MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc 'hạ nhiệt' tháng 2 ảnh hưởng ra sao đến các nước châu Á khác?

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc 'hạ nhiệt' tháng 2 ảnh hưởng ra sao đến các nước châu Á khác?

Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên ghi nhận phục hồi sau cú sốc Covid-19. Do vậy, bất kỳ dấu hiệu "hạ nhiệt" kéo dài nào của quốc gia này đều có thể tác động đáng kể đến tăng trưởng trong khu vực.

Trong tháng 2 vừa qua, nhu cầu đối với hàng công nghệ đạt mức ổn định đã thúc đẩy tăng trưởng tại các nhà máy khu vực châu Á. Tuy nhiên, sự suy giảm hoạt động sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy những thách thức mà khu vực phải đối mặt trong quá trình phục hồi hậu Covid-19.

Việc triển khai vaccine trên toàn cầu cùng với nhu cầu gia tăng là tín hiệu tích cực cho loạt doanh nghiệp phải vật lộn trong nhiều tháng trước đó. Tại Nhật Bản, hoạt động mở rộng sản xuất tại các doanh nghiệp đạt tốc độ nhanh nhất trong hơn 2 năm vừa qua. Trong khi đó, tháng 2/2021, xuất khẩu của Hàn Quốc tiếp tục tăng tháng thứ 4 liên tiếp. Như vậy, các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của khu vực châu Á đang hưởng lợi từ thương mại toàn cầu.

Mặt khác, hoạt động sản xuất tháng 2/2021 tại các nhà máy Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 9 tháng vừa qua, nguyên nhân chủ yếu từ sự bùng nổ của dịch bệnh Covid-19 và nhu cầu suy giảm của các quốc gia trong khu vực.

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital Economics, ông Mark Williams nhận định: "Nhìn tổng thể, tăng trưởng của Trung Quốc vẫn khá mạnh mẽ, nhưng tốc độ lại chậm lại so với trước đây". Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên ghi nhận phục hồi sau cú sốc Covid-19. Do vậy, bất kỳ dấu hiệu "hạ nhiệt" kéo dài nào của Trung Quốc đều có thể tác động đáng kể đến tăng trưởng trong khu vực.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của phục hồi kinh tế toàn cầu, các nhà phân tích nhận định, triển vọng đang ngày càng tích cực hơn khi nhiều công ty tăng sản lượng nhằm bổ sung hàng tồn kho với kỳ vọng vaccine sẽ sớm triển khai, các hoạt động kinh tế sẽ nhanh chóng bình thường trở lại.

Ông Shigeto Nagai, Trưởng bộ phận kinh tế Nhật Bản của Oxford Economics cho hay: "Nhu cầu về hàng hóa vẫn tiếp tục phục hồi đáng kể, tạo ra một chu kỳ tích cực cho hoạt động sản xuất tại châu Á". Theo đại diện Oxford Economics, khi vaccine được triển khai rộng rãi, những bất ổn sẽ giảm dẫn đến chi tiêu vốn tăng dần. Điều này sẽ có lợi cho các quốc gia có thể mạnh về xuất khẩu tư liệu sản xuất, điển hình như Nhật Bản.

Trong tháng 2, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc do Caixin/Markit thực hiện đã giảm xuống 50,9 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái, song vẫn đạt trên mức 50. Như vậy, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 5 năm ngoái.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Ngân hàng au Jibun Nhật Bản đã tăng từ mức 49,8 của tháng 1/2021 lên đến 51,4 trong tháng 2, đánh dấu mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/2018. Cũng trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 44,81 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xu hướng tăng 4 tháng liên tiếp, phần lớn do tăng trưởng doanh số của chip và ô tô.

Tại Việt Nam, Philippines và Indonesia, hoạt động sản xuất trong tháng 2 cũng tăng trưởng đáng kể. Nhìn chung, khu vực châu Á đang có triển vọng rất tích cực trong phục hồi hậu Covid-19.

Hà Trần/ Theo The Straits Times

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên