MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KHL, KHB, KSK lãi rớt mạnh sau soát xét, bị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ

27-08-2016 - 06:54 AM | Doanh nghiệp

KHL, KHB và KSK đều công bố mức lợi nhuận chênh lệch lớn trước và sau soát xét, thậm chí KHL còn chịu lỗ tới 9,6 tỷ đồng trong khi trước đó báo có lãi.

3 doanh nghiệp khoáng sản KSK, KHBKHL đều đã công bố BCTC bán niên 2016 đã được soát xét, theo đó cả 3 doanh nghiệp này không chỉ cùng công bố mức lợi nhuận sụt giảm so với báo cáo tự lập, thậm chí có doanh nghiệp còn báo lỗ trong khi trước đó công bố kết quả kinh doanh có lãi, ngoài ra cả 3 doanh nghiệp này còn đều bị kiểm toán nêu nhiều ý kiến cần giải trình.

KSK bị lưu ý về hoạt động hợp tác kinh doanh và các khoản tạm ứng

Cụ thể, đối với BCTC soát xét của CTCP Khoáng sản Luyện kim màu (mã CK: KSK), mức lợi nhuận sau thuế đã "bốc hơi" quá nửa khi giảm mạnh từ con số 1,19 tỷ đồng xuống còn 481,45 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch trước và sau soát xét là do công ty điều chỉnh tăng mạnh chi phí QLDN lên mức gần 1,45 tỷ đồng do tăng trích lập dự phòng phải thu khó đòi.

Tại phần ý kiến kiểm toán, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH PKF cho rằng trong phần Thuyết minh V.5 kiểm toán không thể thu thập được các thông tin tài chính về doanh thu, chi phí và lợi nhuận của các hợp đồng hợp tác kinh doanh của KSK với CTCP Tư vấn Xây dựng Ba Đình, Công ty TNHH Kim cương Lai Châu và CTCP Đầu tư Thương mại Đông Bắc. Do đó, họ không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không.

Theo giải trình từ phía KSK, lý do là tại thời điểm KSK lập báo cáo tài chính bán niên thì các đối tác của họ vẫn chưa ra BCTC bán niên nên chưa thể cung cấp các thông tin mà đơn vị kiểm toán cần. Tuy nhiên, KSK nhận định rằng, đây là các đối tác có uy tín, có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, khai thác, chế biến khoáng sản nên các khoản đầu tư này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng cho rằng việc KSK trình bày về các khoản tạm ứng trước đây đã hết hạn nhưng vẫn chưa được hoàn ứng. Cụ thể, vào cuối năm 2015, phía KSK đã tạm ứng cho ông Lê Hữu Lộc số tiền 30 tỷ đồng để mua 3 triệu cổ phần của CTCP Công nghiệp Khai khoáng. Tạm ứng cho bà Phạm Thị Hải Yến số tiền 80 tỷ đồng để mua 8 triệu cổ phần của CTCP Công nghiệp Khai khoáng. Các khoản tạm ứng này tính đến ngày 30/06/2016 đã hết hạn tạm ứng, nhưng công ty chỉ mới thu hồi được 40 tỷ đồng từ bà Phạm Thị Hải Yến. Chưa kể là trong 6 tháng đầu năm 2016, công ty lại tiếp tục tạm ứng cho bà Phạm Thị Hải Yến số tiền 52,03 tỷ đồng để mua 100% phần vốn của công ty TNHH Xây dựng Bình Minh.

Phía công ty KSK cũng đã có giải trình về việc tạm ứng cho các cá nhân trên là để đầu tư được chủ động, HĐQT thực hiện ủy quyền và giao cho các cá nhân trên thực hiện đàm phán với đối tác theo các điều kiện đã được HĐQT phê duyệt. Hiện tại, các khoản tạm ứng trên đang được công ty thu hồi từ các cá nhân.

KHB lãi giảm sau soát xét, cho giám đốc vay 23,8 tỷ đồng là phạm pháp

Theo BCTC soát xét của CTCP Khoáng sản Hòa Bình (mã CK: KHB), lợi nhuận sau thuế giảm từ 1,3 tỷ đồng xuống còn 557 triệu đồng, nguyên nhân chủ yếu do điều chỉnh chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo kết luận ngoại trừ của kiểm toán viên, do không thu thập được thông tin chính xác về thông tin tài chính của các hợp đồng kinh doanh giữa KHB với CTCP Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Gia Lai và CTCP Doanh nghiệp trẻ Hà Tĩnh nên không điều chỉnh phần này trên BCTC của công ty. Đồng thời cũng không điều chỉnh số liệu tại Công ty TNHH Sản xuất Công nghiệp Đại Việt do không có thông tin chính xác về BCTC Kiểm toán năm 2015. Ngoài ra, kiểm toán cũng cho rằng việc KHB cấp cho ông Lê Hữu Lộc - Giám đốc khoản vay 23,8 tỷ đồng mà chưa có Nghị quyết của ĐHĐCĐ là phạm pháp.

Giải trình về 2 vấn đề này, KHB cho rằng tại thời điểm KHB lập BCTC bán niên, CTCP Khoáng sản và vật liệu xây dựng Gia Lai và CTCP Doanh nghiệp trẻ Hà Tĩnh chưa ra BCTC bán niên. Công ty nhận định rằng, đây là các đối tác uy tín nên các khoản đầu tư sẽ đem lại hiệu quả cao. Còn về khoản vay của ông Nguyễn Hữu Lộc, hiện KHB đang thu hồi khoản vay.

KHL sau soát xét chuyển từ lãi sang lỗ, vẫn đang ngóng được ngân hàng miễn 20,4 tỷ đồng lãi suất

CTCP Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Hưng Long (mã CK: KHL) cũng đã công bố BCTC soát xét bán niên 2016, theo đó thay vì có lãi 307 triệu đồng trong quý 2 và 367 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm 2016, KHL bất ngờ báo lỗ ròng 9,6 tỷ đồng trong quý 2 và lỗ gần 13 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016, nguyên nhân là do chi phí QLDN bị điều chỉnh tăng từ mức 201,5 triệu đồng lên 8,176 tỷ đồng trong quý 2/2016.

Đáng chú ý, kiểm toán viên cũng đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với KHL. Cụ thể, theo QĐ số 15/2013/QĐ-HĐQT ngày 15/12/2013, KHL đang tạm thời không ghi nhận chi phí lãi vay đối với các khoản vay ngắn hạn, dài hạn của các ngân hàng để chờ quyết định của ngân hàng về việc cơ cấu lại nợ và hoàn trả vốn vay, số chi phí lãi vay ước tính phát sinh trong năm 2015 chưa được công ty ghi nhận trong năm 2015 là 3,78 tỷ đồng và chưa ghi nhận vào KQKD lũy kế từ các năm trước đến thời điểm 31/12/2015 là 20,4 tỷ đồng. Ngoài ra công ty cũng chưa chi tiết được đối tượng công nợ của khoản chi phí lãi vay phải trả số tiền là 1,82 tỷ đồng.

Về vấn đề này KHL giải trình là công ty đã thực hiện đàm phán với ngân hàng, theo đó khi công ty thực hiện trả hết các khoản nợ thì ngân hàng sẽ thực hiện miễn toàn bộ lãi suất cho công ty, tuy nhiên phía ngân hàng chưa có quyết định cụ thể.

Bên cạnh đó kiểm toán viên cũng cho biết tại thời điểm 30/6/2016, KHL không thực hiện kiểm kê quỹ tiền mặt vì vậy không thể khẳng định tính hiện hữu và tính chính xác của số dư tiền mặt đang phản ánh trên BCTC của công ty (số tiền gần 5 tỷ đồng)

Mới đây, SGD CK Hà Nội (HNX) đã ra quyết định đưa cổ phiếu KHL vào diện kiểm soát và bị hạn chế giao dịch, KHB và KSK vào diện cảnh báo. Trên sàn niêm yết, 3 cổ phiếu này đã liên tục giảm giá, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/8, KHL đóng cửa ở mức giá 1.400 đ/CP so với thời kỳ đỉnh cao trên 7.000 đ/CP, KHB đóng cửa ở mức giá 1.700 đ/CP trong khi đã có lúc cổ phiếu này được giao dịch với mức giá trên 70.000 đ/CP, KSK đóng cửa ở mức giá 1.500 đ/CP cũng giảm mạnh so với con số trên 20.000 đ/CP mà KSK từng được nhà đầu tư giao dịch.

Phan Bách

HNX

Trở lên trên