MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hải Dương: Người nuôi cá lồng điêu đứng, cầm cự chờ hết dịch

31-12-2021 - 10:41 AM | Thị trường

Hải Dương: Người nuôi cá lồng điêu đứng, cầm cự chờ hết dịch

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà hàng, khách sạn đã đóng cửa, ngừng kinh doanh, cá nuôi không tiêu thụ được, các hộ dân ở Tứ Kỳ (Hải Dương) đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng bởi chi phí đầu tư quá lớn.

Huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) hiện có hơn 700 lồng cá, trong đó có khoảng 30% lồng cá tới thời kỳ thu hoạch mà không thể xuất bán. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà hàng, khách sạn đã đóng cửa, ngừng kinh doanh để phòng chống dịch, việc thu mua cá gặp rất nhiều khó khăn.

Hải Dương: Người nuôi cá lồng điêu đứng, cầm cự chờ hết dịch - Ảnh 1.

Huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) hiện có hơn 700 lồng cá, trong đó có khoảng 30% lồng cá tới thời kỳ thu hoạch mà không thể xuất bán

Gia đình chị Nguyễn Thị Nhàn (40 tuổi; ở thôn Hữu Chung, xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ) đã nuôi cá lồng được 6 năm, hiện tại nhà chị có 28 lồng, chủ yếu là cá lăng, diêu hồng, trắm đen. Chị Nhàn cho biết, thời điểm này những năm trước, thương lái đến thu mua vài lần là hết cá; thế nhưng năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu ra vô cùng khó khăn.

Hải Dương: Người nuôi cá lồng điêu đứng, cầm cự chờ hết dịch - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Nhàn lo lắng khi 28 lồng cá đến giai đoạn xuất bán nhưng không có người thu mua.


“Với 28 lồng nuôi, hiện gia đình tôi có khoảng 80-100 tấn cá. Thời điểm không bị dịch như các năm trước, một thương lái có thể đến mua từ 1 đến 2 tấn, trong vòng 1 ngày có thể bán hết 1 lồng, những lồng nhiều bán lâu nhất là 3 ngày. Tuy nhiên, hiện tại có khi 10 ngày vẫn chưa bán hết 1 lồng. Trong khi đó, mỗi ngày gia đình vẫn phải chi vài chục triệu đồng tiền thức ăn cho cá. Không những vậy, giá cá còn giảm mạnh khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”, chị Nhàn chia sẻ.

Hải Dương: Người nuôi cá lồng điêu đứng, cầm cự chờ hết dịch - Ảnh 3.

Nhà chị Nhàn mỗi ngày phải thuê 2 công nhân chăm sóc cá.


Tương tự, ông Phạm Văn Huấn (66 tuổi) cho biết, gia đình ông có 5 lồng cá lăng và trắm, ước tính sản lượng hơn 10 tấn cá đang đến kỳ thu hoạch nhưng không xuất bán được. Trung bình mỗi ngày, ông mất gần 5 triệu đồng tiền thức ăn cho cá. Cá càng để lớn càng tốn thức ăn, nếu cứ tiếp tục phải duy trì đàn cá lâu ngày thì rất tốn kém và bị thua lỗ.
Hải Dương: Người nuôi cá lồng điêu đứng, cầm cự chờ hết dịch - Ảnh 4.

Ông Huấn thường xuyên phải đi cắt thêm cỏ để cho cá ăn.


"Một lồng có kích thước là 54m2, nuôi từ 6-7 tấn cá. Do dịch bệnh, việc tiêu thụ cá rất khó khăn, cộng thêm giá cám tăng khiến người nuôi cá ngày càng điêu đứng. Trung bình mỗi ngày chúng tôi mất 12 bao cám cho 5 lồng cá, giá hơn 400.000 đồng/bao. Giá cám đắt nên chúng tôi cắt cỏ và thân chuối để cho cá ăn thêm", ông Huấn nói.

Hải Dương: Người nuôi cá lồng điêu đứng, cầm cự chờ hết dịch - Ảnh 5.

Với những lợi thế về nguồn nước của sông, trong khoảng 7 năm trở lại đây, hoạt động nuôi cá lồng ở Tứ Kỳ phát triển khá rầm rộ.


Ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hải Dương cho biết, năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp tỉnh vẫn có những phát triển đáng ghi nhận, trong đó có lĩnh vực nuôi cá lồng bè nước ngọt.

“Hiện nay, tỉnh có hơn 7.000 lồng cá trên sông, sản lượng gần 30.000 tấn/năm, chủ yếu là cá diêu hồng, rô phi đơn tính, cá nheo, cá trắm, cá chép, cá tầm… chất lượng đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường khó tính”, ông Vũ Việt Anh cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương, nghề nuôi cá lồng bè ở tỉnh vẫn còn một số hạn chế về kỹ thuật, không đồng đều về chất lượng, áp lực lên môi trường hay nhiều nơi nuôi tự phát, tiềm ẩn rủi ro...

Hải Dương: Người nuôi cá lồng điêu đứng, cầm cự chờ hết dịch - Ảnh 6.

Cá lồng chủ yếu được nuôi bằng cám.


Hải Dương: Người nuôi cá lồng điêu đứng, cầm cự chờ hết dịch - Ảnh 7.

Mỗi lồng có kích thước là 54m2, nuôi từ 6-7 tấn cá.


Hải Dương: Người nuôi cá lồng điêu đứng, cầm cự chờ hết dịch - Ảnh 8.

Rất nhiều hộ gia đình ra sông để nuôi cá lồng.


Hải Dương: Người nuôi cá lồng điêu đứng, cầm cự chờ hết dịch - Ảnh 9.

Nhiều nhà thuê cả người để chăm sóc cá.


Hải Dương: Người nuôi cá lồng điêu đứng, cầm cự chờ hết dịch - Ảnh 10.

Cây chuối là thức ăn thêm khi giá cá đang xuống thấp và khó tiêu thụ.


Hải Dương: Người nuôi cá lồng điêu đứng, cầm cự chờ hết dịch - Ảnh 11.

Mật độ cá ở mỗi lồng rất lớn.


Hải Dương: Người nuôi cá lồng điêu đứng, cầm cự chờ hết dịch - Ảnh 12.

Tỉnh Hải Dương có 9 huyện, thị xã, thành phố nuôi cá lồng với 7.040 lồng nuôi/451 hộ nuôi.


Theo Sở NN-PTNT Hải Dương, việc nuôi cá lồng tập trung phát triển chủ yếu trên sông Thái Bình và sông Kinh Thầy thuộc địa bàn các huyện: Nam Sách, Kim Thành, Ninh Giang, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Thị xã Kinh Môn, TP Hải Dương và TP Chí Linh; số lượng lồng nuôi lớn ở TP Hải Dương, huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ và Nam Sách.

Thời gian qua, nuôi thủy sản lồng bè được duy trì, phát triển mạnh về quy mô nuôi. Qua thống kê, kiểm tra tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 9 huyện, thị xã, thành phố nuôi cá lồng với 7.040 lồng nuôi/451 hộ nuôi.

Tính đến năm 2020, sản lượng cá lồng của tỉnh khoảng 17.000 tấn (chiếm 18,02% sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh). Việc phát triển cá lồng bè đã đóng góp tích cực vào tăng sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh Hải Dương, nhưng tỷ lệ còn chưa cao, sản lượng còn thấp, chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế của địa phương.

Năng suất nuôi cá lồng của tỉnh Hải Dương mới chỉ ở mức trung bình đạt 4 tấn/lồng, thấp hơn so với mặt bằng chung của vùng trung du miền núi phía Bắc (4,5 tấn/lồng), thấp hơn khá nhiều so với những địa phương người dân có điều kiện kinh tế đầu tư, kỹ thuật nuôi thâm canh cao như tỉnh Bắc Ninh (7,2 tấn/lồng), Hà Nội (5,1 tấn/lồng); nhưng lại cao hơn đối với các tỉnh Hòa Bình (1,87 tấn/lồng), Phú Thọ (3,3 tấn/lồng), Hưng Yên (3,5 tấn/lồng)...

Theo Bảo Khánh

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên