MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Hợp danh McKinsey Việt Nam chỉ ra điều thúc đẩy thu nhập đầu người Việt Nam tăng từ 3.000 USD lên 10.000 USD và cao hơn thế nữa!

Giám đốc Hợp danh McKinsey Việt Nam chỉ ra điều thúc đẩy thu nhập đầu người Việt Nam tăng từ 3.000 USD lên 10.000 USD và cao hơn thế nữa!

Vừa qua, bên lề hội thảo "Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức và chủ trì, Trí thức trẻ đã có buổi trò chuyện với ông Peter De Boeck, Giám đốc Hợp danh McKinsey Việt Nam.

Tại đây, ông Peter nhận định, các nhân tố góp phần thúc đẩy thu nhập đầu người trong xã hội đạt con số 3.000 USD khác xa so với các nhân tố giúp thu nhập đầu người tăng từ 3.000 USD lên 10.000 USD và cao hơn thế nữa.

Vậy những yếu tố khác biệt này là gì?

Giám đốc Hợp danh McKinsey Việt Nam chỉ ra điều thúc đẩy thu nhập đầu người Việt Nam tăng từ 3.000 USD lên 10.000 USD và cao hơn thế nữa! - Ảnh 1.

Việt Nam đang được đánh giá là một điểm nóng công nghiệp trong khu vực thời gian qua. Nhìn từ góc độ của ông, đâu là những dữ liệu thể hiện sự "nóng" này?

Đúng là mọi người đều thấy rõ, Việt Nam đang nổi lên như một điểm nóng công nghiệp trong khu vực, và thậm chí trong một số chuỗi cung ứng toàn cầu ở một mức độ nhất định.

Theo như các dự án nghiên cứu của chúng tôi, cùng với các tham số, thì Việt Nam đã và đang vươn lên một cách có hệ thống trên nhiều biểu đồ xếp hạng so với các nước khác.

Các yếu tố hỗ trợ có thể kể đến ở đây như: đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, các quy hoạch, kế hoạch đầu tư hữu hình của các tỉnh thành và của nhà nước để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam xét về hạ tầng cơ sở, và những nỗ lực phát triển công nghiệp với sự điều phối mạnh mẽ hơn…

Điều này cũng được thể hiện qua dữ liệu thực tế. GDP của Việt Nam đã và đang tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt khoảng 5% theo giá trị thực tế trong suốt 20 năm qua, nhanh hơn 1,7 lần so với mức bình quân của toàn cầu. Thậm chí trong năm 2020, khi đại dịch COVID-19 gây ra những đứt gãy nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng GDP khoảng 2,9%.

Giám đốc Hợp danh McKinsey Việt Nam chỉ ra điều thúc đẩy thu nhập đầu người Việt Nam tăng từ 3.000 USD lên 10.000 USD và cao hơn thế nữa! - Ảnh 2.

Trong lực lượng lao động của Việt Nam, tỷ lệ người có trình độ giáo dục cao hoặc trung cấp đã tăng từ 28% ở năm 2011 lên 41% ở năm 2020. Các doanh nghiệp trong nước đang phát triển năng lực lớn mạnh hơn, do đó cạnh tranh trong nước đang trở nên mạnh mẽ hơn, khi cạnh tranh trong nước chiếm 70% doanh số của Việt Nam trong ngành CPG (ngành hàng tiêu dùng).

Việt Nam cũng đang liên tục đầu tư để cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, nỗ lực đó giúp Việt Nam đạt được vị trí thứ 70 trong 190 quốc gia trên bảng xếp hạng năm 2020 của Ngân hàng Thế giới.

Như ông nói, đó là những nền tảng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Vậy còn đâu là những cơ hội để quá trình này tiếp tục phát huy?

Có thể nói, có 3 tầng cơ hội nếu làm tốt và nếu vượt qua được một số rào cản:

Đầu tiên là việc các doanh nghiệp nước ngoài tăng cường đầu tư vào các công ty con và các hội sở cấp độ khu vực đặt tại Việt Nam mở ra một cơ hội toàn diện. Nhân tài, tầng lớp trung lưu gia tăng… đều tạo lợi thế cho Việt Nam.

Trục phát triển thứ hai là nuôi dưỡng, phát triển các doanh nghiệp dẫn đầu trong nước để thực sự có được tầm vóc quốc tế hoặc khu vực. Việt Nam có một danh sách các doanh nghiệp trong nước đầy ấn tượng, với thành tích tăng trưởng và cơ hội trong nước đầy mạnh mẽ.

Cuối cùng là cơ hội từ tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Có cơ hội rồi, vậy còn rào cản với những cơ hội này thì sao?

Với cơ hội thứ nhất, thì rào cản ngôn ngữ và gánh nặng hành chính theo cảm nhận của doanh nghiệp là hai trong số những yếu tố cần vượt qua.

Tiếp theo, ngay cả khi có nhiều doanh nghiệp dẫn đầu, thì Việt Nam sẽ làm thế nào để biến các doanh nghiệp này thành các quán quân trong khu vực, thậm chí quán quân toàn cầu xét trên một số bình diện?

Và yếu tố thứ ba, xét một cách tổng thể, GDP vẫn cho thấy còn phụ thuộc quá nhiều vào một số ngành kinh tế. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xây dựng năng lực trong nước ở các ngành mà Việt Nam nên tích cực phát triển?

Giám đốc Hợp danh McKinsey Việt Nam chỉ ra điều thúc đẩy thu nhập đầu người Việt Nam tăng từ 3.000 USD lên 10.000 USD và cao hơn thế nữa! - Ảnh 3.

Hiện nay, nhiều sản phẩm công nghiệp phục vụ xuất khẩu của Việt Nam có quy mô lớn, nhưng tốc độ công nghiệp hóa và hiện đại hóa tại Việt Nam vẫn chậm. Vì sao lại như vậy?

Đây là một câu hỏi rất hay, và thật sự cần hiểu rõ để trả lời. Đó là bởi vì, nếu câu hỏi này không được giải đáp, thì thậm chí có thể gây phương hại đến sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Theo nghiên cứu, các nhân tố góp phần thúc đẩy thu nhập đầu người trong xã hội đạt con số 3.000 USD khác xa so với các nhân tố giúp thu nhập đầu người tăng từ 3.000 USD lên 10.000 USD và cao hơn thế nữa.

Trong giai đoạn tăng trưởng đầu tiên, chi phí nhân tố thấp (như chi phí lao động thấp, cơ chế thuế ưu đãi) là đủ để tiếp nhiên liệu cho tăng trưởng.

Song, giai đoạn tăng trưởng thứ hai đòi hỏi nhiều hơn thế. Doanh nghiệp cần thật sự thúc đẩy giá trị gia tăng, chứ không chỉ đơn thuần là những hoạt động kinh doanh theo kiểu "chuyển từ dạng thức này sang dạng thức khác".

Giám đốc Hợp danh McKinsey Việt Nam chỉ ra điều thúc đẩy thu nhập đầu người Việt Nam tăng từ 3.000 USD lên 10.000 USD và cao hơn thế nữa! - Ảnh 4.

Chúng tôi cũng nhận thấy điều này qua các phân tích của mình. Việt Nam đã đạt được tăng trưởng GDP nhờ tăng trưởng nguồn cung lao động.

Tuy nhiên, cho dù FDI sản xuất chế biến và xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 1997-2019, Việt Nam lại không thấy được sự tăng trưởng tương ứng về giá trị gia tăng.

Lúc này, ta thấy rõ vai trò của tăng trưởng dựa vào năng suất lao động. Phân tích do McKinsey thực hiện chỉ ra rằng, Việt Nam cần tăng gấp đôi năng suất lao động trong thập kỷ tới đây để đạt được các con số tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra.

Đây cũng chính là lý do tại sao chủ đề công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Việt Nam – một chủ đề đã được đặt ra trong nhiều dịp và được thảo luận trong Hội nghị Thượng đỉnh Công nghiệp 4.0 Việt Nam 2021 – lại có ý nghĩa quan trọng đến vậy.

Nếu không có công nghiệp hóa – hiện đại hóa, Việt Nam có nguy cơ theo đuổi tăng trưởng không bền vững. Số hóa ngành công nghiệp – như đã thảo luận trong hội thảo – là một minh chứng rõ nét cho điều này.

Giám đốc Hợp danh McKinsey Việt Nam chỉ ra điều thúc đẩy thu nhập đầu người Việt Nam tăng từ 3.000 USD lên 10.000 USD và cao hơn thế nữa! - Ảnh 5.

Tiềm năng nào để nói rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội đón đầu trong công nghiệp 4.0?

Hiện nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam có cơ hội thực sự đón nhận những công nghệ này. Từ đó, họ có thể tạo bước nhảy vọt từ Công nghiệp 2.0 lên Công nghiệp 4.0, và tăng tốc để đón đầu nếu so sánh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Phân tích cho thấy Việt Nam có cơ hội phát triển hơn nữa trong việc nuôi dưỡng, phát triển các hệ sinh thái với sự hỗ trợ của kỹ thuật số (với tiềm năng tăng tổng nguồn giá trị trong các hệ sinh thái từ 50 tỷ USD năm 2020 lên tới 100 tỷ USD ở năm 2025), nỗ lực hướng tới giảm tình trạng phân mảnh trên thị trường fintech và hỗ trợ sự nổi lên của các chủ thể có khả năng điều phối thị trường.

Cùng với đó là đẩy nhanh tốc độ chấp nhận kỹ thuật số ở khách hàng, doanh nghiệp, và các ngành kinh tế.

Giám đốc Hợp danh McKinsey Việt Nam chỉ ra điều thúc đẩy thu nhập đầu người Việt Nam tăng từ 3.000 USD lên 10.000 USD và cao hơn thế nữa! - Ảnh 6.

Từ góc nhìn là một chuyên gia quốc tế, ông thấy Việt Nam sở hữu những nền tảng nào để theo kịp các nước khác trong khu vực, và Việt Nam thiếu những yếu tố gì?

Có thể không đi sâu vào mọi chi tiết được, nhưng tôi xin phép nêu ra một số ví dụ then chốt đem lại lợi thế cho Việt Nam.

Thứ nhất, trình độ giáo dục và thái độ nhiệt tình học tập ở Việt Nam rất cao. Việt Nam đang gặt hái thành quả từ việc đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, điều này được thể hiện rõ qua những con số về trình độ giáo dục của lực lượng lao động và môi trường kinh doanh thuận lợi.

Tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho các điều kiện hỗ trợ then chốt để thúc đẩy năng suất của lực lượng lao động cũng sẽ có đóng góp to lớn cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Cụ thể, không dừng lại ở những thành tựu xuất sắc đã đạt được trong lĩnh vực giáo dục trẻ em ở độ tuổi nhỏ, mà cần hướng xa hơn tới việc nuôi dưỡng các kỹ năng nhận thức, hành xử và thực tiễn mạnh mẽ hơn cho người lao động, trang bị lại, hay nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động để sẵn sàng cho Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Thứ hai, Việt Nam cũng đang chiếm một tỷ trọng lớn về sản xuất chế biến cho các doanh nghiệp tại Đông Nam Á, hạ tầng cơ sở đang được phát triển để hỗ trợ điều này tại các khu công nghiệp và trên cả nước.

Dữ liệu năm 2021 từ Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam chỉ ra rằng 300 doanh nghiệp toàn cầu đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam, và trên 60 doanh nghiệp đã và đang mở rộng đầu tư tại đây.

Một khảo sát do McKinsey thực hiện gần đây cũng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện thái độ nhiệt tình nhất trong khối ASEAN về việc tiếp nhận Công nghiệp 4.0, khi điểm nhận thức của các doanh nghiệp cung ứng công nghệ và sản xuất theo Công nghiệp 4.0 đạt 79 điểm, thể hiện nhận thức và sự lạc quan về Công nghiệp 4.0 cao hơn các doanh nghiệp tương tự tại năm quốc gia ASEAN khác.

Giám đốc Hợp danh McKinsey Việt Nam chỉ ra điều thúc đẩy thu nhập đầu người Việt Nam tăng từ 3.000 USD lên 10.000 USD và cao hơn thế nữa! - Ảnh 7.

Ví dụ về rào cản cần vượt qua để đưa Việt Nam lên tầm cao mới chính là cải thiện tốc độ và nhịp độ hoạt động kinh doanh cho nhà đầu tư. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tốc độ ra quyết định đang tăng nhanh trên bình diện toàn cầu. Và trái ngược với điều mà nhiều người chắc hẳn đã dự đoán, tốc độ này càng tăng nhanh hơn trong đại dịch Covid-19. Điều đó có nghĩa là các quy trình hỗ trợ cũng cần theo kịp để không không khiến mọi việc bị chậm lại.

Xét một cách tổng thể, Việt Nam sở hữu lợi thế và tiềm năng trên nhiều phương diện như đã đề cập trên đây. Điều quan trọng trong 5-10 năm tới chính là triển khai để hiện thực hóa lợi thế và tiềm năng đó.

Quỳnh Lê

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên