MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khơi thông điểm nghẽn giảm phát thải bằng vốn xanh

16-05-2024 - 16:53 PM | Tài chính - ngân hàng

Những doanh nghiệp khó giảm phát thải hay nhạy cảm với ESG giờ cũng buộc phải chuyển đổi để phát triển bền vững. Nguồn vốn xanh được rót kịp thời cho dự án khả thi, rõ ràng sẽ góp phần đưa Việt Nam ngày một tiến gần hơn tới mục tiêu “net zero”.

Có mặt tại Việt Nam cách đây 30 năm, Ngân hàng UOB đã cam kết mức phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050 thông qua toàn bộ hoạt động kinh doanh.

Trong một cuộc phỏng vấn đặc biệt, chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện với ông Jason Yeo Wee Peng, Giám đốc cấp cao Lĩnh vực Chuyển đổi và Phát triển bền vững tại Ngân hàng UOB Việt Nam. Tại đây, ông Jason Yeo Wee Peng đã chia sẻ về về chặng đường đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy hành trình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Khơi thông điểm nghẽn giảm phát thải bằng vốn xanh- Ảnh 1.

Ông Jason Yeo Wee Peng, Giám đốc cấp cao Lĩnh vực Chuyển đổi và Phát triển bền vững tại Ngân hàng UOB Việt Nam

PV: Mới đây, UOB Việt Nam đã ký thỏa thuận thương mại xanh một dự án ngành dừa, đây có phải là bước khởi động của UOB vào lĩnh vực nông nghiệp bền vững của Việt Nam?

Ông Jason Yeo Wee Peng: UOB đã và đang hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như công nghệ thông tin, sản xuất, y tế và nông nghiệp. Trong những năm gần đây, chúng tôi đã thấy một số quốc gia như Đức, Vương quốc Anh, Pháp và Hà Lan ban hành luật mới bắt buộc các doanh nghiệp chủ chốt thực hiện đánh giá rủi ro chuỗi cung ứng và đáp ứng các yêu cầu cụ thể, ví dụ như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM). Ngày càng có nhiều nhà nhập khẩu trên khắp thế giới yêu cầu nguyên liệu thô có tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc cao hơn trong chuỗi cung ứng cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Với khuôn khổ Tài trợ Thương mại Bền vững của UOB, chúng tôi đã phát triển một bộ chứng chỉ hàng hóa xanh đối với một số ngành như cọ, đường, cà phê, các loại hạt và thức ăn chăn nuôi, để hỗ trợ các công ty có tham vọng xanh hóa chuỗi cung ứng của họ và đáp ứng các quy định pháp lý, tiêu chuẩn ngày càng cao trên toàn thế giới.

PV: Những lĩnh vực nào được UOB tập trung nguồn tài chính theo cam kết giảm phát thải bằng 0 của mình?

Ông Jason Yeo Wee Peng: UOB mong muốn trở thành ngân hàng phát triển bền vững hàng đầu ở Đông Nam Á và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Chúng tôi hiểu tác động đáng kể mà các tổ chức tài chính có thể tạo ra trong việc xúc tác và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khử cacbon, đồng thời tìm cách cân bằng tăng trưởng với trách nhiệm thông qua việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi công bằng. Những nỗ lực của chúng tôi vượt xa việc giảm phát thải khí nhà kính (GHG), giúp đảm bảo rằng cuộc sống và sinh kế của các cá nhân và cộng đồng có thể tiếp tục được cải thiện. UOB tập trung vào 6 lĩnh vực chính là bất động sản, xây dựng, thép, dầu khí, điện và ô tô, chiếm 60% danh mục cho vay của chúng tôi. Kể từ năm 2022, chúng tôi cũng cam kết không cấp vốn cho các dự án dầu khí thượng nguồn mới.

PV: Ngoài đánh giá việc tuân thủ các nguyên tắc ESG (môi trường, xã hội, quản trị), UOB còn áp dụng thêm tiêu chí nào khác khi xem xét cấp vốn cho dự án giảm phát thải?

Ông Jason Yeo Wee Peng: Chúng tôi áp dụng cách tiếp cận khác biệt và toàn diện để hiểu và đánh giá rủi ro chuyển đổi của khách hàng doanh nghiệp cũng như hành trình phát thải ròng bằng "0", vì tính đáp ứng của công nghệ xanh khác nhau giữa các ngành và khu vực.

Ví dụ, quá trình luyện thép chiếm hơn 60% lượng khí thải của chuỗi giá trị. Các công nghệ xoay quanh tái chế nguyên liệu thô, lò điện, thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) cũng như các nguồn năng lượng carbon thấp thay thế đã sẵn sàng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của ngành chưa? Hãy so sánh điều này với hoạt động sản xuất xi măng, nơi 80% lượng phát thải của chuỗi giá trị đến từ quá trình sản xuất "clinker" (là thành phần chính của xi măng được sản xuất trong lò nung với khí lên 2000°C, làm nóng những nguyên liệu thô như đá vôi cùng với một lượng nhỏ các vật liệu khác đến 1.450°C). Một sự chuyển đổi đơn giản sang các chất thay thế clinker như xỉ hạt lò cao (do sản xuất thép) có thể tránh được phần lớn lượng khí thải.

Với sự hiểu biết chuyên sâu về các lĩnh vực và khách hàng của mình, những điều này sẽ cho phép chúng tôi thúc đẩy sự hợp tác chiến lược với các khách hàng quan trọng của mình và phù hợp với tham vọng của chúng tôi về các nỗ lực trong việc quản lý rủi ro và tài trợ giảm phát thải.

PV: Xin ông cho biết tính đến nay, UOB đã đạt được những kết quả bước đầu ra sao trong danh mục cho vay và lộ trình giảm phát thải của mình?

Ông Jason Yeo Wee Peng: Danh mục tài trợ thương mại xanh của UOB khắp khu vực đã lên đến 44,5 tỷ đô la Singapore (gần 33 tỷ USD) đến cuối năm 2023. Trong lộ trình tài trợ giảm phát thải, chúng tôi đã sử dụng dữ liệu năm 2021 làm cơ sở khi đánh giá cường độ phát thải được tài trợ trong các lĩnh vực ưu tiên và đặt ra mục tiêu. Báo cáo tiến độ đầu tiên của chúng tôi được ban hành vào tháng 10 năm 2023, minh họa hành trình đầu tiên của chúng tôi trong năm 2022 với cường độ phát thải giảm dần trên tất cả 5 lĩnh vực mà chúng tôi đã đặt mục tiêu phát thải ròng bằng "0". Chúng tôi vẫn duy trì ở mức thấp hơn từ 7 đến 14% so với lộ trình tham chiếu mục tiêu.

Ngoài hoạt động cho vay truyền thống, thông qua công ty quản lý quỹ đầu tư, chúng tôi cũng đã xem xét các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam có kết quả tài chính và xã hội tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục như Buymed, một thị trường B2B kết nối 12.000 quầy thuốc nông thôn trên 63 tỉnh thành ở Việt Nam để tiếp cận những nguồn thuốc, ví dụ như thuốc điều trị ung thư khó mua và ELSA (Trợ lý giọng nói tiếng Anh) đang tìm cách cải thiện chất lượng cuộc sống ở các thị trường cận biên bằng ứng dụng học tiếng Anh được hỗ trợ bởi AI và để vượt qua những khó khăn về việc thiếu giáo viên tiếng Anh và các trường học ở các tỉnh.


Ánh Dương

An ninh Tiền tệ

Từ Khóa:
UOB

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên