MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệu ứng "Mặc cảm Zoom" khi họp online triền miên: Bỗng thấy tự ti khi nhìn mặt mình trên màn hình, kết quả là liều mạng "dao kéo" để có diện mạo hoàn hảo

07-10-2021 - 22:38 PM | Sống

Hiệu ứng "Mặc cảm Zoom" khi họp online triền miên: Bỗng thấy tự ti khi nhìn mặt mình trên màn hình, kết quả là liều mạng "dao kéo" để có diện mạo hoàn hảo

Kể từ khi chuyển sang làm việc tại nhà và tham gia những buổi họp, gặp gỡ online vì dịch bệnh bùng phát, nhiều người đã hình thành tâm lý mặc cảm ngoại hình khi phải liên tục nhìn gương mặt "đầy khiếm khuyết" của mình trên màn hình.

Jane, 40 tuổi, một chuyên gia sức khỏe tâm thần đến từ thành phố Cork, Ireland, chưa từng lo lắng quá nhiều về vẻ ngoài của bản thân. Thế nhưng, kể từ khi chuyển sang làm việc online, cô bắt đầu sợ những buổi họp qua màn hình máy tính. Những lúc ấy, Jane bỗng nhận ra gương mặt của cô tròn hơn, chiếc mũi tự dưng lại to ra và phần môi trên trông mỏng hơn, khác hẳn với hình ảnh mà cô thường thấy trong gương.

"Tôi luôn nghĩ bản thân mình cuốn hút và mọi người gặp tôi bên ngoài cũng thường dành cho tôi nhiều lời khen. Nhưng trên mạng, mọi người chẳng buồn khen ngợi gương mặt xinh xắn của tôi" - Jane bộc bạch.

Vào tháng 6 vừa qua, Jane tự mình giải quyết vấn đề này bằng cách tiêm filler vào mũi và chất làm đầy để giảm nếp nhăn. Cô hoàn toàn hài lòng với kết quả và dự định sẽ "trùng tu" thế này mỗi năm.

Hiệu ứng Mặc cảm Zoom khi họp online triền miên: Bỗng thấy tự ti khi nhìn mặt mình trên màn hình, kết quả là liều mạng dao kéo để có diện mạo hoàn hảo - Ảnh 1.

Hiện tượng "Mặc cảm Zoom"

Khi đại dịch khiến nhiều người phải chuyển sang làm việc online trong suốt năm 2020, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một hiện tượng mới mà họ gọi là "Mặc cảm Zoom" (Zoom dysmorphia). Sau nhiều tháng thực hiện những cuộc họp và gặp gỡ online, liên tục nhìn gương mặt mình trên màn hình máy tính, ngày càng nhiều người nhận thấy nhiều khiếm khuyết trên gương mặt cần phải khắc phục.

Shadi Kourosh , một bác sĩ da liễu ở Massachusetts, Mỹ, đã đặt ra thuật ngữ này sau khi phòng khám của cô mở cửa đón khách trực tiếp trở lại vào mùa hè vừa qua. Khi đó, Kourosh nhận thấy có sự gia tăng rất lớn về số lượng các cuộc hẹn tư vấn cho những lo lắng về vấn đề "dao kéo" như tiêm botox, filler, tái tạo bề mặt da bằng laser hay lột da bằng hóa chất.

"Khi nghe những tâm tư mà mọi người chia sẻ, tôi cảm thấy bất ngờ khi phát hiện rất nhiều người đang cảm thấy lo lắng về vẻ ngoại hình của mình" - Kourosh nói.

Đáng nói hơn là khi tình hình cải thiện, mọi người được gặp nhau trực tiếp thì những cuộc hẹn nhờ cô tư vấn như thế vẫn không hề giảm đi chút nào. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Da liễu Phụ nữ Quốc tế , Kourosh và các đồng nghiệp của cô phát hiện ra rằng 71% người được khảo sát lo lắng về việc tham dự các sự kiện trực tiếp và cứ 10 người được hỏi thì có 3 người cho biết họ có kế hoạch đầu tư thay đổi ngoại hình vì tâm lý lo sợ ấy. Mặc dù những con số này không hẳn là đến từ hội chứng "Mặc cảm Zoom" nhưng không thể phủ nhận những cuộc họp online suốt mùa dịch đã góp phần gây ra sự bất an về diện mạo với nhiều người.

Hiệu ứng Mặc cảm Zoom khi họp online triền miên: Bỗng thấy tự ti khi nhìn mặt mình trên màn hình, kết quả là liều mạng dao kéo để có diện mạo hoàn hảo - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Các nghiên cứu tâm lý học từ lâu đã cho thấy mối tương quan giữa thời gian ngồi trước gương với sự gia tăng cảm giác bất an và Kourosh cho rằng việc mọi người nhìn chính mình trên màn hình cũng gây ra những hiệu ứng cảm giác tương tự. Thêm nữa, đôi lúc camera được đặt gần gương mặt có thể làm sai lệch ngoại hình, như khiến mắt trông nhỏ hơn và mũi có vẻ to hơn. Giờ đây, mọi người được thấy gương mặt mình mỗi khi nhìn và nói chuyện với người khác nên cảm giác về diện mạo của bản thân càng thêm khác biệt.

Kourosh và các cộng sự cho rằng sự biến dạng gương mặt một phần là do công nghệ gây ra. "Mọi người thường bận tâm đến những nếp nhăn xuất hiện quanh mắt và đó có thể là do họ đang nhìn mình đang nheo mắt trước màn hình".

Các bác sĩ đã quá quen với tình trạng khách hàng của họ bị mắc hội chứng mặc cảm cơ thể trầm trọng khi nhìn những bức ảnh lung linh trên mạng xã hội trong vài năm gần đây. Nhưng hầu hết mọi người đều đủ nhận thức để biết rằng nhiều hình ảnh đều đã qua chỉnh sửa hoặc nhờ cậy các ứng dụng làm đẹp.

Kourosh nhận định "Mặc cảm Zoom" khó hiểu hơn vì mọi người chỉ đơn giản không biết rằng các cuộc gọi điện video cũng có thể gây ra biến dạng gương mặt. Kiểu bất an này ảnh hưởng đến một bộ phận lớn trong xã hội vì rất nhiều người đã phải làm việc tại nhà sau khi dịch bệnh bùng phát.

Cũng giống như Jane, Dimplez Ijeoma, một nhà chiến lược xã hội và tư vấn tiếp thị ở Los Angeles, Mỹ thuộc độ tuổi 30, thường không dành quá nhiều thời gian ngắm nghía bản thân trong gương trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng khi buộc phải nhìn chằm chằm vào gương mặt mình trên màn hình khi tham gia các cuộc họp online liên quan đến công việc lên đến 40h/tuần, cô bắt đầu lo lắng về làn da của mình.

Ban đầu, Ijeoma đã thử mọi cách để cải thiện như dùng bộ lọc filter, thay camera và đổi quy trình chăm sóc da. Nhưng cuối cùng, cô vẫn phải nhờ cậy các phương pháp "dao kéo".

"Khi soi gương sau 8 giờ sử dụng filter làm đẹp trên Zoom, bạn sẽ phát hiện ra khiếm khuyết như lỗ chân lông quá to" - Ijeoma chia sẻ.

Hiệu ứng Mặc cảm Zoom khi họp online triền miên: Bỗng thấy tự ti khi nhìn mặt mình trên màn hình, kết quả là liều mạng dao kéo để có diện mạo hoàn hảo - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Hiệu ứng Mặc cảm Zoom khi họp online triền miên: Bỗng thấy tự ti khi nhìn mặt mình trên màn hình, kết quả là liều mạng dao kéo để có diện mạo hoàn hảo - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng những thủ thuật ấy. Becky Schwarz, 27 tuổi, đến từ Washington, Mỹ, hiện đang là giám đốc hoạt động của một công ty tư vấn nghề nghiệp và xây dựng thương hiệu cá nhân, bị chẩn đoán mắc bệnh lupus ban đỏ hồi đầu dịch.

Tình trạng này khiến Schwarz bị rụng tóc rất nhiều và việc sử dụng thuốc steroid khiến gương mặt cô sưng phù và trông tròn lên hẳn. Dần dần, Schwarz rơi vào trầm cảm khiến việc tắm rửa và chăm sóc bản thân trở nên khó khăn hơn. Sự tuột dốc diện mạo khiến Schwarz mất đi tự tin khi xuất hiện trước màn hình máy tính.

Schwarz phải viện cớ, nói rằng camera bị hỏng hoặc gọi từ điện thoại để tránh trưng ra gương mặt hết mức có thể. Mỗi khi bắt buộc phải lộ diện, Schwarz trang trí bức tường phía sau lưng để phân tán sự chú ý của mọi người, đồng thời giảm ánh sáng trong phòng xuống mức thấp nhất.

"Những cuộc gặp gỡ online khiến tôi muốn trở nên vô hình hơn bao giờ hết và tôi cảm thấy rất cô đơn. Tôi thật sự không biết làm cách nào để thay đổi suy nghĩ của mình" - Schwarz chia sẻ.

Khi được ra ngoài và gặp mặt trực tiếp mọi người, chứng rối loạn lo âu và mặc cảm cơ thể của Schwarz bị đẩy lên mức cao nhất. "Tôi không thích đi ra ngoài để mọi người nhìn thấy gương mặt thật mà tôi luôn cố gắng che giấu trong suốt thời gian qua".

"Những cuộc họp online khiến tôi liều mạng để có được diện mạo hoàn hảo"

Đối với một số người, họp online làm trầm trọng hơn những rối loạn cơ thể hiện có. Sam, một nhà phân tích dữ liệu 28 tuổi đến từ Toronto, Canada, nói rằng anh đã phải trải qua những suy nghĩ về việc thay đổi vể ngoài từ những năm 20 tuổi. Đó cũng là lúc Sam bắt đầu chỉnh sửa một vài khiếm khuyết trên gương mặt mình.

"Tôi liên tục dừng lại trước gương hoặc các bề mặt phản chiếu để xem xét đặc điểm gương mặt có giống như gương mặt được lưu giữ trong tâm trí tôi không " - Sam nói. Và khi phải thực hiện những cuộc họp online, anh cảm giác như mình đang soi gương cả ngày.

Việc điều chỉnh góc quay để che đi khuyết điểm không thể giúp ích được gì và ứng dụng cũng không cho phép người dùng ẩn chế độ hiển thị gương mặt họ. Sam đã đi chữa trị chứng mặc cảm cơ thể nhưng cuối cùng, anh vẫn quyết định sửa mũi.

Hiệu ứng Mặc cảm Zoom khi họp online triền miên: Bỗng thấy tự ti khi nhìn mặt mình trên màn hình, kết quả là liều mạng dao kéo để có diện mạo hoàn hảo - Ảnh 5.

Ảnh minh họa.

"Tôi đã hài lòng trong một vài tháng đầu nhưng sau đó, cảm giác mặc cảm cơ thể lại trỗi dậy khiến tôi nhận ra thêm nhiều khuyết điểm khác trên gương mặt mình. Hiện tại, tôi đang chờ đến lượt để gặp một nhà trị liệu có chuyên môn về rối loạn mặc cảm ngoại hình" - Sam chia sẻ.

Cũng là một nạn nhân của chứng "Mặc cảm Zoom", Chad Teixeira, một doanh nhân 25 tuổi đến từ London, Anh, đã đăng ký lịch hẹn phẫu thuật thẩm mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3 vừa qua. Ca phẫu thuật kéo dài 10 giờ đồng hồ bao gồm hút mỡ và tạo hình thành bụng giúp anh giảm gần 41kg. Đổi lại, Teixeira bị mất một lượng lớn máu trong cơ thể và phải truyền máu 2 lần sau lần "dao kéo" đó.

Dù sau đó, Teixeira cảm thấy tự tin hơn trong các cuộc gọi online với đồng nghiệp và khách hàng, sức khỏe tinh thần của anh cũng được cải thiện nhờ vào ngoại hình thon gọn nhưng vị doanh nhân này cho biết nếu có cơ hội quay trở về quá khứ, anh sẽ chọn làm mọi thứ khác đi.

"Tôi không nghĩ mình sẽ quyết liệt làm điều đó đến như vậy nếu như tôi không phải nhìn mình qua màn hình mỗi ngày. Những cuộc họp, gặp gỡ online đã khiến tôi liều mạng để có được ngoại hình hoàn hảo" - Teixeira nói.

Việc trở lại cuộc sống bình thường như một luồng gió mới đối với Teixeira song, điều đó vẫn không làm giảm bớt ham muốn "dao kéo" của người đàn ông này. Trong tương lai, anh có kế hoạch hút mỡ nhiều hơn và tạo hình "6 múi giả".

Hiệu ứng Mặc cảm Zoom khi họp online triền miên: Bỗng thấy tự ti khi nhìn mặt mình trên màn hình, kết quả là liều mạng dao kéo để có diện mạo hoàn hảo - Ảnh 6.

(Nguồn: The Guardian)

Theo Thái Anh

Pháp luật & Bạn đọc

Trở lên trên