MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muôn kiểu "cắt cổ" hành khách ngày giáp Tết

17-01-2014 - 23:00 PM |

Cận Tết cũng là lúc nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, chủ yếu tập trung vào các tuyến tầm trung và tầm dài. Nắm được nhu cầu đó, nhiều doanh nghiệp không ngại ngần đẩy giá vé lên trên trời.

Sở dĩ, các doanh nghiệp này dám lộng hành là do cách quản lý chưa nghiêm.

Giá vé “cắt cổ”  hành khách

Thời điểm này cũng đang là “giờ cao điểm” đối với những người có quê ở xa TP.HCM. Bởi họ phải lo lắng rất nhiều chuyện vé tàu, xe, máy bay đi lại. Ngoài vé tàu đã đóng cổng, vé máy bay lại “ở trên trời” nên rất nhiều người, đặc biệt là những lao động nghèo, người thu nhập thấp đang lần mò về các bến xe để tìm tấm vé về quê ăn Tết với gia đình.

Anh Thắng, là phóng viên một tờ báo ngành, có trụ sở ở Q.3 chia sẻ, nhà không xa, ở Gia Lai thôi mà không thể nào mua được vé xe. Cũng có nhờ vả vài người, song kết quả không có gì sáng sủa cả. Bất lực, đành phải mua vé ra Quy Nhơn rồi đón một chặng xe nữa để về Gia Lai. Bao nhiêu năm đi học đã khổ chuyện xe về, năm nay đi làm cũng không tránh khỏi cơn ác mộng này. Thực ra thì xe về Gia Lai có rất nhiều nhưng phải tìm đến những hàng xe nào có “uy tín” để cho yên tâm, dù vậy ra các trạm, bến gọi điện trực tiếp thì các nhà xe cho biết đã hết vé. Còn có nơi kêu còn vé nhưng đắt gấp nhiều lần so với ngày thường, nên đành phải sử dụng cách trung chuyển này.

Điển hình, các tuyến về Đà Lạt, Đăk Lắk, Kon Tum cũng tăng chóng mặt. Chị Nguyễn Thị Vũ Huyền, ngụ tại Gò Vấp cho biết, tôi thường về Đà Lạt bằng các xe nằm ở ngoài bến. Thế nên Tết này cũng định mua vé nhưng hỏi thì biết được giá cao quá. Ví như nhà xe The Sinh có giá là 555 ngàn đồng, tăng khoảng 120%, nhà xe Phương Nam có giá 480 ngàn đồng, tăng đến 140%...  Tầm trung đã mệt thì những chặng đường dài còn khổ hơn gấp trăm lần.

Chị Hải, ngụ tại Tân Bình đang làm công nhân tại khu công nghiệp Tân Bình cho biết: “Tôi định về Đà Nẵng vào khoảng 27 hoặc 28 Tết. Tuy nhiên, khi hỏi giá vé xe thì đắt đỏ quá nên vẫn chưa biết được có về hay không. Cụ thể, tôi có gọi điện cho nhà xe  Hạnh café thì được biết giá vé của họ là 1,8 triệu đồng, trong khi đó ngày thường chỉ vào khoảng 530 ngàn đồng. Choáng quá tôi đành suy nghĩ lại. Vì mỗi tháng lương không được bao nhiêu tiền rồi còn phải lo đủ thứ chuẩn bị về quê, nếu mà tiền xe vô – ra mất đứt gần 4 triệu thì quả thật không còn gì để nói”.

Trong vai một người muốn mua vé về tuyến Quảng Ngãi, chúng tôi liên hệ nhà xe S.T ở Q. Tân Bình thì được biết, giá vé hiện nay là 750 ngàn đồng, áp dụng cho các ngày 24 – 29 tháng Chạp. Tương tự, chiều từ Quảng Ngãi vào cũng có giá 750 ngàn đồng/vé. Đó là các vé ngồi. Chị Thảo, quê Quảng Ngãi cho biết, thông thường giá vé tuyến này (đi với xe chất lượng, uy tín, thương hiệu) cũng chỉ có khoảng 390 ngàn đồng mà giường nằm. Giá của S.T thật quá đắt. Cũng hãng xe này, đi từ TP.HCM – Hà Tĩnh có giá 1,5 triệu đồng vào các ngày 25 – 27 Tết và chiều ngược lại từ Hà Tĩnh – TP.HCM các ngày 6 – 10 âm lịch có giá tương tự, 1,5 triệu đồng.

Lấy mác chất lượng cao để “gặt hái”?

Việc các doanh nghiệp bán vé xe với giá trên trời làm nhiều người bức xúc. Anh Nguyễn Huy Hùng, ngụ Q.2 chia sẻ, họ cứ lấy mác là nhà xe uy tín, thương hiệu, chất lượng mà lại làm ăn kiểu đó thì chẳng khác nào chặt chém. Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận lại các nhà xe kiểu này. Một trong số việc cần làm là cơ quan chức năng phải công bố danh sách những nhà xe bán giá vé vượt khung cho phép. Kế đến, khách hàng cũng nên tẩy chay họ, sử dụng các xe khác.

Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, cho tới thời điểm này, bến đã làm việc với các đơn vị chuẩn bị tốt kế hoạch phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Bến xe có đầy đủ xe, chặng đi để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, việc thiếu vé, hết vé, tăng giá quá trần chỉ xảy ra ở các nhà xe có thương hiệu. Còn các doanh nghiệp bán vé đại trà thì hoàn toàn đủ cung cấp cho người dân và chỉ tăng từ 20 – 60%, tùy theo doanh nghiệp. Riêng việc giá vé tăng quá cao cũng có doanh nghiệp bị xử lý, cụ thể đó là Chín Nghĩa, chạy tuyến TP.HCM – Quảng Ngãi.

Theo đó, bến xe Miền Đông đã báo cáo vụ việc cho sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM và Sở này cũng đã có công văn gửi cho sở GTVT Quảng Ngãi phối hợp đình chỉ khai thác tuyến TP.HCM – Quảng Ngãi và ngược lại đối với doanh nghiệp Chín Nghĩa, đặc biệt là phải trả lại phần tiền chênh lệch đã bán cho khách hàng. Theo bảng kê khai thì giá ghế ngồi là 340 ngàn đồng/vé và giường nằm là 390 ngàn đồng/vé bán cho các ngày từ 17 – 20/1/2014.

Trong đợt cao điểm này, doanh nghiệp này được phép phụ thu 20% trên giá niêm yết, như vậy tối đa thì cũng chỉ lên tới 410 ngàn đồng/vé ngồi và 470 ngàn đồng/vé giường nằm. Tuy nhiên, khi bán ra cho khách hàng, doanh nghiệp này lại bán vé từ 480 – 625 ngàn đồng/vé, tùy loại, chênh lệch mỗi vé từ 70 – 155 ngàn đồng”. Sau “tối hậu thư” của các sở GTVT thì doanh nghiệp này cũng đã khắc phục sai phạm và hoàn trả lại cho 220 hành khác đã trót mua phải vé “cắt cổ”. Đó chỉ là một điển hình trong bến xe quản lý bị xử lý.

Còn ở bên ngoài thì tình trạng bát nháo này vẫn ngang nhiên chặt chém hành khách. Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra sở GTVT TP.HCM cho biết, Thanh tra Sở chỉ kiểm tra tình trạng xe dù, bến cóc còn việc kiểm soát giá vé thì không có quyền, nó thuộc về Thanh tra sở Tài chính. Theo thống kê của sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện có khoảng gần 12 ngàn xe, tương đương trên 300 ngàn chỗ ngồi đang hoạt động trá hình, xe dù, bến cóc. Trong khi đó, cả TP.HCM và các đơn vị khác tham gia vận tải cũng chỉ phục vụ được 170 ngàn chỗ. Ông Trần Đức Thịnh, Phó Chủ tịch Thường trực hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM HASCON cho rằng, còn những hiện tượng như trên thì có thể suy luận ra rằng: Người ta chỉ có thể làm bậy khi chúng ta chưa nghiêm.

Bắt kẻ mạo danh nhân viên nhà xe chiếm đoạt tài sản

Ngày 11/1/2014, phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an TP.HCM đã tạm giữ hình sự đối với 4 đối tượng: Huỳnh Văn Hưng (42 tuổi), Huỳnh Dũng Minh Lâm (23 tuổi, con của Hưng, cùng ngụ Q. Bình Thạnh), Tống Việt Thanh (43 tuổi, ngụ Q.7) và Nguyện Văn Thanh (43 tuổi, ngụ Q. Tân Phú) để điều tra về hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, băng nhóm này chuyên giả nhân viên các nhà xe để lôi kéo, gạ gẫm hành khách tại các bến xe rồi đưa ra ngoài đi xe dù. Khi con mồi sập bẫy, chúng đưa lên các nhà xe sắp ngồi các hàng ghế cuối và tra tấn cưỡng đoạt tài sản. PC45 cho biết, mỗi ngày bọn chúng thực hiện được khoảng 4 – 5 vụ.

Theo Chí Thanh

khanhnt

Đời sống và pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên