MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gửi tiền ngân hàng nào lãi cao nhất hiện nay?

14-01-2025 - 15:17 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong bối cảnh nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động để hút tiền gửi của người dân trước Tết Nguyên đán thì lại có ngân hàng giảm lãi suất. Thậm chí, có ngân hàng giảm lần thứ 2 trong tháng.

Lãi suất huy động tăng giảm trái chiều

Theo khảo sát của PV từ đầu tháng 1 đến nay có 7 ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm và có đến 6 ngân hàng giảm.

Cụ thể, ngân hàng Agribank đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 3-9 tháng. Cụ thể, kỳ hạn 3 - 5 tháng được Agribank tăng 0,1%/năm lên 3%/năm, 6 - 9 tháng tăng 0,1%/năm lên 3,7%/năm.

Bắc Á Bank tăng 0,2%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 - 15 tháng và 0,25%/năm các kỳ hạn từ 18 - 36 tháng. Lãi suất cao nhất tại Bac A Bank kỳ hạn 18-36 tháng tăng lên 6,2%/năm.

NCB tăng lãi suất thêm 0,2%/năm lên 4,1%/năm với kỳ hạn 1 tháng. Kỳ hạn 2 - 5 tháng tăng 0,1%/năm, sau điều chỉnh lãi tiết kiệm kỳ hạn 2 tháng là 4,2%/năm, kỳ hạn 3 tháng 4,3%/năm, 4 tháng 4,4%/năm và 5 tháng lên đến 4,5%/năm.

Trong nhóm ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm có ngân hàng chuyển giao đã đổi tên MBV tăng lên 4,3-4,4%/năm tại kỳ hạn 1 - 2 tháng từ 4,1%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 4,4%/năm lên 4,6%/năm. Đáng chú ý, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 4-5 tháng tăng mạnh từ 4,4%/năm lên 4,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm cao nhất do MBV công bố là 6,1%/năm, dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm kỳ hạn 18-36 tháng...

Ngoài ra, trong tháng 1, các ngân hàng Eximbank, KienlongBank, VietBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm.

Đáng chú ý, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói lãi suất tiết kiệm cao từ 7% đến 9,5%/năm nhưng kèm theo điều kiện khắt khe. HDBank cung cấp mức 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, yêu cầu số dư tối thiểu 500 tỷ đồng. MSB áp dụng mức 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, dành cho các khoản tiết kiệm mới từ 500 tỷ đồng trở lên. Dong A Bank và Bac A Bank cũng ghi nhận mức lãi suất cao từ 6% đến 7,5%/năm với các điều kiện tương tự.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại cũng có đến 6 ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm từ đầu tháng 1 đến nay.

Điển hình, NCB và Agribank giảm lãi suất kỳ hạn từ 12 - 36 tháng. Bên cạnh đó, các ngân hàng như ABBank, SeABank, Nam A Bank và Techcombank cũng giảm lãi suất huy động. Điều này phản ánh sự cạnh tranh mạnh mẽ trong việc thu hút nguồn tiền gửi từ khách hàng.

Gửi tiền ngân hàng nào lãi cao nhất hiện nay?- Ảnh 1.

Các ngân hàng tăng giảm lãi suất huy động trái chiều (ảnh: Như Ý).

Cụ thể, Techcombank vừa trở thành ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất huy động lần thứ hai tính từ đầu năm đến nay. Theo đó, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-2 tháng giảm 0,2%/năm, kỳ hạn từ 3-5 tháng giảm 0,1%/năm. Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến dành cho tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, kỳ hạn từ 1-2 tháng là 3,35%/năm, 3-5 tháng là 3,65%/năm.

ABBank cũng giảm 0,6% các kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng - 5 tháng còn 3,2% - 3,8%/năm. Kỳ hạn 6 tháng còn 5,6%/năm, giảm 0,2%. Từ 7-11 tháng, ABBank đưa ra mức 5,7%/năm, giảm 0,1% so với tháng trước...

Các ngân hàng phải thực hiện đúng như công bố

Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngành ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 tổ chức hôm 7/1, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến hết năm 2024, mặt bằng lãi suất huy động tăng 0,71%, mặt bằng lãi suất cho vay giảm 0,59% so với đầu năm, riêng lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại đã giảm trung bình gần 1%.

Ông Tú cũng thừa nhận có hiện tượng một số ngân hàng thương mại nhỏ điều chỉnh tăng lãi suất huy động để đảm bảo thanh khoản, tuy nhiên mức tăng ít và không ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, hiện tại Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn (0,5%/năm) và tiền gửi dưới 6 tháng (4,75%/năm). Đối với lãi suất huy động các kỳ hạn 6 tháng trở lên, lãi suất được hình thành dựa trên cung cầu vốn của thị trường, do các tổ chức tín dụng và khách hàng tự thỏa thuận.

Theo ông Quang, Ngân hàng Nhà nước đã quy định rõ ràng về việc áp dụng lãi suất tiền gửi bằng VND tại các tổ chức tín dụng.

Theo đó, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND sẽ bao gồm cả các khoản khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác sẽ được quy đổi theo phương thức này.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng phải công khai niêm yết lãi suất tiền gửi tại địa điểm giao dịch hợp pháp và trên trang thông tin điện tử (nếu có). Các ngân hàng cũng không được thực hiện bất kỳ hình thức khuyến mại nào không đúng với quy định của pháp luật khi nhận tiền gửi.

Ông Quang nhấn mạnh các ngân hàng phải xây dựng quy trình nội bộ rõ ràng, bao gồm các quy định về lãi suất . Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện ngân hàng nào không thực hiện đúng mức lãi suất đã niêm yết, sẽ yêu cầu ngân hàng đó làm rõ quy trình nội bộ trong việc triển khai về lãi suất.

Theo Ngọc Mai

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM