MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Không thể nói giá sữa tăng do đổi tên gọi”

18-09-2013 - 08:16 AM |

Ông Nguyễn Thanh Phong, cục phó cục An toàn thực phẩm cho biết từ năm 2008 – 2013, có sự đổi tên thì sản phẩm (sản phẩm sữa cũ nay là sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em) này vẫn tăng giá.

Ngày 16.9, đại diện cục Quản lý giá bộ Tài chính, khẳng định tình trạng loạn giá sữa là do các doanh nghiệp đã lách bằng cách không đăng ký là “sữa” mà thay vào đó là “sản phẩm dinh dưỡng bổ sung”.

Và ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng cục Quản lý giá cho biết: “Từ đầu năm nay không hề thấy các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa đăng ký giá bán sữa với cục Quản lý giá nữa”. Tuy nhiên, ngày 17.9, trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Nguyễn Thanh Phong, cục phó cục An toàn thực phẩm bộ Y tế đã nói ngược lại:

Việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đưa ra định danh sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em căn cứ vào luật An toàn thực phẩm, luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá. Ngoài ra, các quy chuẩn kỹ thuật này được xây dựng trên cơ sở các tiêu chuẩn kỹ thuật của uỷ ban Tiêu chuẩn hoá thực phẩm quốc tế (CODEX) và các tiêu chuẩn quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên tham gia. 

Trước đây, những sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em vẫn được gọi là sữa. Tuy nhiên, khi có luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng như quy định của quốc tế khác, thì sữa bột phải đạt 34 độ đạm, mà 34 độ đạm thì trẻ em không hấp thu được, mà gây ra tình trạng đầy hơi, rối loạn tiêu hoá. Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ đã dùng sữa bột 34 độ đạm để pha chế cùng bột, ngũ cốc khác và đặc biệt bổ sung rất nhiều vitamin và khoáng chất phù hợp với dinh dưỡng của trẻ nhỏ.

Đó là cơ sở để đưa ra việc định danh. Tuy nhiên, có nhiều người cho rằng, việc định danh này là nguyên nhân giúp các doanh nghiệp nâng giá sữa vừa qua, thưa ông?

Chúng ta phải hiểu quy định về quản lý giá sản phẩm này được quy định từ năm 2008, đến năm 2013, việc định danh này mới có. Từ năm 2008 – 2013, có sự đổi tên thì sản phẩm (sản phẩm sữa cũ nay là sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em) này vẫn tăng giá. Như vậy, không thể nói rằng có sự thay đổi này là cơ sở hay nguyên nhân để tăng giá sữa.

Khi thay đổi định danh thì sản phẩm này không nằm trong những mặt hàng bình ổn giá, và đây có phải là điểm doanh nghiệp lách luật để tăng giá?

Nhận định này là không có cơ sở vì đến ngày 1.6.2013, thì ba quy chuẩn về sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em mới có hiệu lực, tức là trước khi quy định này có hiệu lực ba tháng. Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản gửi cục Quản lý giá (bộ Tài chính) để thông báo quy chuẩn sẽ có hiệu lực và khẳng định rõ bản chất các sản phẩm này trước đây đã được quản lý về giá và đề nghị cục Quản lý giá phải áp các sản phẩm mới này vẫn được quản lý giá theo quy định cũ. 

Ngoài ra, ngày 22.8.2013, cục An toàn thực phẩm đã họp với cục Quản lý giá để thống nhất các nội dung và khẳng định lại việc xác định định danh này về bản chất không thay đổi so với việc trước đây ta gọi là sữa để quản lý về giá. Và đề nghị những sản phẩm này phải quản lý giá giống như trước đây vẫn quản lý. Các công ty đang kinh doanh sản phẩm này trước đây và hiện vẫn phải kê khai giá với sở Tài chính địa phương. Khi chưa có thay đổi tên gọi, thì việc tăng giá vẫn xảy ra trong năm năm qua.

Ông nói không phải việc định danh là nguyên nhân tăng giá sữa, nhưng từ đầu năm đến nay, nhiều sản phẩm dinh dưỡng tăng năm lần mà không vượt quá quy định của bộ Tài chính. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Để khẳng định việc này phải xem xét các mốc thời gian từ đầu năm 2013 đến 1.6.2013, nghĩa là lúc quy chuẩn về sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em mới có hiệu lực tăng giá cụ thể như thế nào? Và từ tháng 6 đến nay tăng như thế nào? Xem có đúng việc thay đổi tên gọi là nguyên nhân tăng giá hay không? Tất cả phải xem xét cẩn thận mới đủ cơ sở để khẳng định việc tăng giá này do thay đổi tên hay không. 

Về quản lý nhà nước, chúng ta đã đưa ra các văn bản quy phạm pháp luật, nếu văn bản đó doanh nghiệp lách luật, thì chúng ta phải xem lại. Thông tư 104 năm 2008 của bộ Tài chính có quy định sữa trong vòng 15 ngày liên tục không được tăng 20% so với giá hiện tại. Nếu như tôi là doanh nghiệp, thì tôi để 16 ngày, tôi mới tăng. Rõ ràng, tôi không vi phạm quy định về quản lý giá. Như vậy, chúng ta cần xem lại các quy định khác nữa, chứ không thể khẳng định việc thay đổi tên gọi là nguyên nhân để các cơ sở lách luật tăng giá.

Theo Lệ Hà

khanhnt

Sài Gòn tiếp thị

Trở lên trên