MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cá tra nguyên liệu không còn để cung cấp cho nhà máy

04-04-2016 - 08:07 AM | Thị trường

Nhiều ngày qua, tình hình nguyên liệu cá tra tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục "nóng". Các doanh nghiệp cho biết hiện nay việc mua cá gặp rất nhiều khó khăn do sản lượng nuôi trong dân bắt đầu cạn kiệt.

Hiện, những người dân nào còn có cá trong ao đã không chấp nhận mức giá 22.500 đồng/kg như cách nay một tuần mà yêu cầu doanh nghiệp trả cao hơn mới bán. Như vậy, nếu như đầu tháng 3, giá cá chỉ ở mức 19.000 đồng/kg thì sang đầu tháng 4 này đã vọt lên 23.000 đồng và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo số liệu điều tra của một số doanh nghiệp chiếm thị phần lớn, số con giống có trọng lượng từ 100-800 gram thả nuôi ở các tỉnh trong tháng 3 vào khoảng 260 triệu con, thì qua tháng 4, sản lượng này chỉ còn 190 triệu con (tương đương khoảng 150.000 tấn). Riêng trong tháng 4 này, nếu tổng hợp hết tất cả sản lượng cá tra nguyên liệu do người dân nuôi thì chỉ có khoảng 10.000 tấn để cung cấp cho các nhà máy, trong khi nhu cầu tối thiểu mà nhà máy cần lên tới 3.000 tấn cá nguyên liệu/ngày.

“Qua đây cho thấy cá tra nguyên liệu bắt đầu đến giai đoạn không còn để cung cấp cho nhà máy”, giám đốc một doanh nghiệp ở Đồng Tháp cho biết.

Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn cũng cho hay, mặc dù giá cá trong 30 ngày của tháng 3 vừa qua đã tăng 4.000 đồng/kg nhưng sản lượng thức ăn bán ra thị trường lại không tăng mà còn có xu hướng giảm. Tình hình này hoàn toàn trái ngược với các năm trước, khi giá cá tăng người dân tranh thủ thả giống, nên sản lượng thức ăn bán ra của các nhà máy thường tăng khá mạnh. Do đó, căn cứ trên sản lượng thức ăn cũng đủ để thấy nguyên liệu đang mỗi ngày một cạn kiệt và dự báo với đà này thì đến tháng 8 năm nay, lượng cá nuôi trong dân sẽ không còn.

Trong khi nguyên liệu cá trong nước đang mỗi ngày một cạn kiệt thì nhu cầu nhập khẩu cá tra đã tăng so với cùng kỳ khoảng 10% từ các nước Đông Nam á và Trung Quốc. Quan sát thị trường hơn một tháng qua cho thấy, khác với trước đây, nhà nhập khẩu không ký hợp đồng mua trước do các doanh nghiệp thường đưa ra mức chào giá tháng sau thấp hơn tháng trước. Nhưng nay, do tình hình nguyên liệu thiếu hụt, giá cá tăng từng ngày nên họ buộc phải tranh thủ mua trước để có được giá rẻ, điều này càng giúp cho thị trường cá tra thêm nóng.

Bên cạnh nhu cầu nhập khẩu đang có xu hướng tăng vọt, giá xuất khẩu cá tra cho các đơn hàng giao trong tháng 4 và tháng 5 đã tăng 30 cen/kg và dự báo tiếp tục tăng mạnh từ tháng 6 đến tháng 9 tới đây để hình thành giá xuất trung bình giao động ở mức 2,5-2,7 USD/kg. Riêng thị trường Mỹ, các doanh nghiệp tự tin giá giao dịch từ tháng 5 sẽ là 1,5 USD/pound (tương đương khoảng 3,3 USD/kg) và chắc chắn với đà này, giá cá tra xuất khẩu của quý 2/2016 tăng hơn 20% so với quý 1/2016.

Đến hết quý 1/2016 có thể khẳng định sản lượng cá tra nuôi trồng năm 2016 sẽ giảm trên 50% trong dân và các nhà máy giảm trên 60%, dẫn đến nguy cơ lớn của ngành chế biến và xuất khẩu cá tra sẽ gặp bế tắc từ quý 3/2016 cho đến quý 1/2017 do không còn nguyên liệu để sản xuất.

Tới đây, những doanh nghiệp tham gia xuất khẩu không có nhà máy, không có vùng nuôi sẽ bễ hợp đồng bán hàng trong quý 2/2016. Điều này cũng cảnh báo cho những nhà nhập khẩu mua giá rẻ với các doanh nghiệp và nhà máy không có nuôi trồng bởi tới đây họ sẽ không có hàng để giao.

L.N

Khoa Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên