MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Giữa khủng hoảng Nga - Ukraine, Việt Nam hoàn toàn có thêm cơ hội để xuất khẩu"

"Giữa khủng hoảng Nga - Ukraine, Việt Nam hoàn toàn có thêm cơ hội để xuất khẩu"

Theo Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế và Tài chính quốc tế, nếu kiểm soát tốt và không để xảy ra lạm phát chi phí đẩy, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội rất lớn.

Kinh tế thế giới vừa bước vào giai đoạn hồi phục sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, lại một lần nữa đứng trên ranh giới mong manh vì chiến sự Nga - Ukraine.

Giá vàng, xăng, dầu liên tục xô đổ mọi kỷ lục. Chứng khoán đỏ lửa. Nhiều nhà đầu tư vô cùng hoang mang trước câu hỏi: Liệu cuộc khủng hoảng này sẽ chấm dứt trong chớp mắt, hay kéo dài khiến thế giới chao đảo? Việt Nam sẽ đối mặt những khó khăn và nguy cơ nào?

Liên quan vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Lại Lâm Anh, Trưởng phòng Kinh tế và Tài chính quốc tế, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới.

Giá dầu có thể lập đỉnh 200 USD/ thùng, kinh tế thế giới sụp đổ?

Hai năm qua, kinh tế thế giới liên tục chịu tác động tiêu cực vì dịch bệnh, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Giờ đây, chiến sự Nga – Ukraine giống như cú đánh bồi. Trước tình thế đó, ông cho rằng thách thức lớn nhất với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ là gì khi đưa ra hai kịch bản: khủng hoảng chấm dứt trong thời gian ngắn, hoặc kéo dài?

TS Lại Lâm Anh: Có thể nói, Nga đang là “công xưởng” năng lượng của thế giới. Khi xảy ra chiến sự, tôi nghĩ hẳn ông Putin đã tính đến tất cả phương án, gồm cả những lệnh cấm khắc nghiệt nhất.

Hôm 8/3, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak còn dự báo: Nếu Mỹ và phương Tây tiếp tục cấm nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt từ Nga, giá dầu thế giới có thể lên tới hơn 300 USD/ thùng. Với con số “trên trời” như thế, kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ sụp đổ.

Từ sau năm 1945, thế giới duy trì thế “nhất siêu” (Mỹ là siêu cường duy nhất). Nhưng nếu giá dầu thực sự lên cao như lời ông Alexander Novak dự báo, Hoa Kỳ có thể đánh mất vai trò, vị trí của mình. Nga và Trung Quốc sẽ là hai cường quốc thách thức lại Mỹ trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên, tôi cho rằng kịch bản đó rất khó xảy ra. Đỉnh giá dầu khó có thể vượt thêm hoặc nhiều nhất là chỉ loanh quanh mốc 200 USD/ thùng.

Giữa khủng hoảng Nga - Ukraine, Việt Nam hoàn toàn có thêm cơ hội để xuất khẩu - Ảnh 1.

Lý do thứ nhất, trước khi có chiến tranh, người ta đã dự đoán giá dầu lên cao 200 USD/ thùng, nhưng tới nay con số vẫn dừng ở mức hơn 120 USD/ thùng.

Thứ hai, kịch bản giá dầu lên tới 300 USD/ thùng sẽ chỉ xảy ra nếu Mỹ hoàn toàn thất bại trong vai trò điều tiết. Hiện, Mỹ đã tích trữ lượng dầu lớn và có thể giải phóng bất cứ khi nào. Một số nước lớn ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức… cũng có nguồn dự trữ. Ngoài ra, Mỹ cũng là nước khai thác dầu mỏ rất lớn. Dầu đá phiến của họ cho sản lượng lớn, chi phí rẻ và đã từng có lúc được xuất khẩu nhiều đến nỗi làm giá dầu thế giới giảm xuống còn 20 USD/ thùng.

Thứ ba, an ninh năng lượng hiện đang là bài toán lớn nhưng cũng có thể được giải tỏa theo hai hướng. Trước hết, khi giá dầu tăng cao sẽ thúc đẩy động lực mới: Ứng dụng khoa học công nghệ để cắt giảm, thay thế năng lượng hóa thạch. Tiếp theo, các quốc gia sẽ phải nghiên cứu phương án tích trữ và sử dụng năng lượng hiệu quả tối đa. Ví dụ, thay vì sử dụng xăng thì có thể sử dụng ắc-quy, pin… có khả năng tích trữ lớn, phát triển kinh tế tuần hoàn sử dụng rác thải của cái này thành nguồn đầu vào của cái khác…

Ông có lẽ là một trong số ít chuyên gia tỏ ra rất lạc quan khi rõ ràng, việc nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới là Nga gặp khủng hoảng có thể gây ảnh hưởng rất lớn ở nhiều quốc gia?

