MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 76% vốn đầu tư FDI của Việt Nam đến từ những đối tác truyền thống này

Vốn đầu tư cấp mới đạt gần 6,5 tỷ USD (chiếm 48,3% tổng vốn đăng ký) tăng mạnh 31,3% và tăng 71,9% về số dự án cấp mới so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, tính đến 20/6/2023, vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của của cả nước đạt trên 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (FDI) đăng ký 6 tháng đầu năm nay giảm 4,3% nhưng mức giảm đã được thu hẹp so với cùng kỳ năm trước (giảm 8,1%), cho thấy tín hiệu tích cực trong thu hút FDI.

Cụ thể, vốn đầu tư cấp mới đạt gần 6,5 tỷ USD (chiếm 48,3% tổng vốn đăng ký) tăng mạnh 31,3% và tăng 71,9% về số dự án cấp mới so với cùng kỳ năm ngoái; vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 4,01 tỷ USD (chiếm 29,9% tổng vốn đăng ký) tăng mạnh 76,8%. Vốn đăng ký tăng thêm đạt 2,9 tỷ USD (chiếm 21,8% tổng vốn đăng ký), giảm 57,1% nhưng số lượt dự án tăng vốn lại tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng số dự án mới (tăng 71,9%) lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư đăng ký mới (tăng 31,3%) cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai…

Các nhà đầu tư đến từ Châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam. 6 đối tác chiếm tới 76,1% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2023 là Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan – Trung Quốc.

Hơn 76% vốn đầu tư FDI của Việt Nam đến từ những đối tác truyền thống này - Ảnh 1.

Tăng trưởng GRDP của Hà Nội. Nguồn: Tổng Cục Thống kê.

Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về đầu ra, thị trường xuất nhập khẩu, kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội vẫn đạt được các kết quả rất quan trọng.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, GRDP của thành phố ước tính tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 5,95%; quý 2 tăng 5,98%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 22,9% và đạt 62,4% dự toán năm; du lịch phục hồi mạnh với số khách đến Thủ đô gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước…; các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm.

Đặc biệt, Hà Nội vẫn thu hút thêm lượng vốn đầu tư nước ngoài đáng ghi nhận, là một trong những điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới.

Trong tháng, thành phố Hà Nội thu hút 399,7 triệu USD vốn FDI, trong đó: 50 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 26,9 triệu USD; có 18 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 9,3 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 25 lượt, đạt 363,5 triệu USD.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố thu hút 2.265,9 triệu USD vốn FDI, trong đó: Đăng ký cấp mới 196 dự án với số vốn đạt 75,6 triệu USD; 88 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 208,7 triệu USD; 173 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 1.981,7 triệu USD (trong đó 1 lượt giao dịch của Nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD).

Theo Pha Lê

Phụ nữ số

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên