MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Hàng hóa nổi bật ngày 28/01] Việt Nam phản đối thuế chống bán phá giá cá tra

28-01-2015 - 22:58 PM | Thị trường

Việt Nam phản đối kết quả áp thuế chống bán phá giá cá tra vào thị trường Hoa Kỳ; Giá xăng dầu giảm nhưng giá cước taxi giảm chưa tương ứng; Bộ Công thương đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô con dưới 1.5L là 30%… là những thông tin nổi bật trong ngày.

Tóm tắt:

- Hiệp hội cá tra Việt Nam có công văn phản đối mức thuế chống bán phá giá cá tra

- Giá xăng dầu giảm mạnh nhưng cước vận tải và giá dầu nhớt giảm chưa tương xứng

- Bộ Công thương đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô con dưới 1.5L là 30% thay vì 45% như hiện nay


Việt Nam phản đối kết quả áp thuế chống bán phá giá cá tra

Ngày 27/1, Hiệp hội cá tra Việt Nam đã có công văn phản đối mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ.

Hiệp hội cá tra Việt Nam khẳng định, các sản phẩm cá tra có giá xuất khẩu thấp là do các doanh nghiệp Việt cùng nhau thiết lập các mô hình liên kết chuỗi từ nuôi, chế biến đến xuất khẩu sản phẩm, dẫn đến việc giảm thiểu chi phí.

Việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định chọn Indonesia làm nước thay thế để tính biên độ phá giá và áp mức thuế chống bán phá giá là không công bằng đối với Việt Nam, bởi cách nuôi cá của hai nước là không tương ứng.

Hiệp hội này cũng kiến nghị với Bộ Thương mại, Ủy ban điều tra chống bán phá giá sản phẩm cá tra và Quốc hội Hoa Kỳ xem xét việc bỏ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm phi lê cá tra, basa đông lạnh Việt Nam.

Cước taxi giảm, nhưng chưa tương xứng

Dù giá xăng dầu trong nước liên tục giảm mạnh từ giữa năm 2014 đến nay, với mức giảm lên tới 38,5%, nhưng giá cước taxi vẫn chỉ giảm nhỏ giọt.

Giá cước của các hãng taxi dự kiến tiếp tục giảm thêm 500 đồng/km và theo các hãng taxi, mức giảm này đã khá cao, chưa kể trước đó các hãng đã giảm hai lần với tổng cộng 1.000 đồng/km.

Ngày 27-1, ông Tạ Long Hỷ - phó tổng giám đốc Hãng taxi Vinasun - cho biết đơn vị này sẽ giảm giá cước taxi thêm 500 đồng/km từ ngày 2-2.

Ông Hỷ cũng phủ nhận thông tin mà một số tờ báo đã đưa về việc các hãng taxi bị Sở GTVT từ chối làm thủ tục kê khai giảm giá cước với lý do giảm giá quá ít so với mức giảm giá xăng dầu. “Việc áp dụng giá mới của chúng tôi chắc chắn sẽ được thực hiện từ ngày 2-2, với mức giảm 500 đồng/km” - ông Hỷ khẳng định.

Cùng ngày, Hãng taxi Mai Linh cũng cho biết hãng taxi này sẽ tiếp tục giảm giá thêm 500 đồng/km kể từ ngày 29-1.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Chung, giám đốc Sở GTVT TP.HCM, khẳng định không có chuyện từ chối các hãng taxi làm thủ tục kê khai giảm giá cước taxi vì lý do giảm quá ít (500 đồng - PV).

“Giá xăng giảm, giá cước chắc chắn phải giảm theo nhưng giảm bao nhiêu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác chứ không phải chỉ dựa vào yếu tố giá xăng” - ông Chung nói.

Theo báo cáo mới nhất của Sở GTVT TP.HCM với Bộ GTVT về tình hình thực hiện giá cước vận tải, cơ quan này cho biết đã có 25/26 doanh nghiệp taxi kê khai lại giá cước với mức giảm từ 3-9%.

Đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô con dưới 1.5L là 30%

Mới đây, Bộ Công thương đã đưa ra đề xuất về thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho ô tô con. Theo đó, với ô tô từ 9 chỗ trở xuống, loại xe có dung tích xi lanh dưới 1.5L sẽ có mức thuế 30%, thay cho 45% như hiện nay, loại xe có dung tích xi lanh từ 2.0L đến 1.5L sẽ giữ nguyên mức 45%.

Với đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng xe có dung tích nhỏ sẽ được ưu tiên phát triển, có giá rẻ, giúp nhiều người dân có cơ hội tiếp cận với ô tô, giảm thiểu tác động tới môi trường và thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô. Một số nguồn tin cho biết, các đề xuất này phù hợp với chủ trương của Chính phủ về phát triển công nghiệp ô tô và có khả năng sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần.

Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, bổng sung đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua vào ngày 26/11/2014. Theo đó, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô từ 9 chỗ trở xuống vẫn giữ nguyên 3 mức là 45% với xe dưới 2.0L; 50% với xe từ 2.0L-3.0L và 60% với xe tren 3.0L.

Luật sửa đổi bổ sung này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Các ý kiến cho biết, với đề xuất của Bộ Công thương, nếu có thành hiện thực, thì ô tô dưới 1.5L sẽ được hưởng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 30% sớm nhất là từ đầu năm 2017. Bởi luật sửa đổi bổ sung vừa thông qua, đến đầu 2016 mới có hiệu lực, muốn sửa đổi, bổ sung tiếp cũng phải chờ đợi. Vì vậy, có sửa, sẽ thực hiện vào năm 2016 và áp dụng vào 2017.

Giá dầu giảm, giá nhớt trơ trơ

Từ giữa năm 2014 đến nay, giá xăng A92, A95, dầu diesel, dầu hỏa… đều đã giảm mạnh. Xăng giảm tới lần thứ 15 trong khi giá dầu thô thế giới đã giảm tới 50%. Giá dầu thô đã xuống dưới 60 USD/thùng, thậm chí có thời điểm 50 USD/thùng. Tuy nhiên, giá các sản phẩm dầu nhờn (nhớt) bán lẻ trên thị trường Việt Nam vẫn không thấy có dấu hiệu giảm.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), cho biết xăng, dầu diesel, dầu gốc… là những sản phẩm được sản xuất từ dầu thô. Nhớt là sản phẩm của dầu gốc pha trộn với phụ gia. Cả giá dầu thô, dầu gốc đều giảm trong thời gian qua, điều này giúp các công ty sản xuất dầu nhớt hưởng lợi.

Nhưng tại sao giá nhớt lại không giảm? Theo ông Quỳnh, nguyên do là các doanh nghiệp (DN) dầu nhớt tốn quá nhiều chi phí quảng cáo marketing, tốn chi phí khuyến mãi để thu hút khách hàng, cạnh tranh với các hãng nhớt trên thị trường. Đối với các DN nhập khẩu nhớt về trong nước đóng gói tiêu thụ, không nhập thường xuyên như xăng dầu (lô hàng nhớt lâu lâu mới nhập về một đợt) nên có thể ít bị tác động.

“Giá nhớt không giảm là khó chấp nhận. Không nhiều thì ít, giá nhớt cũng phải giảm theo giá dầu thô thế giới như giá xăng, dầu, diesel” - ông Quỳnh nói.

Đại diện một DN nhập khẩu dầu nhớt xác nhận các thị trường Singapore, Iran, Saudi Arabia, Nhật, Hàn Quốc và châu Âu giá các loại dầu gốc để pha chế dầu nhớt như SN150, SN500, J150, J500… đều giảm. Chỉ riêng trong tháng 1-2015, giá một số sản phẩm dầu gốc đã giảm 10%-15% so với tháng 12-2014.

Thị trường táo “chết đứng”!

Sản lượng táo bán ra sụt giảm một cách chóng mặt sau khi xuất hiện thông tin táo Mỹ bị nhiễm khuẩn. Không chỉ táo Mỹ mà cả táo quốc gia khác cũng chịu chung số phận.

Xuất hiện thông tin táo Mỹ bị nhiễm khuẩn, vài tờ báo trong nước đưa tin quá vội vàng khi chưa có thông báo chính thức từ phía cơ quan chức năng cộng tâm trạng quá nhạy cảm của người tiêu dùng trong nước khiến thị trường táo tại Việt Nam lập tức lãnh hậu quả khi sản lượng bán ra sụt giảm chóng mặt.

Chiều 27/1, trao đổi với NNVN, lãnh đạo Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) một lần nữa khẳng định, đến thời điểm hiện tại Việt Nam chưa NK lô táo caramel (sản phẩm chính bị nhiễm khuẩn Listeriosis monocytogenes là mặt hàng táo đã qua chế biến, không phải táo tươi nguyên quả) nào từ Mỹ.

Bên cạnh đó, các sản phẩm táo bị nhiễm khuẩn tại Mỹ đều xuất phát từ một DN (Cty Bidart Bros) ở bang California, trong khi Việt Nam chủ yếu NK táo từ bang Wasington DC. Mặt khác, theo báo cáo từ phía các DN NK táo, hiện không có đơn vị nào đang là đối tác của Cty Bidart Bros.

>>> [Hàng hóa ngày 27/01]: Tồn kho 339 ngàn tấn đường

Hà Thắm

 

Hà Thắm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên