MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai vợ chồng "thức thời" kinh doanh gạo, bán hơn 300.000 đồng/sản phẩm rồi trở thành tỷ phú, thu về 15.000 tỷ đồng mỗi năm

06-11-2023 - 18:00 PM | Lifestyle

Hai vợ chồng "thức thời" kinh doanh gạo, bán hơn 300.000 đồng/sản phẩm rồi trở thành tỷ phú, thu về 15.000 tỷ đồng mỗi năm

Nhờ nắm bắt thời cơ để chuyển đổi phương thức bán hàng, cặp vợ chồng Trung Quốc nhanh chóng trở thành tỷ phú.

Những năm gần đây, khi mức sống được nâng cao, mọi người đang có xu hướng quan tâm sâu hơn tới lương thực, thực phẩm tiêu dùng mỗi ngày. Nếu như trước đây, mọi người chỉ theo đuổi xu hướng tiêu dùng giá rẻ thì đến nay, họ dần chú ý hơn đến chất lượng thực phẩm. Đặc biệt là với món cơm ăn hàng ngày, người ta không còn ăn chỉ để no bụng mà họ còn rất chú trọng đến màu sắc và cả hương vị của từng giống gạo.

Chính nhờ nắm bắt được nhu cầu này của người tiêu dùng mà một cặp vợ chồng ở Liêu Ninh, Trung Quốc đã sáng lập ra thương hiệu gạo nổi tiếng và  kiếm được 4,5 tỷ USD (15.040 tỷ đồng) mỗi năm từ việc bán lẻ gạo. Không những thế, doanh nghiệp mà họ thành lập còn trở thành doanh nghiệp đứng đầu về bán hàng trên tất cả các nền tảng thương mại điện tử trong nhiều năm liên tiếp.

Họ là cặp vợ chồng tỷ phú Vương Binh, Triệu Văn Quân, những người sáng lập Công ty TNHH Cánh đồng lúa tháng 10 (Shiyue Daotian Group).

Thành tỷ phú nhờ hạt gạo

Vương Binh sinh năm 1976 tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề chế biến gạo và ngũ cốc, ai cũng cho rằng khi lớn lên, chàng trai này sẽ tiếp tục nối nghiệp cha mẹ. Thế nhưng khi thi đậu vào Trường Công nghiệp Hóa chất Thẩm Dương, Vương Binh đã chọn học chuyên ngành công nghệ cao su, một ngành hoàn toàn không liên quan đến nghề truyền thống của gia đình.

Dẫu vậy, sự lựa chọn này có lẽ là sự sắp xếp của định mệnh khi tại ngôi trường này, anh đã gặp được người phụ nữ quan trọng nhất đời mình là Triệu Văn Quân. Cô ít hơn anh 2 tuổi, học chuyên ngành kinh tế thương mại. Cả hai nên duyên ngay sau khi được bạn bè giới thiệu rồi thành vợ thành chồng.

Hai vợ chồng "thức thời" kinh doanh gạo, bán hơn 300.000 đồng/sản phẩm rồi trở thành tỷ phú, thu về 15.000 tỷ đồng mỗi năm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Toutiao

Sau khi tốt nghiệp, Vương Binh và Triệu Văn Quân cùng nhau tham gia vào ngành thực phẩm rồi thành lập Công ty TNHH Thẩm Dương Tín Xương vào năm 2005. Cũng từ đây, họ bắt tay vào công việc kinh doanh gạo và bán ngũ cốc thô. Trong giai đoạn này, Vương Binh chủ yếu chịu trách nhiệm mua hàng, còn Triệu Văn Quân chịu trách nhiệm tiếp thị.

Trên thực tế, vào thời điểm đó, công việc kinh doanh của họ không khác gì những người bán gạo truyền thống. Ngày ngày, cả hai vợ chồng dùng xe tải để vận chuyển gạo và các loại ngũ cốc khác ra chợ bán. Tuy nhiên, việc kinh doanh không mấy suôn sẻ khi thị trường gạo đang chịu sự chi phối mạnh mẽ của những “ông lớn” trong ngành.

Công việc kinh doanh của cả hai cứ ảm đạm như vậy cho đến năm 2010, thương mại điện tử tại Trung Quốc bắt đầu phát triển. Xu hướng mua sắm trực tuyến bùng nổ khiến phương thức bán hàng truyền thống bị ảnh hưởng ở một mức độ nhất định. Vốn là người thích trải nghiệm những điều mới mẻ, vợ chồng Vương Binh mạo hiểm đóng cửa sạp hàng ở chợ để nghiên cứu phương thức bán hàng online.

Hai vợ chồng "thức thời" kinh doanh gạo, bán hơn 300.000 đồng/sản phẩm rồi trở thành tỷ phú, thu về 15.000 tỷ đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Vợ chồng tỷ phú Vương Binh và Triệu Văn Quân. Ảnh: Toutiao

Năm 2011, cả hai thành lập Công ty Cánh đồng lúa tháng 10 và tạo ra hai thương hiệu: “Cánh đồng lúa tháng 10” và “Sài Hỏa Đại Viện”. Ngay từ khi bắt đầu vận hành, Vương Binh đã chọn hợp tác với JD.com và thành lập kênh bán gạo độc quyền. Với sức mạnh của công nghệ số, số lượng gạo bán ra của công ty trong tuần đầu ra mắt nhiều hơn số gạo bán trong 1 tháng bằng phương pháp truyền thống. Thậm chí những lúc cao điểm, cả hai bán được hàng nghìn túi gạo mỗi ngày.

Nhìn vào kết quả ban đầu, vợ chồng Vương Bình rất hài lòng, tin tưởng rằng cả hai đang đi đúng hướng. Sau đó, cả hai đã tập trung toàn bộ sức lực vào nền tảng thương mại điện tử và đến Bắc Kinh để thành lập một nhóm tiếp thị chuyên trách. Trong năm đầu tiên sau khi thành lập nhóm này, doanh nghiệp của Vương Binh đã đứng đầu về hạng mục kinh doanh gạo trên JD.com, với doanh số tăng 300% so với năm trước đó.

Nếm được vị ngọt, Vương Binh chưa hài lòng mà tiếp tục mở rộng việc kinh doanh trên nhiều nền tảng thương mại điện tử khác như Tmall, Yihaodian và Dangdang. Bắt đầu từ năm 2018, Cánh Đồng Lúa Tháng Mười đã trở thành công ty đứng top đầu theo doanh thu tại thị trường bán lẻ gạo đóng gói sẵn vùng Đông Bắc Trung Quốc trong 4 năm liên tiếp.

Bí mật thành công

Ngoài việc nắm bắt được thời điểm mua sắm trực tuyến bùng nổ ở Trung Quốc để chuyển đổi cách thức kinh doanh, bí quyết giúp vợ chồng Vương Binh đánh bại các thương hiệu gạo lâu đời khác chính là sự khác biệt trong sản phẩm.

Theo đó, không chỉ sản xuất và phân phối những giống gạo ngon, tiêu chuẩn cao, vợ chồng Vương Binh còn đầu tư rất nhiều công sức cho việc đóng gói sản phẩm. Khi mà gần như tất cả các thương hiệu gạo trên thị trường đều được đóng gói trong túi 10kg hoặc 25kg, thì vợ chồng anh đã bán gạo trong những túi nhỏ chỉ 5kg, 2,5 kg, thậm chí là 1kg với mẫu mã vô cùng bắt mắt. Điều này khiến chúng trở nên khác biệt so với các thương hiệu khác.

Hai vợ chồng "thức thời" kinh doanh gạo, bán hơn 300.000 đồng/sản phẩm rồi trở thành tỷ phú, thu về 15.000 tỷ đồng mỗi năm - Ảnh 3.

Những sản phẩm gạo của thương hiệu Cánh đồng lúa tháng 10 được đóng gói trong túi nhỏ. Ảnh: Toutiao

Khi những sản phẩm như vậy lần đầu tiên ra mắt, chúng đã bị những người trong ngành chế giễu, cho rằng chúng không mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, vợ chồng Vương Binh lại không nghĩ như vậy mà tính toán để những sản phẩm của mình hướng đến những gia đình ít người, những người không thường xuyên nấu ăn hay ở một mình.

Không những thế mức giá mà Vương Binh đưa ra cho những sản phẩm của anh cũng phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Theo đó, những túi gạo 5kg của thương hiệu này thường bán với giá 99,9 NDT/túi ( hơn 300.000 đồng) tùy loại - phù hợp với mức tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Những sản phẩm ngũ cốc khác của thương hiệu này cũng được đóng gói và bán theo cách tương tự.

Kết quả, khi những sản phẩm này được tung ra thị trường đã được người tiêu dùng săn đón nồng nhiệt. Cơn sốt từ những túi gạo nhỏ của Vương Binh lớn đến mức những “ông lớn” trong ngành ngay sau đó cũng bắt đầu sản xuất gói nhỏ.

Hai vợ chồng "thức thời" kinh doanh gạo, bán hơn 300.000 đồng/sản phẩm rồi trở thành tỷ phú, thu về 15.000 tỷ đồng mỗi năm - Ảnh 4.

Shiyue Daotian Group. Ảnh: Toutiao

Sau những thành công nhất định, thương hiệu gạo này thu hút được sự quan tâm và ưu ái của giới đầu tư và nhận được nhiều nguồn vốn tài trợ. Sau khi các kênh bán hàng được thiết lập hoàn chỉnh, vợ chồng Vương Binh bắt đầu nghĩ đến việc đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất, chế biến gạo. Chuỗi hoạt động này đã giúp thị phần của Cánh đồng lúa tháng 10 đạt 14,2% vào năm 2022 và bán được 4,5 tỷ NDT (15.040 tỷ đồng) trong năm đó.

Đến tháng 2 năm 2023, sau vòng cấp vốn cuối cùng trước khi niêm yết, định giá của thương hiệu Cánh đồng lúa tháng 10 đã vượt 14,5 tỷ NDT (hơn 48.463 tỷ đồng). Tính theo tỷ lệ nắm giữ cổ phần, tài sản của vợ chồng Vương Binh đã lên tới con số đáng kinh ngạc là 14 tỷ NDT (hơn 46.792 tỷ đồng).

Vào ngày 12 tháng 10 năm 2023, sau 12 năm làm việc chăm chỉ, công ty chuyên sản xuất gạo này cuối cùng đã chính thức niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), huy động được số vốn ròng 716 triệu đô la Hong Kong (hơn 2.228 tỷ đồng).

(Theo Toutiao, Xueqiu)

Ánh Lê

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên