MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Huyền thoại đầu tư Burton Malkiel: "Hiếm có ai cống hiến cả đời cho thị trường chứng khoán mà lại không có bản năng cờ bạc"

27-06-2020 - 13:51 PM | Tài chính quốc tế

Tuy nhiên vấn đề là đừng nhầm lẫn điều đó với đầu tư, tác giả cuốn "Bước đi ngẫu nhiên trên phố Wall" cho hay.

Trên thế giới không có nhiều cuốn sách về đầu tư vẫn còn nguyên giá trị khi đã hơn 40 năm trôi qua kể từ khi chúng được xuất bản lần đầu nhưng "Bước đi ngẫu nhiên trên phố Wall" chính là một trong số đó.

Chính những quan sát của Malkiel – rằng các biến động ngắn hạn trên thị trường khiến rất khó để dự đoán giá cổ phiếu và do đó nhà đầu tư cá nhân nên đặt phần lớn tiền của họ vào các quỹ chỉ số - đã góp phần tạo nên trào lưu đầu tư bị động kéo dài mấy chục năm qua.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng nổ, Malkiel – người hiện đang là CIO của công ty tư vấn đầu tư Wealthfront – đã chia sẻ với phóng viên MarketWatch về một số hiện tượng thu hút được nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây: những tác động mà gói kích thích khổng lồ của Fed đem đến cho nền kinh tế, đầu tư bị động trong hoàn cảnh hiện nay có gì khác và sự trỗi dậy của đội quân những nhà đầu tư trẻ tuổi thích day-trading.

MarketWatch: Trong cuốn "Bước đi ngẫu nhiên trên phố Wall", ông viết rằng nhìn chung các nhà đầu tư nên mua và nắm giữ cổ phiếu dài hạn thay vì cố gắng theo đuổi những chiến lược cụ thể hoặc mua bán trong thời gian quá ngắn. Ông cảm thấy thế nào khi ngày nay các nhà đầu tư, mà phần lớn là những người trẻ tuổi, lại coi đầu cơ cổ phiếu giống như 1 hình thức giải trí trong thời gian phải ở trong nhà vì Covid-19?

Malkiel: Tôi tin rằng rất nhiều người coi đầu tư chứng khoán là lựa chọn thay thế cho cá cược thể thao. Ở góc độ nào đó thì có thể cảm thông với điều này. Tôi không nghĩ rằng trên đời này có ai đó cống hiến cả đời cho việc nghiên cứu và làm việc trên TTCK mà lại không có chút máu ham cờ bạc nào. Tôi là người đầu tiên thừa nhận có tham gia cá cược đua ngựa và từng vào sòng bài ở Las Vegas, vì thế tôi không cho là có gì đó sai trái.

Tuy nhiên vấn đề là đừng nhầm lẫn điều đó với đầu tư. Đối với tôi, đầu tư có nghĩa là mua và nắm giữ dài hạn. Luận điểm cơ bản của "bước đi ngẫu nhiên" là bạn sẽ thu về kết quả tốt hơn nếu mua 1 quỹ chỉ số thay vì mua những cổ phiếu đơn lẻ. Nếu mua bán cổ phiếu trong ngày và nghĩ rằng mình đang đầu tư thì bạn đã hoàn toàn sai. Tất cả các bằng chứng cho thấy phần lớn day trader đều mất tiền. Trên TTCK không giống như sòng bạc. Thực ra tôi cũng có lần thắng bạc thường xuyên, nhưng về dài hạn thì vẫn thua mà thôi.

MarketWatch: Gần đây nổi lên ý kiến cho rằng những ông lớn đã giúp phổ biến chiến lược đầu tư chỉ số - như các quỹ Vanguard, BlackRock – đang bắt đầu có quá nhiều quyền lực trong tay và họ có thể kiểm soát thị trường theo ý muốn. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Malkiel: Một trong những lập luận là họ có quá nhiều quyền lực và sẽ làm tổn hại thị trường, khiến thị trường không hoạt động hiệu quả nữa vì không sống như các nhà đầu tư chủ động sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng từng công ty, các quỹ chỉ số chỉ đơn giản là mua tất cả mọi thứ và đổ nhiều tiền vào các công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất, vì thế tiền chỉ chảy vào những cái tên như Apple và Microsoft.

Tuy nhiên lập luận này không đúng. Bởi vì ngoài các quỹ chỉ số thì còn rất nhiều các nhà quản lý quỹ chủ động, các quỹ tương hỗ và quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân. Các quỹ chỉ số không ảnh hưởng đến giá trị vốn hóa. Nếu có quá nhiều tiền đổ vào Apple và Microsoft và những cổ phiếu bị lãng quên thực sự trở nên quá rẻ, chắc chắn là tiền sẽ chảy sang những cổ phiếu đó. Thị trường luôn hoạt động hiệu quả.

MarketWatch: Ông nghĩ thế nào về sự hiện diện của Fed trên thị trường tài chính ở thời điểm hiện tại? Liệu sự can thiệp khổng lồ của Fed sẽ khiến các quy tắc về rủi ro bị bóp méo?

Malkiel: Đã có rất nhiều bài viết về sự mất kết nối giữa nền kinh tế thực và thị trường chứng khoán, rằng TTCK cứ liên tiếp lập đỉnh trong khi nền kinh tế thực lại đang suy thoái. Nhưng không chỉ có Fed mà cả NHTW châu Âu, NHTW Nhật Bản cũng đang bơm hàng nghìn tỷ USD để kích thích kinh tế. Ở Mỹ lãi suất không âm nhưng lợi suất trái phiếu 10 năm đã mắc kẹt ở mức thấp kỷ lục trong 1 thời gian dài. Trên thế giới có một lượng lớn các tài sản nợ có chất lượng cao nhưng đang được bán ở mức lãi suất âm.

Tôi cho rằng chính sách can thiệp của Fed là đúng đắn. Với mức độ suy thoái nặng nề như hiện nay, Fed gần như không có lựa chọn khác. Để ngăn chặn kịch bản sụp đổ hoàn toàn trong bối cảnh phong tỏa như hiện nay, rõ ràng đó là những chính sách cần thiết. Nhưng chắc chắn là những tác động mà các gói kích thích gây ra cũng là rất lớn.

MarketWatch: Sau khủng hoảng tài chính 2008 chúng ta đã ở trong tình trạng lạm phát siêu thấp trong thời gian dài. Liệu sau cuộc khủng hoảng này tình trạng đó sẽ lặp lại và còn trầm trọng hơn?

Malkiel: Sau cuộc khủng hoảng trước, Fed đã thực hiện quá trình bán bớt tài sản một cách hết sức chậm chạp và quy mô bảng cân đối kế toán của Fed mới chỉ thu hẹp không đáng kể trước khi họ phải dừng lại. Giờ đây câu hỏi sẽ là sau Covid-19, khi môi trường kinh tế bình thường trở lại, quá trình đảo ngược của Fed có đủ nhanh hay không?

Có nhiều người cho rằng "lạm phát đã chết, chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại lạm phát nữa", nhưng tôi rất hoài nghi về điều đó. Với khối lượng thanh khoản khổng lồ trên thế giới hiện nay, có lẽ cuối cùng áp lực lạm phát sẽ xuất hiện, nhưng không phải năm nay, năm 2021 hay thậm chí là 2022.

MarketWatch: Có phải chúng ta đang ở trong bẫy thanh khoản? (ND: bẫy thanh khoản là hiện tượng trong đó chính sách tiền tệ được nới lỏng bằng biện pháp giảm lãi suất để rồi lãi suất xuống thấp quá một mức nhất định, khiến cho mọi người quyết định giữ tài sản của mình dưới dạng tiền mặt và chính sách tiền tệ trở nên bất lực).

Malkiel: Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers đã nhận định chúng ta đang ở trong bẫy thanh khoản, về cơ bản là thế giới đang tiết kiệm quá nhiều. Ở thời điểm hiện tại thì nhận định đó đúng. Tuy nhiên về dài hạn thì chưa chắc. Hãy nhớ rằng Mỹ vừa tung ra gói kích thích 3.000 tỷ USD. Hơn nữa nếu áp lực lạm phát bắt đầu xuất hiện, mọi người sẽ nhanh chóng chi tiêu vì sợ tiền mất giá.

MarketWatch: Điều này ảnh hưởng như thế nào đến tỷ lệ vàng 60/40 áp dụng cho tỷ lệ cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục đầu tư?

Malkiel: Tôi luôn nghĩ rằng không nhất thiết phải là 60/40, chính xác hơn thì bạn nên có 1 danh mục đầu tư đa dạng. Trong cuốn "Bước đi ngẫu nhiên trên phố Wall" bản mới nhất, tôi đã khuyến nghị rằng những người đã nghỉ hưu có thể giảm tỷ lệ trái phiếu trong danh mục của họ. Không phải vì bạn không cần tài sản an toàn mà bởi vì có những tài sản tốt hơn so với trái phiếu. Ở thời điểm hiện tại trái phiếu không mang lại thu nhập, thậm chí về dài hạn thì loại tài sản này còn có rủi ro vì nếu lạm phát xảy ra, lợi suất sẽ tăng và giá trái phiếu sẽ giảm.

Vậy thì bạn nên làm gì? Một lựa chọn khá tốt là cổ phiếu ưu đãi. Bạn có thể mua những cổ phiếu ưu đãi có chất lượng tốt, ví dụ như của JPMorgan Chase, thu về lợi suất 5% và bị đánh thuế ít hơn so với lợi tức từ trái phiếu. Các cổ phiếu phổ thông có chất lượng cao và có trả cổ tức, ví dụ như IBM hay Verizon, cũng là lựa chọn tốt.

MarketWatch: Trong thời gian cách ly xã hội ông đã làm những gì để giết thời gian?

Malkiel: Tôi viết lách và đã trở nên quá quen với phần mềm họp trực tuyến Zoom. Ngoài ra tôi xem nhiều phim hơn trên HBO và Turner Classic Movies. Nhờ Covid-19 mà tôi đã có cơ hội xem lại "Casablanca" – bộ phim mà tôi xem lần đầu từ khi còn là 1 đứa trẻ.

Tham khảo MarketWatch

Thu Hương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên