MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi nào banker nên đổi nghề?

07-09-2021 - 11:39 AM | Tài chính - ngân hàng

Khi nào banker nên đổi nghề?

Ngân hàng thường được mặc định là một nghề lương cao, có tính ổn định, và có chút "chanh sả" trong vô số các nghề của dân văn phòng. Cách đây 20 năm, đây còn là một nghề Hot của xã hội, điểm đầu vào luôn trong top các trường đại học. Để trở thành một banker là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ, nhưng các banker chuyển nghề, hay biến nghề tay trái thành tay phải cũng không hề hiếm trong ngành.

Vậy khi nào banker cân nhắc nên đổi nghề?

Khi không chịu được áp lực về thời gian làm việc

Ai làm nghề ngân hàng thì sẽ biết rõ đây là một trong những lý do hàng đầu khiến những người đã làm nghề lâu năm hay mới ra trường từ bỏ công việc. Đặc thù của ngành ngân hàng là hầu hết các vị trí, nhân viên đều phải quen với việc đi sớm về muộn. Việc OT (làm ngoài giờ) kể cả ngày nghỉ lễ tết là chuyện thường xuyên, cá biệt với các bộ phận như bộ phận thanh toán quốc tế/Kế toán ngân hàng thì Lễ Tết dương lịch sẽ làm gần như xuyên đêm do đặc thù thanh quyết toán cuối năm.

Giờ làm việc của nhân viên thẩm định hay nhân viên tín dụng cũng không gói gọn trong 8 tiếng hành chính mà phụ thuộc rất nhiều vào khách hàng.  Ở Ngân hàng, nhân viên nam hay nữ đều yêu cầu về thời gian làm việc và khối lượng như nhau, tuy nhiên người phụ nữ thường vất vả hơn rất nhiều vì còn phải quán xuyến việc nhà, chăm sóc con cái. Vô hình chung, thời gian làm việc vượt quá giờ hành chính thường xuyên lại là một áp lực rõ ràng khiến nhiều người phải rời bỏ công việc khi không có thời gian chăm lo cho gia đình. Đặc biệt là nếu người thân không cảm thông và tạo điều kiện thì áp lực này càng nặng nề hơn rất nhiều.

Không vượt qua được áp lực về KPIs

KPIs được coi là thước đo về đánh giá năng lực của hầu hết các nhân viên ngân hàng hiện nay – tương tự như việc hoàn thành doanh số đối với nhân viên sale. Và ở ngân hàng, sale cũng là một nghề gắn với nhiều vị trí: nhân viên KHCN, nhân viên KHDN, nhân viên Thẻ... Hàng tuần/tháng/quý và năm, nhân viên ngân hàng đều có một bảng KIPs cần phải hoàn thành và tương tự sẽ có cơ chế thưởng /phạt rất nghiêm. 

Xem thêm các bài viết NGHỀ TAY TRÁI tại đây

Việc hoàn thành và vượt KPIs có lẽ là thách thức không nhỏ đối với phần lớn các nhân viên ngân hàng. Đơn cử, tương ứng một chi nhánh/1 phòng ban/một nhân viên sẽ có những chỉ tiêu cụ thể cần phải đạt được. Với nhân viên sale thẻ thì bạn cần phải mở mới mỗi tháng bao nhiêu thẻ; nhân viên tín dụng cần phải có bao nhiêu hợp đồng cho vay... Để đạt được chỉ tiêu về hợp đồng mở thẻ, hay các hợp đồng cho vay, nhân viên ngân hàng cũng phải vận dụng rất nhiều kĩ năng và làm nhiều việc "ngoài lề", thậm chí phiền hà người thân để đủ chỉ tiêu được giao. Sau khi vận dụng hết quyền trợ giúp người dân, các nhân viên ngân hàng bắt buộc phải tăng nguồn khách hàng ở bên ngoài.  Và để xây dựng các mối quan hệ mới thì các hoạt động tăng ca tiếp khách ngoài giờ, uống rượu ngoại giao không hề hiếm gặp. Đây cũng là thách thức không nhỏ đối với nhân viên ngân hàng và nhân viên nữ càng gặp khó khăn hơn rất nhiều.

Thậm chí, thời điểm nóng của tăng trưởng tín dụng/huy động, việc "thay máu" nhân sự cũng trở thành nỗi sợ không tên của các banker. Nguy cơ mất việc luôn thường trực với nhân viên sale/nhân viên tín dụng… nếu không đạt KPIs.

Không vượt qua được "nỗi sợ"rủi ro về nghề nghiệp

Tín dụng ngân hàng chính là một thách thức đối với nhân viên ngành. Kể từ khi đặt bút ký giải ngân khoản vay cho khách cũng là lúc nhân viên tín dụng sẽ gắn bó sâu sắc với cả quá trình vay tiền – và trả nợ của khách.  Nợ xấu chính là nỗi sợ nhất đối với nhân viên tín dụng. Khi khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền thường sẽ tìm đến nhân viên tín dụng hỗ trợ. Và có rất nhiều đề nghị nếu nhân viên tín dụng không nắm vững nghiệp vụ, không vượt qua cám dỗ của KPIs sẽ dễ vướng vào những món nợ xấu, thậm chí vi phạm pháp luật. Đã có rất nhiều nhân viên ngân hàng phải vướng vào vòng lao lý do không làm chủ được bản thân hoặc sơ suất trong giải quyết nghiệp vụ, vi phạm pháp luật.

Khi nghề tay trái giúp giải quyết áp lực

Nhiều banker dù làm trong lĩnh vực Ngân hàng nhưng mức thu nhập không cao cùng với những áp lực kể trên đã âm thầm tìm kiếm và theo đuổi các công việc "tay trái". Thời gian đầu, có thể những banker đó chưa đủ can đảm từ bỏ một công việc được coi là "ổn định", tuy nhiên sau khi phát triển công việc tay trái đủ chín muồi – thu nhập đủ cao, thì việc từ bỏ nghề lắm áp lực chỉ là một sớm một chiều. Từ những kĩ năng các banker tích lũy được trong những tháng ngày làm ngân hàng, họ hoàn toàn có thể rẽ ngang sang làm bảo hiểm (với mức thu nhập cao hơn rất nhiều) với hệ thống mạng lưới khách hàng lớn do đã xây dựng nhiều năm khi còn là nhân viên ngân hàng hay làm sale ở các lĩnh vực khác như Bất động sản. Cá biệt có những banker rẽ hẳn sang nghề tay trái buôn bán online chỉ vì muốn có nhiều thời gian dành cho con cái và gia đình hơn.

Nhìn chung, để đi đến cùng với nghề ngân hàng hay làm nghề tay trái rồi khi đến thời điểm chín muồi sẽ rẽ ngang còn là "duyên phận" nghề nghiệp, năng lực của mỗi người, chịu được áp lực và vượt qua được áp lực. Chẳng thế mà nhiều người rẽ ngang đạt được thành công lớn hơn rất nhiều so với là một nhân viên ngân hàng nhưng cũng có rất nhiều người gắn bó với công việc banker cả cuộc đời.

Mời viết bài về NGHỀ TAY TRÁI, những VIỆC LÀM THÊM NGOÀI GIỜ của Banker

Quý độc giả đang và sẽ làm trong ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có những câu chuyện về "nghề tay trái", những việc làm thêm ngoài giờ hành chính, vui lòng đóng góp bài viết cho chúng tôi về địa chỉ email: info@cafef.vn

Độc giả có thể gửi dưới dạng bài viết hoặc tóm tắt ý tưởng, câu chuyện của mình, chúng tôi sẽ hỗ trợ biên tập thành bài báo hoàn chỉnh. Và nếu có hình ảnh của cá nhân hay nhân vật mình viết trong câu chuyện, hãy vui lòng gửi kèm bài viết cho chúng tôi.

Ban biên tập cũng sẽ phản hồi ngay các thông tin quý độc giả gửi và chi trả nhuận bút hấp dẫn cho các bài viết được đăng.

An Nhiên

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên