MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải tỏa áp lực vốn bằng “chứng khoán”

Trong tất cả những yếu tố làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trước hết phải kể tới việc lãi suất cho doanh nghiệp vay cao so với khu vực và thế giới.

Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về "Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020" và Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ đã nêu trách nhiệm đối với các bộ, ngành, địa phương một cách rõ ràng, cụ thể hơn nhiều so với các năm trước đây. Đồng thời xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm gắn với 41 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, 114 chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh toàn cầu, 85 chỉ tiêu về đổi mới sáng tạo và 10 chỉ tiêu về chính phủ điện tử.

Hội nhập quốc tế sâu rộng đang tạo ra những cơ hội thuận lợi chưa từng có cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, hội nhập cũng đặt doanh nghiệp trong nước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt và ở nhiều khía cạnh là chưa cân sức. Chưa cân sức về vốn, quy mô, nguồn nhân lực cao, về công nghệ tiên tiến, về quản trị doanh nghiệp hiện đại... Chưa cân sức giữa những doanh nghiệp khổng lồ quốc tế đã có thâm niên vài chục, thậm chí vài trăm năm và doanh nghiệp Việt Nam đa số còn nhỏ và vừa và cũng đa phần mới thành lập từ 2007 tới nay...

Về những yếu tố làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trước hết phải kể tới việc lãi suất cho doanh nghiệp vay cao so với khu vực và thế giới. Thống kê cho thấy năm 2016, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt nam vay ngân hàng xoay quanh lãi suất 9%/năm. Trong khi đó, doanh nghiệp Đài Loan vay với lãi suất 2%/năm, lãi suất của doanh nghiệp Nhật Bản xoay quanh 1%/năm...

Tại hội nghị "Thủ tướng gặp doanh nghiệp" ngày 17/5/2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Trí Dũng cho biết: "Lãi suất bình quân của Việt Nam hiện nay là 7 - 9%/năm trong khi Trung Quốc chỉ 4,3%/năm và Malaysia 4,6%/năm".

Trước đó ngày 8/11/2016, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 24/2016/QH14 đã chỉ đạo giao ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2020 giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm Asean-4.

Điều quan trọng nhất hiện nay là cần phải đưa lãi suất cho doanh nghiệp Việt Nam vay trở về mức ngang bằng với khu vực và thế giới. Để làm được điều này, hệ thống ngân hàng sẽ phải xem lại và trả lời hàng loạt câu hỏi, như vì sao ngân hàng các nước trong khu vực phát triển tốt với lãi suất cho doanh nghiệp vay thấp, nhờ nguồn thu từ đâu, liệu có phải từ dịch vụ, từ đổi mới khoa học công nghệ ngân hàng...

Để có thể giảm được lãi suất cho vay, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam cần điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao..., giảm bớt tín dụng cho khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Muốn điều chỉnh cơ cấu tín dụng, ngân hàng phải thay đổi căn bản cách thức cho vay. Tiến hành cho vay chủ yếu theo quản lý dòng tiền, hình thức thế chấp chỉ xem là phụ.

Quan sát nhiều ngân hàng quốc tế thành lập ở Việt Nam: HSBC, ANZ, Standacharterbank, ... nguồn thu của các ngân hàng này chiếm phần lớn từ cho vay lĩnh vực tiêu dùng; dịch vụ Master Card, Visa Card... phần cho vay doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất ít.

Cách thức kinh doanh của ngành ngân hàng Việt Nam cũng cần phải thay đổi, gia tăng khoa học công nghệ, đi sâu mảng dịch vụ, lĩnh vực tiêu dùng; hiện nay mảng kinh doanh này đang bị các Công ty tài chính Quốc tế như Home Credit (cho vay tín dụng tiêu dùng) cũng như các ngân hàng Quốc tế ở Việt Nam tăng thị phần lên rất cao; lấn áp ngân hàng Thương mại nhờ thái độ trân trọng khách hàng; nhờ khoa học công nghệ, quản trị hiện đại, tiên tiến. Nhiều trường hợp tính tổng cộng tại các ngân hàng này; tính tổng cộng chi phí - lãi suất cho vay tăng rất cao, từ 10% -> 20%/năm, nhưng người tiêu dùng vẫn vui vẻ chấp nhận.

Để có thể giảm được lãi suất cho doanh nghiệp vay bằng với khu vực và thế giới, bên cạnh sự cải cách quyết liệt của hệ thống ngân hàng: cải cách phương thức cho vay; cải cách phương thức kinh doanh (nếu chỉ hệ thống ngân hàng không đủ để giảm lãi suất), Chính phủ cần giao trách nhiệm cho Bộ tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước tập trung phát triển nhanh thị trường chứng khoán. Đây chính là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện nay, theo số liệu báo cáo của Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Tổng vốn huy động qua thị trường chứng khoán đến 31/12/2016 đạt 2 triệu tỷ VNĐ; trong đó cổ phiếu chiếm 50%, trái phiếu chiếm 50% (84% là trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương, 165 là trái phiếu doanh nghiệp.)

Từ các số liệu nghiên cứu cho thấy, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng chiếm tỷ trọng xoay quanh 50% cung ứng vốn cho xã hội; sử dụng vốn từ thị trường chứng khoán chiếm tỷ trọng trên 25%. Do đó, áp lực vay ngân hàng của doanh nghiệp rất cao.

Ngày 3/1/2017 tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2017 tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết qua 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, cung ứng 25% vốn cho nền kinh tế. Mức vốn hóa thị trường bao gồm cả trái phiếu và cổ phiếu năm 2016 tương đương với 74% GDP, tăng hơn 35% so với năm 2015.

Tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng tính đến 31/3/2017 là: 2.219.712 triệu đồng. Trong khi tại các nước tiên tiến, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng chỉ cung ứng vốn cho xã hội khoảng 30%, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán trên 60% cung ứng vốn cho xã hội (trong đó phần lớn doanh nghiệp hoạt động sử dụng nguồn vốn này); khi doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn từ thị trường chứng khoán chi phí rất thấp, lại không bị áp lực trả nợ.

Để có thể phát triển mạnh mẽ thị trường chứng khoán Việt Nam; ngoài sự nỗ lực của nhà nước và ngành chức năng; một nhân tố hết sức quan trọng là Doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi cách thức quản trị doanh nghiệp; từ việc đa phần quản trị Công ty theo hình thức nội bộ, gia đình cần cấp bách chuyển sang quản trị doanh nghiệp hiện đại, tiên tiến.

Nhìn nhận vấn đề quan trọng này, tại báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 của VCCI đã chọn chủ đề năm là “Quản trị Công ty”.

Hướng đến Quản trị doanh nghiệp hiện đại, tiên tiến, phù hợp chuẩn mực thông lệ quốc tế.

Thực tế đã chứng minh tại nhiều đơn vị thành công của Việt Nam phát triển bền vững các năm qua, trong số đó: VNM, FPT, TDH, DHG, Kinh Đô, DRH, SSI..., việc nâng cao hiệu quả quản trị công ty đem lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích và cơ hội, tiến đến niêm yết sớm trên thị trường chứng khoán, sử dụng vốn huy động trên thị trường chứng khoán thay cho sử dụng vốn từ hệ thống ngân hàng chi phí cao và áp lực trả nợ lớn.

Thực hành quản trị công ty tốt là nhân tố hết sức quan trọng trong cạnh tranh quốc tế, tạo niềm tin cho các cổ đông, nâng cao khả năng huy động vốn từ thị trường.

Tính đến ngày 15/12/2016 số lượng công ty đại chúng là 1.829 đơn vị, trong đó có 319 công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) ; 374 công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX); 391 Công ty đăng ký (ĐKGD) trên hệ thống giao dịch chứng khoán của các CTĐC chưa niêm yết (UPCOM) và 745 công ty chưa niêm yết ĐKKD. Như vậy, số tỷ lệ công ty niêm yết ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Con số này quá ít.

Từ toàn bộ phân tích trên đây, bên cạnh sự cần thiết cải cách hoạt động kinh doanh ngân hàng cho thấy sự cấp bách phải phát triển mạnh mẽ thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam thực hiện quản trị doanh nghiệp hiện đại, tiên tiến, cần công khai, minh bạch thông tin; niêm yết sớm trên thị trường chứng khoán Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vốn huy động từ thị trường chứng khoán, thay vì nguồn vốn từ vay hệ thống ngân hàng chi phí rất cao.

Theo CEO Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC), Ủy viên BCH Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Enternews

Trở lên trên