TS Lại Lâm Anh: Đúng là Nga sẽ gặp vô vàn khó khăn vì bị phương Tây cô lập. Nhưng khi giá dầu lên cao, chính họ lại hưởng lợi nhiều nhất. Họ có thể không bán được nhiều như trước nhưng giá bán cao sẽ bù lại khoản thiếu hụt. Họ không bán cho EU nhưng vẫn có thể bán cho các đối tác khác như Trung Quốc.

Tôi vẫn lạc quan rằng kinh tế toàn cầu tuy bị tác động lớn, nhưng sẽ không thể xảy ra khủng hoảng quá sâu sắc vì công xưởng thế giới ở Trung Quốc chứ không phải Nga. Thế giới lúc này thậm chí có thể chẳng cần Mỹ, nhưng không thể thiếu Trung Quốc nếu buộc phải chọn một trong hai.

Giữa khủng hoảng Nga - Ukraine, Việt Nam hoàn toàn có thêm cơ hội để xuất khẩu - Ảnh 2.

Theo tôi, trong vòng 10 năm tới, kinh tế thế giới sẽ chạy theo hình chữ W, tức trồi sụt liên tục. Trong ngắn hạn, khủng hoảng có thể lan rộng, đi tới chỗ tồi tệ nhất. Tuy nhiên, chúng ta hiện vẫn chưa thấy đáy đâu. Điều đó sẽ chỉ xảy ra nếu chiến tranh cục bộ lan rộng ở nơi khác ngoài Nga - Ukraine.

Khó khăn và cơ hội nào cho Việt Nam?

Thế giới như vậy thì Việt Nam sẽ ra sao?

TS Lại Lâm Anh: Đối với Việt Nam, tôi nghĩ kinh tế đi theo hình chữ U. Sau khi chiến sự ở Ukraine tạm lắng, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội.

Giữa khủng hoảng Nga - Ukraine, Việt Nam hoàn toàn có thêm cơ hội để xuất khẩu - Ảnh 3.

Giá xăng, dầu, vàng lên rất cao, thị trường chứng khoán đỏ lửa khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng kinh tế Việt Nam sẽ lạm phát và suy thoái mà ông vẫn nhìn ra cơ hội?

TS Lại Lâm Anh: Đúng là khi giá xăng, dầu tăng sẽ gây ra lạm phát chi phí đẩy. Điều này rất nguy hiểm, có thể gây suy thoái kinh tế. Tuy nhiên Chính phủ Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội chặn đứng các nguy cơ.

Thứ nhất, khi lạm phát tăng trên quy mô rộng, giá hàng hóa thế giới đồng loạt lên cao thì chính là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu để thu ngoại tệ và hỗ trợ giảm chi phí đầu vào.

Lúc này, vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Chính phủ cần có trợ cấp đối với ngành năng lượng, vận tải… cả về việc trợ giá xăng, dầu lẫn hỗ trợ tiền lương. Nếu không, lạm phát chi phí đẩy bắt nguồn từ giá xăng, dầu sẽ xảy ra ngay lập tức.

Mặt hàng nhập khẩu từ bên ngoài để làm nguyên liệu thì phải hạ thuế thấp, đặc biệt đối với loại trong nước không tự sản xuất được. Nhà nước chỉ nên đánh thuế với những mặt hàng ta đã có lợi thế để tránh doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh được thị trường.

Thứ ba, phải tính bài toán về chính sách tiền tệ, tài khóa. Ví dụ điều chỉnh lãi suất ngân hàng hay các chính sách về tài chính, chi tiêu chính phủ phải có lựa chọn.

Mệnh giá đồng tiền của chúng ta đang yếu, có lợi cho xuất khẩu. Nhưng nếu vẫn không giữ vững được tỷ giá, tiếp tục có khoảng cách quá rộng so với đồng USD thì không ổn.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo nhất khi giá dầu lên cao theo tôi lại không phải chuyện ảnh hưởng tới kinh tế. Vì khi thế giới khủng hoảng thiếu năng lượng, chúng ta có cơ hội lớn trong xuất khẩu dầu thô. Tất nhiên, nước ta chủ yếu xuất dầu thô và nhập lại dầu tinh nên sẽ vẫn bị ảnh hưởng. Theo một số chuyên gia dự báo, quỹ bình ổn xăng dầu trong năm nay sẽ thâm hụt ở mức 9 tỷ USD, một con số khá lớn. Nhưng chính vì có sự thâm hụt ấy, mức độ lạm phát được dự báo chỉ khoảng 4%, con số khá thấp và có thể coi là tự nhiên trong quá trình phát triển. GDP vẫn ở mức 5,7-5,9%.

Thứ hai, vấn đề tiêu thụ năng lượng trong nước có thể khắc phục được phần nào nhờ chính sách tiết kiệm, giảm năng lượng tiêu thụ nhờ ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật.

Điều tôi lo lắng là câu hỏi: Liệu khi nguồn cung dầu khan hiếm hơn, vùng biển Đông - nơi vốn có trữ lượng dầu mỏ lớn - có xảy ra bất ổn gì hay không?

Việt Nam từng xuất khẩu bằng cả châu Phi cộng lại và cơ hội thế chỗ Nga, Ukraine

Ngoài giá dầu, giá phân bón, thức ăn chăn nuôi cũng đang leo thang. Đối với một nước nông nghiệp như Việt Nam, điều này sẽ gây ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

TS Lại Lâm Anh: Từ cuối năm 2021, giá phân bón đã lên cao. Nhiều nước lớn như Mỹ hay Trung Quốc tranh thủ tích trữ. Trung Quốc thậm chí còn cấm xuất khẩu một số loại phân bón.

Việt Nam tuy là nước đông dân số làm nông nghiệp nhưng quy mô nhỏ lẻ và không hề có tích trữ. Điều này tuy bất lợi, nhưng cũng là cơ hội lớn cho nước ta.

Tỷ trọng nông, lâm, thủy sản đóng góp 12,36% vào GDP (số liệu năm 2021). Tôi cho rằng con số này tuy lớn nhưng không đóng vai trò chủ đạo. Hơn nữa xưa nay chuyện một quốc gia muốn bứt phá nhờ nông nghiệp gần như là không thể.

Nông nghiệp Việt vốn đang gặp thách thức lớn khi các nước phát triển làm theo quy mô công nghiệp, chất lượng cao mà giá rẻ. Nông sản của chúng ta gần như bị đè bẹp, rất ít cơ hội xuất khẩu vào nước lớn.

Tuy nhiên, trong tình thế giá nông sản trên thế giới leo cao do lạm phát, nước ta hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu. Ví dụ, cá minh thái của Nga xuất khẩu vào EU rất mạnh, 37.445 tấn/ năm 2020. Lệnh trừng phạt của phương Tây có thể khiến con số này tuột dốc. Xuất khẩu cá tra, basa - phương án thay thế từ Việt Nam - sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Giữa khủng hoảng Nga - Ukraine, Việt Nam hoàn toàn có thêm cơ hội để xuất khẩu - Ảnh 4.

Kỳ vọng như vậy có hơi quá vào khả năng xuất khẩu của Việt Nam?

TS  Lại Lâm Anh: Chúng ta có cơ sở để tự tin mà! Năm 2021, xuất khẩu của nước ta bằng cả châu Phi cộng lại, ngân sách Nhà nước bội thu 220.000 tỷ đồng cơ đấy.

Trong 2 năm trở lại đây, trước diễn biến dịch bệnh và tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam vẫn đang tận dụng rất tốt cơ hội về xuất khẩu. Trong tương lai, tôi cho rằng  không có lý do gì khiến việc này bị kìm lại.

Vậy còn áp lực trả nợ nước ngoài thì sao? Câu chuyện của đồng RUP, USD và xa hơn là CNY sẽ có tác động thế nào tới việc trả nợ và xuất khẩu của Việt Nam?

TS Lại Lâm Anh: Xuất khẩu sang Nga chỉ khoảng 7 tỷ đô, chiếm 1,2% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam nên ảnh hưởng không lớn.

Giá USD hay đồng Yên Nhật lên sẽ làm tăng áp lực nợ nước ngoài một chút. Đặc biệt tỷ giá đồng Yên Nhật rất đáng quan tâm vì nước ta nợ họ nhiều hơn cả. Tuy nhiên, từ 2017, năng lực trả nợ nước ngoài của Việt Nam đã rất tốt, chúng ta sẽ vẫn xoay sở được.

Chỉ dấu quan trọng từ việc giá vàng SJC liên tục xô đổ mọi kỷ lục

Một vấn đề rất nóng khác là giá vàng. Chuyện giá trong nước nới rộng khoảng cách tới mức quá lớn với vàng thế giới (có lúc vượt 15 triệu đồng/lượng) theo ông có phải là chỉ báo đặc biệt?

TS Lại Lâm Anh: Vàng là thứ rất nhạy cảm khi có biến động. Thời điểm các nhà đầu tư muốn thu vén và trong lúc chưa biết rót tiền vào đâu thì đó là kênh trú ẩn an toàn nhất. Thứ hai, khi triển vọng kinh tế, cơ hội đầu tư không có, kim loại cũng sẽ được ưu tiên. Thứ ba, giá trong nước tăng phản ánh việc người dân mất lòng tin vào ngoại tệ, cụ thể là đồng USD.

Tuy nhiên, giá vàng chắc chắn sẽ giảm. Kênh đầu tư này đã lập đỉnh rồi và nếu không đi xuống thì cũng chỉ tăng rất nhẹ. Chiến tranh đã giảm nhiệt, điều mà thế giới quan tâm hiện tại có lẽ là các vấn đề hậu chiến.

Giữa khủng hoảng Nga - Ukraine, Việt Nam hoàn toàn có thêm cơ hội để xuất khẩu - Ảnh 5.

TS Lại Lâm Anh khẳng định giá vàng rất khó tăng cao trong thời gian tới.

Có một thực tế là dù có bất ổn hay không, vàng SJC vẫn luôn chênh lệch lớn so với thế giới. Tuy nhiên, về lâu dài, khoảng cách này sẽ bị kéo gần hơn vì áp lực giá vàng thế giới giảm. Thứ hai, khi giá vàng SJC đã quá cao sẽ xuất hiện tâm lý e ngại mua vào hoặc cũng có người bán ra để chốt lời. Thứ ba, nếu người dân nhìn thấy cơ hội, dòng đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy vào Việt Nam, thị trường chứng khoán phát triển thì kênh vàng giảm và chứng khoán sẽ lên.

Nhưng hiện tại, thị trường chứng khoán chưa có gì để lạc quan?

TS Lại Lâm Anh: Có lẽ chúng ta sẽ phải chờ đến hết quý 2, khi có báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sau 6 tháng đầu năm, hoặc muộn hơn có thể hết năm nay, thị trường mới xanh lại.

Tức là ông dự đoán một số vấn đề mặt kinh tế ở Việt Nam có thể được giải quyết ngay trong năm 2022 này?

TS Lại Lâm Anh: Ngắn hạn thì phải hết năm nay. Trong năm sau kinh tế khá dần lên, các vấn đề lộ rõ và sẽ được giải quyết.

Về lâu dài, kinh tế Việt Nam sẽ phải mất tầm 8-10 năm nữa mới có đầy đủ điều kiện cất cánh. Khẳng định khoảng 2030, chúng ta vẫn chưa trỗi dậy ngay được đâu.

Nhưng tới lúc đó, tình hình thế giới chắc chắn sẽ ổn định lại. Trong giai đoạn biến động như hiện nay chính là lúc có nhiều cơ hội mà Việt Nam cần phải biết tận dụng. Giống như người xưa nói “loạn lạc sinh anh hùng”.

Với quy mô thế giới rót tiền vào Việt Nam, vị thế địa chính trị, cơ hội hứng các dòng đầu tư dịch chuyển vì áp lực chiến tranh thương mại Mỹ - Trung,.., tôi rất có lòng tin, Việt Nam sẽ thành con rồng mới ở châu Á.

Giữa khủng hoảng Nga - Ukraine, Việt Nam hoàn toàn có thêm cơ hội để xuất khẩu - Ảnh 6.

"Hiện tượng kỳ cục" mang tính nhất thời của giá vàng trong nước

https://soha.vn/kinh-te-the-gioi-se-khung-hoang-dung-lo-viet-nam-co-the-thay-phan-cua-ca-nga-ukraine-2022031117391235.htm

Theo Trương Thu Hường - Ảnh: Việt Hùng - TK: Nhật Tuệ

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên