MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KBSV hạ dự báo VN-Index cuối năm 2021 từ 1.480 điểm xuống 1.400 điểm, cho rằng nhịp tăng vượt đỉnh của cổ phiếu là cơ hội để bán giảm tỷ trọng

KBSV hạ dự báo VN-Index cuối năm 2021 từ 1.480 điểm xuống 1.400 điểm, cho rằng nhịp tăng vượt đỉnh của cổ phiếu là cơ hội để bán giảm tỷ trọng

KBSV đánh giá, cổ phiếu vốn hoá lớn tiếp tục nên được ưu tiên khi là nhóm có khả năng chống chịu tốt với các tác động xấu từ dịch COVID-19, đồng thời cũng có sức bật tốt nhất khi nền kinh tế hoạt động ở trạng thái “bình thường mới”.

Trong báo cáo triển vọng thị trường mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng dư địa tăng của thị trường trong quý 4/2021 đã bị thu hẹp đáng kể dưới tác động của đợt dịch COVID-19 cùng với các quy định cách ly xã hội được áp dụng tại các thành phố lớn. 

Theo KBSV, nhịp điều chỉnh sâu của thị trường trong tháng 7 đã phần nào phản ánh các tác động tiêu cực từ đợt bùng phát dịch vừa qua, trước khi thị trường bước vào nhịp đi ngang, hồi phục nhẹ trong tháng 8 và tháng 9. Đà phục hồi này được cho sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong quý 4, song không quá mạnh và mang tính phân hoá khi mà các quy định cách ly xã hội vẫn được áp dụng ở một mức độ nhất định, đi kèm rủi ro bùng phát dịch bệnh, triển vọng kết quả kinh doanh các doanh nghiệp suy yếu trong quý 3 và chưa thể bứt phá ngay trong quý 4.

KBSV hạ dự phóng tăng trưởng EPS trượt 12 tháng bình quân toàn thị trường năm 2021 xuống 25% (từ mức dự phóng 31% đưa ra vào cuối quý 2). Theo đó, P/E năm 2021 của chỉ số VN-Index ở mức 16,8 lần. Đây không phải mức P/E thấp, tuy nhiên vẫn tương đối hấp dẫn trong bối cảnh kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau khi dịch bệnh qua đi và mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp.

KBSV hạ dự báo VN-Index cuối năm 2021 từ 1.480 điểm xuống 1.400 điểm, cho rằng nhịp tăng vượt đỉnh của cổ phiếu là cơ hội để bán giảm tỷ trọng - Ảnh 1.

Xét theo tương quan P/B với ROE, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang ở vùng giá hấp dẫn hơn tương đối so với hầu hết các thị trường Châu Á khác.

Với cơ sở dự báo các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ đạt mức miễn dịch cộng đồng (70-80% dân số tiêm đủ 2 mũi) vào nửa sau quý 4, cùng với việc lạm phát trong tầm kiểm soát, chính sách tài khoá và tiền tệ mang tính hỗ trợ, lãi suất duy trì ở mức thấp, tỷ giá diễn biến ổn định, đầu tư công được đẩy mạnh, nền kinh tế và khối các doanh nghiệp dù bị ảnh hưởng nặng nề nhưng sẽ quay trở lại chu kỳ tăng trưởng vào đầu năm 2022, KBSV kỳ vọng mức P/E 2021 hợp lý quanh 17,5 lần. Vùng giá mục tiêu của chỉ số VN-Index cuối năm nay là 1.400 điểm - thấp hơn dự báo mức 1.480 điểm được đưa ra tại báo cáo trước đó.

KBSV hạ dự báo VN-Index cuối năm 2021 từ 1.480 điểm xuống 1.400 điểm, cho rằng nhịp tăng vượt đỉnh của cổ phiếu là cơ hội để bán giảm tỷ trọng - Ảnh 2.

Các nhịp điều chỉnh đáng kể là điều kiện để tích luỹ cổ phiếu

Chiến lược giao dịch được khuyến nghị là chủ động mua thấp, bán cao, bám theo xu hướng trung hạn của thị trường để mang lại hiệu quả đầu tư tốt trong quý 4. Với việc điều kiện thị trường chưa thể được cải thiện đáng kể và các rủi ro vẫn hiện hữu, các nhịp tăng vượt đỉnh của cổ phiếu là cơ hội để nhà đầu tư bán giảm tỷ trọng, hiện thực hoá lợi nhuận đối với các vị thế ngắn hạn. 

Ngược lại, nhà đầu tư có thể tích luỹ cổ phiếu nếu xuất hiện các nhịp điều chỉnh đáng kể khi xu hướng chủ đạo của thị trường trong quý 4 là hồi phục nhẹ. KBSV đánh giá, cổ phiếu vốn hoá lớn tiếp tục nên được ưu tiên khi là nhóm có khả năng chống chịu tốt với các tác động xấu từ dịch COVID-19, đồng thời cũng có sức bật tốt nhất khi nền kinh tế hoạt động ở trạng thái “bình thường mới”.

KBSV đánh giá triển vọng tích cực trong quý 4/2021 đối với triển vọng các ngành bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, điện, cảng biển, công nghệ thông tin, ngân hàng, thuỷ sản và dầu khí.

KBSV hạ dự báo VN-Index cuối năm 2021 từ 1.480 điểm xuống 1.400 điểm, cho rằng nhịp tăng vượt đỉnh của cổ phiếu là cơ hội để bán giảm tỷ trọng - Ảnh 3.

KBSV cho rằng, yếu tố thuận lợi sẽ tác động mạnh tới thị trường trong quý 4 đến từ việc làn sóng COVID-19 lần thứ 4 được kiểm soát và lộ trình tiêm vaccine được đẩy nhanh và các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”. Bên cạnh đó, đầu kéo tới từ đầu tư công và mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp giúp dòng tiền mới dồi dào đổ vào thị trường sẽ củng cố thêm đà tăng cho chỉ số.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần xét tới các yếu tố rủi ro khi FED đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, giảm chương trình mua vào tài sản, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng; rủi ro tái bùng phát dịch COVID-19 trong nước và trên thế giới; rủi ro lạm phát và lãi suất trong nước tăng và các khoản nợ doanh nghiệp tại Trung Quốc.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên