽ làm việc với nhau để đạt được một thoả thuận toàn cầu nhằm đối phó với tình trạng sản xuất dư thừa trong ngành này. Theo thoả thuận, Washington sẽ miễn thuế cho phép các nước EU tiếp cận miễn thuế thị trường Mỹ với khối lượng tương ứng mức trước khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp thuế năm 2018. Đổi lại, EU bỏ áp thuế trả đũa lên các mặt hàng Mỹ như rượu mạnh, tàu điện và mô tô Harley-Davidson.

Không chỉ quay về nguyên trạng trước năm 2018, Mỹ và EU còn lên kế hoạch đối phó với mối đe doạ về biến đổi khí hậu và tình trạng dư thừa sản xuất trong ngành này – một trong những nguồn phát thải CO2 lớn nhất thế giới.

Sau thỏa thuận với EU, Mỹ đang tiến hành các cuộc đàm phán sơ bộ về tương lai của thuế thép và nhôm giữa Mỹ và Nhật Bản, cũng nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng dư thừa năng lực phi thị trường.

Đây sẽ là một thách thức với Trung Quốc, nước sản xuất hơn một nửa lượng thép của thế giới, và có thể tác động gây áp lực giảm giá lâu dài cho giá sắt thép tại Trung Quốc.

Tham khảo: Reuters, Metalbulletin


Vân Chi

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên