MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành cho doanh nghiệp đến hết năm 2023

Theo nghị định mới, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo nghị định mới chỉ còn 20 triệu đồng. Cùng với đó, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cũng giảm còn 50-100 triệu đồng.

Ngày 28/10, Chính phủ ban hành Nghị định 94 sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168 ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành. Theo đó, giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết ngày 31/12/2023.

Cụ thể, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 20 triệu đồng (mức cũ là 100 triệu đồng).

Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 50 triệu đồng (mức cũ là 250 triệu đồng);

Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài là 100 triệu đồng (mức cũ là 500 triệu đồng);

Và mức kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài là 100 triệu đồng (mức cũ là 500 triệu đồng).

Chính phủ giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, tổ chức thi hành Nghị định 94.

Ngoài giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, Chính phủ cũng yêu cầu ngân hàng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đã cấp cho doanh nghiệp, cấp mới giấy chứng nhận tiền ký quỹ theo mức ký quỹ nêu trên và hoàn trả số tiền chênh lệch giữa mức ký quỹ theo quy định tại Nghị định số 168 và Nghị định 94 cho doanh nghiệp kể từ ngày Nghị định 94 có hiệu lực (28/10/2021).

Cùng với đó, gửi danh sách, thông tin doanh nghiệp đã tiến hành đổi giấy chứng nhận tiền ký quỹ về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định trong thời gian 30 ngày kể từ ngày doanh nghiệp đổi giấy chứng nhận tiền ký quỹ.

Nghị định cũng nêu rõ, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành có trách nhiệm như sau:

Doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại Nghị định số 168 có thể đổi giấy chứng nhận theo mức quy định tại Nghị định 94 và gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đổi.

Từ ngày 1/1/2024, doanh nghiệp ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành phải đổi Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo mức ký quỹ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 168 và gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đổi.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp giữa Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và Bộ Y tế về phương án khởi động lại các hoạt động du lịch trong tương lai diễn ra ngày 14/10, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong 2 năm (2020, 2021), các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam đều sụt giảm nghiêm trọng.

Lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019. Khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thông tin, hiện nay, lượng doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành trên 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động.

Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch, lĩnh vực chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly.

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên